“Thị trường Hà Nội ai cũng nghĩ đã bão hòa, nhưng doanh thu của Công ty kể từ khi hoạt động tại địa bàn này quả là một con số khá bất ngờ”, đại diện Công ty Bảo hiểm Generali (GVL) tỏ ra khá ngạc nhiên khi chia sẻ với ĐTCK về tiềm năng của thị trường bảo hiểm nhân thọ phía Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng.
Sau hơn một năm hoạt động thành công tại TP. HCM, ngày 10/6 vừa qua, GVL đã khai trương văn phòng chi nhánh tại Hà Nội. Nền tảng đi đến quyết định này chính là những thành công của đội ngũ bán hàng GVL sau một thời gian cung cấp sản phẩm bảo hiểm nhóm và bảo hiểm dành cho khách hàng cá nhân tại Hà Nội.
Chia sẻ về quyết định trên, ông Simon Lam, Tổng giám đốc GVL cho biết, Hà Nội là một thị trường quan trọng và là cơ sở để GVL mở rộng hoạt động ra phía Bắc. GVL sẽ lập lại mô hình kinh doanh thành công tại TP. HCM trong hơn một năm qua. Cùng với việc chính thức khai trương văn phòng, GVL đã mang đến địa bàn Thủ đô một mô hình chú trọng chất lượng hỗ trợ đại lý hoạt động hiệu quả. Mô hình này là một phương pháp tiếp cận toàn diện, chú trọng chất lượng tuyển dụng, huấn luyện và phát triển, kèm cặp và quản lý hiệu quả hoạt động của đội ngũ tư vấn bảo hiểm…
Cũng quyết định “Bắc tiến”, nhưng ACE Life lại chọn Bắc Giang. Phòng giao dịch Bắc Giang là văn phòng kinh doanh thứ 4 của ACE Life tại khu vực miền Bắc, sau Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và là văn phòng thứ 14 của ACE Life trên cả nước.
Ông Lâm Hải Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc ACE Life Việt Nam cho biết, những năm gần đây, doanh thu phí khai thác mới ở các tỉnh, thành phía Bắc tăng lên rõ rệt là lý do ACE Life quyết định mở thêm văn phòng tại Bắc Giang, nhằm tạo điều kiện làm việc thuận lợi cho đội ngũ của Công ty trong việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ chất lượng đến các khách hàng tại địa phương. Không chỉ mở rộng địa bàn ra các tỉnh phía Bắc, ngày 10/6 vừa qua, ACE Life còn khai trương phòng giao dịch tại Bình Dương, nâng tổng số văn phòng của ACE Life lên con số 15 trên cả nước.
Bất chấp khó khăn kinh tế còn bủa vây, các DN bảo hiểm nhân thọ dường như đã có một quý kinh doanh đầu năm khá mãn nguyện. Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, số lượng hợp đồng khai thác mới trong 3 tháng đầu năm 2013 đạt 244.797 hợp đồng (sản phẩm chính), tăng 36% so với cùng kỳ; trong đó, Prevoir khai thác được 74.159 hợp đồng, Prudential là 68.892 hợp đồng và Bảo Việt Nhân thọ là 43.539 hợp đồng… Về phí bảo hiểm, tổng phí khai thác mới trong 3 tháng đầu năm cũng đạt 1.291,5 tỷ đồng, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm trước. Dẫn đầu về phí bảo hiểm khai thác mới là Prudential với 324 tỷ đồng, Bảo Việt Nhân thọ là 305 tỷ đồng và Manulife là 167 tỷ đồng…
Nếu so với kết quả kinh doanh đi xuống của khối phi nhân thọ (theo thống kê sơ bộ của Bộ Tài chính, quý I/2013, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc toàn thị trường phi nhân thọ giảm khoảng 5,6% so với cùng kỳ; 10/29 công ty có tốc độ tăng trưởng âm), thì bức tranh hoạt động quý I của khối nhân thọ là khá khả quan. Chính vì thế, để tận dụng đà tăng trưởng của thị trường, từ đầu năm đến nay, rất nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ thông báo mở rộng địa bàn hoạt động. Không những “Bắc tiến” và tiếp tục mở rộng thị trường phía Nam, mà mảnh đất miền Trung và Tây Nguyên đầy nắng gió cũng không nằm ngoài tầm ngắm của các công ty bảo hiểm nhân thọ. Manulife Việt Nam khai trương trụ sở mới của văn phòng chi nhánh tại Cần Thơ và Bình Dương, trong khi đó Dai-ichi Life Việt Nam vừa chính thức hoạt động Văn phòng tổng đại lý (GA) tại Bảo Lộc – Lâm Đồng. Tiếp theo sau 7 GA tại vừa được khai trương trong tháng 5 và đầu tháng 6/2013 tại TP. HCM và các tỉnh miền Trung, dự kiến trong trong tuần này, Dai-ichi Life Việt Nam cũng sẽ khai trương thêm 3 GA tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh ĐắkLắk.
Cùng với sự khởi sắc của thị trường so với cùng kỳ năm ngoái, CEO các công ty bảo hiểm nhân thọ cũng hy vọng việc tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực thuế để phát triển sản phẩm bảo hiểm nhân thọ do người sử dụng lao động mua cho người lao động, bảo hiểm hưu trí tự nguyện, thuế thu nhập cá nhân của đại lý… sẽ là tiền đề để tạo bước đột phá về doanh thu khai thác mới trong các quý tiếp theo. Trong khi đó, trao đổi với ĐTCK ngay trong thời điểm thị trường khó khăn nhất (doanh thu khai thác mới của hầu hết DN bảo hiểm nhân thọ đều sụt giảm) vào quý I/2012, CEO một công ty bảo hiểm nước ngoài vẫn tự tin, khoảng cách giữa nhu cầu muốn được bảo hiểm và sản phẩm bảo hiểm thực tế cung ứng ra thị trường vẫn còn rất lớn. Khi đã có cả thiên thời, nhân hòa, thì dường như việc mở rộng thêm “địa lợi” cũng là điều tất yếu.