Sau khi tổng kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2013, nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ bày tỏ lạc quan về một năm kinh doanh không quá khó khăn như dự đoán ban đầu.
Vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2013 với tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 664 tỷ đồng, tăng 22%, doanh thu phí bảo hiểm mới quy năm đạt hơn 214 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2012, ông Chung Bá Phương, Tổng giám đốc Manulife Việt Nam cho biết, với mục tiêu tăng trưởng ấn tượng hơn nữa trong nửa cuối năm 2013, Công ty tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện kế hoạch đa dạng hóa và phát triển sản phẩm, đặc biệt trong lĩnh vực bancassurance và bảo hiểm hưu trí tự nguyện.
Các công ty bảo hiểm nhân thọ khác như AIA Việt Nam hay Dai-ichi Life Việt Nam cũng tỏ ra khá tự tin vào doanh thu 6 tháng cuối năm, sau khi đạt được kết quả kinh doanh khả quan trong 6 tháng đầu năm.
Ông Stephen Clark, Tổng giám đốc AIA Việt Nam cho biết, sự tăng trưởng cao trong 6 tháng đầu năm 2013 của AIA Việt Nam là kết quả của chiến lược phát triển theo chiều sâu. Chiến lược này sẽ tiếp tục được Công ty thực hiện trong thời gian tới.
Việc nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ liên tục công bố kết quả kinh doanh tăng trưởng trong bối cảnh nhiều ngành nghề chưa thoát khỏi khó khăn khiến các doanh nghiệp khác không khỏi ghen tị. Trao đổi với ĐTCK, giám đốc maketing một doanh nghiệp cùng ngành bảo hiểm, nhưng thuộc lĩnh vực phi nhân thọ tỏ ra ngạc nhiên khi đặt câu hỏi: làm sao có thể bán được bảo hiểm trong thời điểm này?
Theo đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lớn trên thị trường, kinh doanh bảo hiểm nhân thọ khác các ngành nghề khác, bởi khi kinh tế thịnh vượng, bảo hiểm nhân thọ chưa chắc đã dễ bán, vì khách hàng đang “rủng rỉnh” tiền nên không lo nghĩ nhiều về rủi ro. Khi kinh tế khó khăn, mọi chi tiêu đều phải tính toán, không ít người bắt đầu nghĩ đến những rủi ro trong cuộc sống, nên bảo hiểm nhân thọ lúc này lại dễ mời hơn.
“Trước đây, đại lý mời 100 khách hàng thì có đến 70 – 80 khách hàng từ chối tìm hiểu về bảo hiểm nhân thọ, nhưng bây giờ mời 100 khách hàng thì ít nhất cũng có 50 khách hàng quan tâm”, vị đại diện trên nói.
Thực tế, nhận thức của khách hàng về bảo hiểm nhân thọ bây giờ cũng đã tốt hơn, có những khách hàng hiểu rõ về bảo hiểm và sản phẩm nào là phù hợp với nhu cầu, mà không cần nhờ đến sự tư vấn của nhân viên bảo hiểm. Một số công ty bảo hiểm chia sẻ, bảo hiểm nhân thọ thời kinh tế khủng hoảng không còn nhiều hợp đồng “mệnh giá khủng” với trị giá 5 – 7 tỷ đồng, hàng chục tỷ đồng, nhưng những hợp đồng với mệnh giá bảo hiểm từ 500 triệu đồng trở lên bán khá tốt.
Trao đổi với ĐTCK về vấn đề liệu các công ty bảo hiểm có phải tạo ra nhiều chương trình thi đua khen thưởng để khích lệ đội ngũ đại lý bán hàng tốt hơn hay không, đại diện một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho biết, hoa hồng và thưởng không tăng lên, mà có phần cắt giảm, do công ty kiểm soát chi phí chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, đại lý bảo hiểm giai đoạn này vẫn hoạt động hiệu quả. Bởi lẽ, mọi người không có nhiều cơ hội nghề nghiệp như trước đây, các công ty trong ngành cũng không giành giật đại lý của nhau nhiều.
Để tạo đà cho doanh thu những tháng cuối năm đạt được kết quả như mong đợi, thay vì “rót tiền” cho đại lý bằng cách tăng hoa hồng và thưởng để tạo ra doanh thu “chưa chắc đã thật”, các công ty bảo hiểm nhân thọ giờ đây đều đầu tư mạnh hơn vào dịch vụ chăm sóc khách hàng và chuyên nghiệp hóa đội ngũ đại lý. Cùng với việc đẩy mạnh doanh thu bán bảo hiểm cá nhân bằng nhiều kênh khác nhau như qua ngân hàng hay qua điện thoại, hội thảo…, bảo hiểm nhóm cũng bắt đầu được các công ty bảo hiểm nhân thọ tập trung triển khai.
Tuy nhiên, đại diện một công ty bảo hiểm đang triển khai quyết liệt bảo hiểm nhóm cho hay, bảo hiểm nhóm có dư địa rất lớn, nhưng không dễ làm như bảo hiểm cá nhân. “Nếu tính toán không cẩn thận thì sản phẩm này không những không mang lại doanh thu, mà còn dễ dẫn đến thua lỗ”, vị này nói.