Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán xung quanh việc chi phí khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế tăng giá, ông Phùng Đắc Lộc, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho rằng, đây là cơ hội để bảo hiểm nhân thọ thu hút thêm khách hàng.
Kể từ ngày 15/1/2019, hơn 1.900 dịch vụ y tế sẽ tăng giá với những người có thẻ bảo hiểm y tế. Theo ông, điều này tác động như thế nào tới khối bảo hiểm nhân thọ?
Tôi cho rằng, việc tăng giá dịch vụ y tế có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều, song vẫn tác động tới tâm lý người có thẻ bảo hiểm y tế. Lý do bởi giá giường bệnh, chi phí khám chữa bệnh, phẫu thuật… tuy có tỷ lệ tăng thấp, nhưng xét về con số tổng thể là không nhỏ.
Do chi phí khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế tăng nên người dân có nhu cầu tìm kiếm giải pháp hữu hiệu hơn để được thanh toán toàn bộ các chi phí khám chữa bệnh, nhất là các bệnh hiểm nghèo như ung thư vốn tốn kém tiền bạc.
Đây là cơ hội để bảo hiểm nhân thọ thu hút thêm khách hàng, vì các điều khoản bảo hiểm sức khỏe, bảo lãnh viện phí trong sản phẩm bảo hiểm nhân thọ hiện có mức phí đóng thấp. Chẳng hạn, với bảo hiểm nhân thọ, chỉ cần đóng hơn 3 triệu đồng/năm, tức khoảng 300.000 đồng/tháng là người dân có thể được hưởng các quyền lợi tối thiểu về khám chữa bệnh…
Ông có thể phân tích cụ thể hơn về cơ hội của khối bảo hiểm nhân thọ, thưa ông?
Tại thời điểm tăng giá trước đó kể từ ngày 1/3/2016 với 1.800 dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng, khiến chi phí chữa trị cho một loại bệnh tăng mạnh, nhất là chi phí điều trị chất lượng cao đối với các bệnh hiểm nghèo. Cũng bởi chi phí khám chữa bệnh tăng cao, trong khi không phải người dân nào cũng có đủ tài chính cho việc chữa bệnh nên các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đi kèm quyền lợi về khám chữa bệnh với mức phí đóng hợp lý là giải pháp được nhiều người lựa chọn.
Hiện tại, khi số lượng dịch vụ y tế tăng giá được nâng lên hơn 1.900 dịch vụ, rõ ràng nỗi lo của người có bảo hiểm y tế sẽ tăng lên và điều này càng tạo ra cơ hội cho các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ có quyền lợi về bảo hiểm sức khỏe, bảo lãnh viện phí bán chạy hơn. Trên thực tế, 2 năm trở lại đây, doanh thu phí bảo hiểm của khối nhân thọ tăng trưởng ở mức cao, bình quân 30% mỗi năm.
Về phía người dân, khi tham gia bảo hiểm sức khỏe, người được bảo hiểm sẽ được công ty bảo hiểm bảo lãnh thanh toán các chi phí thuộc phạm vi bảo hiểm khi điều trị nội trú, phẫu thuật tại các bệnh viện trong hệ thống bảo lãnh viện phí nội trú của công ty bảo hiểm và người được bảo hiểm chỉ phải thanh toán cho bệnh viện phần chi phí không thuộc phạm vi bảo hiểm.
Dẫu vậy, việc nhiều dịch vụ y tế tăng cũng sẽ khiến phí bảo hiểm nhân thọ cần đóng tăng theo. Điều này ảnh hưởng thế nào đến người mua bảo hiểm, nhất là những trường hợp nghèo, cận nghèo?
Với bảo hiểm y tế, chế độ đãi ngộ, thụ hưởng bảo hiểm, cũng như loại bệnh điều trị có sự khác biệt tùy từng đối tượng người mua bảo hiểm, trong đó các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đã được Nhà nước hỗ trợ phí bảo hiểm. Tuy nhiên, đối với bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo có chi phí điều trị lên đến cả trăm triệu đồng với hàng tháng trời nằm viện thì là nỗi lo lớn đối với người nghèo.
Với bảo hiểm nhân thọ, có nhiều mức độ quyền lợi được bảo hiểm (chi trả) khác nhau để người mua lựa chọn tùy theo khả năng tài chính như bảo hiểm sức khoẻ (mức thấp nhất), bảo hiểm sức khỏe toàn diện (mức trung bình) và bảo hiểm sức khỏe toàn diện cao cấp (mức cao).
Ngoài ra, người mua có thể lựa chọn loại bảo hiểm chi trả mức tiền nhất định cho 1 ngày điều trị nội trú như dao động từ 100.000 – 1.000.000 đồng/ ngày để bổ sung vào chi phí điều trị thiếu hụt mà bệnh viện yêu cầu người mua đồng chi trả (cùng với công ty bảo hiểm).
Điều này giúp người nghèo có thể chủ động về tài chính trong việc chữa trị, mà vẫn được hưởng các quyền lợi bảo hiểm theo hợp đồng và không trùng với chế độ bảo hiểm y tế được Nhà nước hỗ trợ.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn