Những vụ hỏa hoạn xảy ra tại các chợ – trung tâm thương mại (TTTM) thời gian qua đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản.
Sau các sự cố này một vấn đề thường được đặt ra là giá như người kinh doanh, ban quản lý chợ đã mua bảo hiểm cháy nổ (BHCN) thì thiệt hại về tài chính sẽ được san sẻ. Song trên thực tế, việc triển khai BHCN tại chợ, TTTM đang trong tình trạng người mua thờ ơ, người bán kém nhiệt tình bởi còn tồn tại nhiều bất cập chưa được giải quyết.
Cháy nổ và những thiệt hại tài chính nặng nề
Tính từ đầu năm 2013 đến nay, hỏa hoạn đã xảy ra tại nhiều khu chợ, gây thiệt hại nặng nề về tài chính. Tại khu vực phía Nam, hỏa hoạn đã xảy ra tại các chợ Vĩnh Xương (An Giang), chợ Ngã Sáu (Hậu Giang). Ở phía Bắc, vụ cháy chợ Vồi (Thường Tín, Hà Nội), chợ Phủ Lý (Hà Nam) hồi tháng 4 và tháng 8 cũng gây ra những thiệt hại lớn cho bà con tiểu thương. Vụ cháy chợ – TTTM Hải Dương xảy ra trung tuần tháng 9 vừa qua có thể coi là một trong những vụ điển hình với thiệt hại tạm tính lên đến 500 tỷ đồng. Toàn bộ hàng hóa của 536 tiểu thương kinh doanh bị cháy rụi. Một phần chợ – TTTM rộng 1.000m2 sàn bị sập đổ. Trên thực tế, diễn biến các vụ cháy thường xảy ra theo diễn biến quen thuộc. Khi hỏa hoạn xảy ra, do báo tin chậm trễ, đường vào chợ chật hẹp, thiếu thiết bị chữa cháy hiện đại nên ngọn lửa mặc sức hoành hành, toàn bộ tài sản của tiểu thương bị thiêu rụi gây thiệt hại nặng về tài chính.
Vụ cháy Trung tâm Thương mại Hải Dương ngày 15-9-2013. Ảnh: Mạnh Tú
Sau khi hỏa hoạn xảy ra, không ít tiểu thương đã tỏ ra tiếc nuối vì đã không tham gia bảo hiểm cháy nổ. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, đại diện Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, loại hình BHCN hiện nay cung cấp chủ yếu cho đối tượng khách hàng doanh nghiệp (DN) ở các TP lớn, các ngôi nhà không có hoạt động kinh doanh, sản xuất của cá nhân (bảo hiểm nhà tư nhân). BHCN hiện gồm các loại hình: BHCN bắt buộc được hướng dẫn tại Thông tư 220 của Bộ Tài chính, ban hành theo nghị định số 35/2003/NĐ và 130/2006/NĐ của Chính phủ. Các DN bảo hiểm cũng triển khai một số sản phẩm như: Bảo hiểm cháy và các rủi ro đặc biệt; bảo hiểm mọi rủi ro tài sản (bao gồm rủi ro cháy và nổ) và bảo hiểm nhà tư nhân (bao gồm rủi ro cháy và nổ). Khi tham gia bảo hiểm và không may gặp rủi ro, người mua bảo hiểm được bồi thường cho các tài sản bị thiệt hại.
Mặc dù luật đã quy định rõ về việc tham gia BHCN bắt buộc và các DN cũng triển khai nhiều sản phẩm mang tính chất tự nguyện, song hầu hết tại các vụ cháy chợ, tiểu thương và ban quản lý đều không tham gia bảo hiểm. Toàn bộ thiệt hại về tài chính đều do các tiểu thương gánh chịu mà không có một tổ chức bảo hiểm nào đứng ra san sẻ.
Không có bảo hiểm vì không đủ điều kiện
Liên quan đến việc BHCN không thể triển khai tại các chợ, TTTM, đại diện một số DN bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, do đặc thù hoạt động phức tạp, chợ là nhóm ngành nghề có rủi ro rất cao, đặc biệt là rủi ro cháy nổ. Trong khi đó, việc bố trí, sắp xếp kinh doanh tại hệ thống chợ hiện chưa hợp lý, hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) trang bị thiếu đồng bộ. Cơ sở hạ tầng tại nhiều chợ đã xuống cấp, đường dây điện đều trong tình trạng cũ nát, quá tải. Nhiều nhóm hàng kinh doanh lại có khả năng bắt cháy cao như: Đồ may mặc, da giày, hàng tiêu dùng bằng nhựa… Những lý do này khiến phương án chữa cháy tại chỗ hầu như không có hiệu quả.
Đặc biệt, theo quy định, khi tham gia BHCN, tiểu thương phải có hệ thống sổ sách kế toán theo dõi từng danh mục mặt hàng cùng lượng hàng hóa xuất, nhập rõ ràng theo ngày, tháng để làm căn cứ tính giá trị mua bảo hiểm. Những sổ sách này sẽ là căn cứ để khi xảy ra tổn thất, DN bảo hiểm có đủ cơ sở để giám định, xác định mức độ thiệt hại. Tuy nhiên, hầu hết tiểu thương đều không đáp ứng được yêu cầu về chứng từ, sổ sách nhập, xuất hàng, gây trở ngại lớn cho quá trình giải quyết bồi thường. Thêm vào đó, nhận thức của một số người về nguy cơ và hậu quả của cháy nổ rất kém. Nhiều khu chợ hiện nay vẫn tồn tại việc thắp hương, đun nấu… tạo nguy cơ cháy, nổ thường trực. Những yếu tố này khiến DN bảo hiểm không mấy mặn mà triển khai sản phẩm BHCN tại chợ.
Về mức phí BHCN hiện nay, đại diện Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, tỷ lệ phí tối thiểu (theo Thông tư 220 của Bộ Tài chính ban hành) là 0,2% trên giá trị tài sản mua bảo hiểm. Với thực tế hạ tầng xuống cấp, hệ thống PCCC cũ kỹ của các chợ hiện nay, tỷ lệ phí này khá thấp. Mặc dù một số tiểu thương vẫn mang tâm lý mua BHCN sẽ mất thêm chi phí, họ phải cân nhắc nhiều hơn khi kinh doanh trong điều kiện khó khăn. Song trên thực tế, nguyên tắc của bảo hiểm là lấy số đông bù số ít, tạo nguồn tài chính để bồi thường cho những khách hàng trong trường hợp có thiệt hại không may xảy ra theo xác suất. Chính vì vậy, khoản phí bảo hiểm của rất nhiều khách hàng mới đủ để chi trả bồi thường cho 1 vụ tổn thất. Tại một số vụ cháy lớn, mức phí đóng góp của khách hàng còn không đủ để chi trả bồi thường tổn thất.
Theo các DN bảo hiểm, để hạn chế rủi ro, Ban quản lý chợ, TTTM và tiểu thương cần chấp hành nghiêm quy định PCCC nhằm bảo vệ an toàn tài sản của chính mình. Đây cũng là một điều kiện tiên quyết đủ điều kiện tham gia BHCN. Tuy nhiên, việc tham gia BHCN chỉ là một giải pháp, bởi khi ban quản lý chợ và tiểu thương không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chữa cháy, thiệt hại xảy ra sẽ rất nghiêm trọng, đồng thời gây khó khăn cho DN khi triển khai sản phẩm này.
Hương Ly
Bảo Hiểm Bảo Việt