Việc Vinamilk công bố mua bảo hiểm trách nhiệm giám đốc (bảo hiểm D&O) đã có vai trò như một điểm nhấn, mang lại sự khởi sắc mới cho loại hình bảo hiểm mới mẻ này tại Việt Nam.
ĐHCĐ của Vinamilk vào tháng 4 vừa qua lần đầu tiên đưa ra đề xuất khá bất ngờ là việc mua bảo hiểm trách nhiệm cho các thành viên HĐQT. Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk trình bày trước Đại hội rằng, Vinamilk đã phát triển gần 40 năm nhờ nguyên tắc trung thực và minh bạch, từ trước đến giờ các thành viên HĐQT và thành viên ban giám đốc cũng chưa có quyết định gì gây thiệt hại cho cổ đông. Tuy nhiên, xét thấy việc mua bảo hiểm trách nhiệm cho HĐQT là việc làm hợp lý để phòng ngừa những rủi ro không đáng có vì những nguyên nhân chủ quan và đây cũng là việc mà các tập đoàn kinh tế lớn đều đã thực hiện. Dù có khá nhiều cổ đông thắc mắc về đề xuất mới này nhưng cuối cùng vì sự hợp lý của vấn đề nên đề xuất này cuối cùng đã được các cổ đông thông qua.
Nhìn nhận về quyết định của Vinamilk, đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ trong nước nói rằng, mua bảo hiểm D&O cho lãnh đạo sẽ trở thành xu hướng của các DN trong nước. Hiện các tập đoàn/định chế tài chính lớn không những nước ngoài mà ở trong nước cũng đều đã hoặc đang xúc tiến việc này.
Cùng với tín hiệu vui khi ngày càng nhiều DN chủ động tìm đến bảo hiểm D&O như một “tấm lá chắn” bảo vệ hữu hiệu, các DN bảo hiểm cũng hy vọng quyết định mới của các cơ quan chức năng trong việc nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty niêm yết (dự kiến Đề án này được Bộ Tài chính trình lên Chính phủ vào tháng 7 tới) cũng sẽ kéo theo “làn sóng” đầu tư mới vào Việt Nam.
“Môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh thì các rủi ro của các giám đốc, thành viên HĐQT sẽ tăng lên và cơ hội của bảo hiểm D&O xuất hiện”, đại diện một công ty bảo hiểm nói.
AIG hãng bảo hiểm lớn của Mỹ đang có mặt tại Việt Nam cho biết, hai quý đầu năm 2013, doanh thu bảo hiểm D&O của Hãng tại Việt Nam đã tăng 30% so với cùng kỳ năm 2012. Xác định tiềm năng của thị trường trong phân khúc này còn rất lớn nên trong năm 2012, AIG đã cho ra đời 2 dòng sản phẩm về D&O mới với phạm vi bảo hiểm rộng và có sự khác biệt rất lớn với các sản phẩm D&O hiện có trên thị trường, cụ thể là sản phẩm Dragonshield dành cho các DN lớn, DN niêm yết, Private Edge dành cho các DN vừa và nhỏ.
AIG hiện là một trong không nhiều hãng bảo hiểm thành công với bảo hiểm D&O tại thị trường ViệtNam.
Tuy nhiên, thành công ban đầu của AIG và những chuyển động mới của thị trường chỉ là một vài tín hiệu vui với bảo hiểm D&O. Các công ty bảo hiểm muốn phát triển sản phẩm này tại thị trường Việt Namvẫn còn rất nhiều việc phải làm. Chỉ xét riêng ở góc độ DN, muốn triển khai sản phẩm này rộng hơn cũng không phải dễ vì sản phẩm này chưa thu hút đủ số đông khách hàng tham gia bảo hiểm, vì vậy, phí bảo hiểm thường phải áp dụng rất cao để đủ bồi thường nếu có khiếu nại xảy ra. Việc thu xếp tái bảo hiểm cho nghiệp vụ này cũng không dễ dàng… Nói chung, để hoàn tất một đơn bảo hiểm này, phải tốn khá nhiều thời gian nên thực tế, tại một số DN bảo hiểm trong nước bản thân nhân viên bảo hiểm cũng không muốn bán sản phẩm này.
“Đứng ở góc độ khách hàng, thực tế, hiện không nhiều giám đốc DN quan tâm và tìm hiểu sản phẩm này, dù các DN bảo hiểm đã triển khai, mời chào. Ngoài ra, vì hệ thống pháp luật của Việt Nam khá phức tạp, nên khi xảy ra khiếu nại, việc giải quyết bồi thường gặp nhiều khó khăn, khiến khách hàng e ngại”, Giám đốc quản lý nghiệp vụ của một DN bảo hiểm chia sẻ.
Thực tế, dù có dư địa còn khá lớn, nhưng hiện tại, doanh thu của sản phẩm này nói riêng và doanh thu của các sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm nói chung cũng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng cơ cấu phí mà các DN bảo hiểm bán được.
Thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, năm 2012 bảo hiểm trách nhiệm chung đạt doanh thu 512 tỷ đồng, tăng 12,83%, đã bồi thường 116 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 23%.
Trao đổi với ĐTCK, đại diện một vài DN bảo hiểm vẫn hy vọng, về lâu dài, các DN mà đặc biệt là những DN niêm yết sẽ có cái nhìn tích cực hơn đối với loại hình bảo hiểm này. Những áp lực về rủi ro trước quyết định của mình khiến CEO các DN sẽ phải nghĩ đến các biện pháp bảo vệ. Và Vinamilk là một trong những ví dụ điển hình.