Mạnh tay với những vi phạm
Cùng với công bố quyết định sai phạm trong bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng của 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (gồm Prudential, MB Ageas Life, Sun Life và BIDV Metlife), trong tháng 6/2023, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính còn ra quyết định xử phạt hành chính đối với 2 công ty môi giới bảo hiểm.
Trong đó, một công ty môi giới bảo hiểm bị xử phạt do những vi phạm trong tư vấn giới thiệu cho bên mua bảo hiểm quy tắc, điều khoản và biểu phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc không đúng quy định của pháp luật; không thỏa thuận bằng văn bản với bên mua bảo hiểm theo quy định của pháp luật khi thực hiện hoạt động môi giới bảo hiểm đối với hợp đồng bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc; sử dụng nhân viên chưa có chứng chỉ đào tạo về bảo hiểm hoặc môi giới bảo hiểm theo quy định pháp luật đối với nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm nhân thọ.
Theo quyết định, công ty môi giới bảo hiểm này bị phạt số tiền 290 triệu đồng cho các hành vi vi phạm hành chính nêu trên. Ngoài ra, cơ quan quản lý còn phạt bổ sung là đình chỉ 3 tháng hoạt động môi giới bảo hiểm của công ty này đối với nghiệp vụ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại, bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm nhân thọ. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 22/6/2023.
Cùng thời điểm, Cục quản lý giám sát bảo hiểm cũng ban hành quyết định xử phạt hành chính và đối với
Ngoài ra, công ty môi giới bảo hiểm nước ngoài còn lại bị phạt tiền 90 triệu đồng do hành vi không thỏa thuận bằng văn bản với bên mua bảo hiểm theo quy định của pháp luật khi thực hiện hoạt động môi giới bảo hiểm đối với hợp đồng bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe. Đồng thời, nhà môi giới bảo hiểm ngoại này còn bị đình chỉ 2,5 tháng hoạt động môi giới bảo hiểm đối với nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe (từ ngày 17/7/2023 đến ngày 30/9/2023).
Đối với sai phạm của 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã công bố trước đó, Bộ Tài chính cho biết sẽ xem xét xử phạt hành chính theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh và tạo sự răn đe trên thị trường. Các quyết định xử phạt sau khi ban hành sẽ được công khai trên các cơ quan báo chí và dư luận nhằm đảm bảo khách quan, minh bạch.
Cùng với công bố công khai các vi phạm cũng như các biện pháp xử phạt, trong năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên đề bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 10 doanh nghiệp bảo hiểm khác. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) trong việc thanh kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua ngân hàng.
Tăng cường quản lý, giám sát… sẽ hạn chế tranh chấp
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 202, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường ước đạt 15.508 tỷ đồng, giảm 38,2 % so với cùng kỳ năm trước; tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 77.831 tỷ đồng, giảm 7,9%.
Song song với công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) đang phối hợp với các doanh nghiệp thảo luận, thống nhất mẫu bản thông tin tóm tắt hợp đồng bảo hiểm, tham vấn thêm với Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm để đưa ra văn bản khuyến nghị hội viên về tài liệu này.
Được biết, tại dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, Nghị định số 46/2023/NĐ-CP có quy định, trong hợp đồng bảo hiểm phải có mẫu bản thông tin tóm tắt hợp đồng bảo hiểm cùng những tài liệu quy tắc, điều khoản bảo hiểm, tài liệu minh họa bán hàng, bộ hồ sơ yêu cầu bảo hiểm…
Riêng với kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm đều cho rằng, hiện là thời điểm thích hợp để đàm phán lại với đối tác ngân hàng, bổ sung tiêu chí đánh giá tỷ lệ duy trì hợp đồng vào thỏa thuận hợp tác giữa đôi bên.
Căn cứ vào tình hình thực tế tỷ lệ duy trì hợp đồng của kênh đại lý truyền thống và kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm có thể chủ động đàm phán với đối tác ngân hàng để bổ sung tiêu chí đánh giá về tỷ lệ này vào thỏa thuận hợp tác. Khi có dữ liệu về tỷ lệ duy trì hợp đồng chung của thị trường, IAV sẽ có văn bản khuyến nghị hội viên áp dụng (hiện tại, Hiệp hội không có các dữ liệu này do các doanh nghiệp không báo cáo). Ngoài ra, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng sẽ cùng xây dựng khung xử phạt đại lý là nhân viên tổ chức tín dụng hoạt động đại lý bảo hiểm theo khuyến nghị của Hiệp hội….
Theo ông Nguyễn Đức Thắng – Chủ tịch GAMA Việt Nam, dù con đường hướng tới một thị trường bảo hiểm chuyên nghiệp còn nhiều chông gai, nhưng không có nghĩa là không làm được, cứ dần lấp đầy các kẽ hở, xử lý các lỗi mang tính hệ thống từ việc nâng cao chất lượng tư vấn viên, “mộc mạc hóa” ngôn từ trong hợp đồng bảo hiểm, đến tăng cường công tác quản lý, giám sát… thì sẽ dần hạn chế được tranh chấp, cũng như gia tăng niềm tin vào bảo hiểm.
Ông Thắng cho biết, tại các quốc gia phát triển, trẻ em được tiếp cận với kiến thức về tiền bạc, về tài chính cá nhân và gia đình từ khá sớm, từ đó có những hiểu biết cơ bản và đúng đắn về bảo hiểm và vai trò của bảo hiểm nhân thọ. Như vậy, khi quyết định tham gia bảo hiểm nhân thọ cũng với mục đích đúng đắn và biết cách tìm hiểu rõ ràng về các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ để có chọn lựa phù hợp.
“Việt Nam cần sớm cân nhắc việc đưa những kiến thức này vào trong nhà trường từ bậc phổ thông như các nước. Chỉ khi đó, các thế hệ tương lai – cũng chính là khách hàng tương lai của doanh nghiệp bảo hiểm – mới được trang bị đầy đủ năng lực để nhận thức và chọn lựa sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phù hợp cho bản thân và gia đình”, ông Thắng khuyến nghị.
Liên quan đến vấn đề này, được biết, hiện có một số công ty bảo hiểm thực hiện các hoạt động cộng đồng nhằm nâng cao kiến thức tài chính cho các nhóm đối tượng như học sinh, sinh viên, người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…
Đơn cử, mới đây, Hanwha Life Việt Nam tổ chức nhiều đợt kiến tập dành cho sinh viên thuộc Trường đại học Văn Lang và Trường đại học Khoa học – Xã hội và Nhân văn. Đây là chương trình được “may đo” cho từng nhóm sinh viên, đáp ứng nhu cầu thông tin chuyên môn. Trong đó, chủ đề quản lý tài chính cá nhân được lồng ghép hiệu quả, giúp các sinh viên không chỉ có nền tảng kiến thức chuyên ngành, mà còn sớm tiếp cận các khái niệm tài chính cá nhân, có thể đưa ra các quyết định tiết kiệm, chi tiêu, đầu tư phù hợp…
Sau TP.HCM, hành trình mang kiến thức tài chính đến giới trẻ tiếp tục được Hanwha Life Việt Nam mở rộng đến các tỉnh miền Tây với 2 điểm trường đầu tiên tại Bến Tre và Tiền Giang. Theo đại diện Hanwha Life Việt Nam, hiểu biết tài chính cần được xem như một kỹ năng cần thiết của cuộc sống và khi đó, giới trẻ sẽ tự tin hơn để đưa ra” quyết định thông minh về quản lý tài chính”.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn