6 tháng, tăng trưởng bancassurance đạt 17,2%
Thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu của kênh bán bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng (bancassurance) ước đạt 8.300 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 17,2% trong tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường nhân thọ.
Chia sẻ về cơ hội của kênh bancassurance trong thời gian tới, ông Bùi Gia Anh, Tổng thư ký IAV cho hay, tại các quốc gia phát triển, kênh bancassurance đã phát triển mạnh mẽ, chiếm tỷ trọng từ 50-70% tổng doanh thu phí bảo hiểm thị trường nhân thọ và Việt Nam được dự báo sẽ sớm đạt con số này trong tương lai gần.
“Các năm trước, kênh bancassurance chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn dưới 9% tổng doanh thu phí toàn thị trường, sang năm 2018 nhích lên 10%. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2019 đã tăng lên 17,2 % minh chứng cho sự bứt phá mạnh mẽ của kênh này”, ông Gia Anh nói.
Theo giới chuyên gia, doanh thu từ bancassurance tăng trưởng nhanh mang lại nhiều tín hiệu tích cực. Sự quan tâm đặc biệt của các nhà băng lớn nhỏ trong việc hợp tác với nhà bảo hiểm nhân thọ thông qua các hợp đồng độc quyền cũng như không độc quyền đang cho thấy bancassurance đang trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.
“Trong bối cảnh hoạt động tín dụng bất động sản được kiểm soát chặt hơn, cũng như áp lực nâng chuẩn tỷ lệ an toàn vốn (CAR), thì bancassurance là một giải pháp tối ưu đối với các ngân hàng khi vừa có thể nâng thu nhập, vừa không ảnh hưởng đến các chỉ tiêu về an toàn tín dụng”,
ông Ðán nói.
Cảnh báo hợp đồng bancassurance ảo
Mặc dù các ngân hàng đang đẩy mạnh phát triển bancassurance, nhưng việc chi hoa hồng ở mức rất cao cho ngân hàng (từ 90-130%/phí bảo hiểm năm thứ nhất) đang khiến chỉ tiêu về bán bảo hiểm nhân thọ trở thành gánh nặng đối với nhân viên ngân hàng. Ông Ðán cho hay, đang có tình trạng “ép” khách hàng mua bảo hiểm mới được giải ngân.
“Ðồng thời, có tình trạng ngân hàng ứng trước phí bảo hiểm cho khách hàng rồi dùng kỹ thuật cấn trừ đối với hoa hồng bảo hiểm thu sau dưới hình thức tặng một phần phí bảo hiểm cho khách hàng. Việc này có thể vừa vi phạm luật cạnh tranh, vừa tạo một loạt hợp đồng bảo hiểm có nhu cầu ảo và có khả năng cao sẽ bị mất hiệu lực trong năm hợp đồng thứ hai”, ông Ðán phân tích.
Vấn đề hợp đồng bảo hiểm ảo hay còn gọi là chơi game bảo hiểm trong kênh bancassurance đã được đưa ra từ năm ngoái. Theo một đại lý bảo hiểm cá nhân của Prudential, có hiện tượng khách hủy hợp đồng bảo hiểm mua qua kênh này. Trường hợp tỷ lệ duy trì hợp đồng qua bancassurance dưới 70% đồng nghĩa với việc hơn 30% doanh số mang về là ảo.
“Nếu muốn rõ thực hư ảo đến đâu thì chỉ cần kiểm tra tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm năm thứ 2, thứ 3 của kênh bán hàng này”, vị đại lý trên nói.
Số liệu thống kê từ IAV cho thấy, năm 2018, số lượng hợp đồng hủy bỏ năm đầu lũy kế là 18.047 hợp đồng. Trong đó, Manulife có số lượng hợp đồng hủy bỏ năm đầu lũy kế cao nhất, với 4.367 hợp đồng. Tiếp đến là BIDV MetLife (2.666 hợp đồng), Generali (2.527 hợp đồng), MB Ageas Life (1.852 hợp đồng), Aviva (1.831 hợp đồng), Prudential (829 hợp đồng)…
Trả lời câu hỏi của Báo Ðầu tư Chứng khoán về vấn đề này, ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký IAV cho biết, thực tế có hiện tượng “khuyên” khách hàng hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ hiện có để mua hợp đồng mới. Ngoài ra, việc chơi game bảo hiểm còn liên quan đến cả chi phí.
“Do hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là dài hạn, 10 năm, thậm chí 30 năm, nên năm đầu thường được các công ty bảo hiểm chi cao vì chi phí cho các năm sau ít đi, trong khi phí bảo hiểm thu được từ khách hàng vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, đó là cách tính toán chi phí tài chính của công ty bảo hiểm. IAV chỉ nêu hiện tượng, còn việc quản lý, xử lý thế nào, hạn chế chi phí ra sao thì là chuyện của doanh nghiệp bảo hiểm”, ông Dũng nói.