Bancassurance (bán bảo hiểm qua ngân hàng) từ lâu đã là kênh bán hàng đầy tiềm năng và đem lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) tại thị trường các nước phát triển. Tại Việt Nam, trong một số năm trở lại đây, kênh phân phối này đã bắt đầu được triển khai tại hầu hết các DNBH và bước đầu đem lại những kết quả khả quan.
“Vẹn cả đôi đường”
Bước sang năm thứ 3 của cơn lốc suy thoái kinh tế, giờ đây các DNBH đã học được cách thích nghi với thị trường. Hầu hết các DNBH phi nhân thọ đều có chính sách tận dụng triệt để kênh bán lẻ để phân phối những sản phẩm bảo hiểm đáp ứng xu hướng của khách hàng. Để đẩy mạnh doanh thu, bán lẻ chính là chiến lược đã được xác định từ cuối năm 2012 của nhiều DNBH phi nhân thọ.
Đại diện một DNBH cho biết: “Bắt đầu từ quý I, Cty đã bắt đầu những chiến dịch để khởi động cuộc đua doanh thu. Những hình thức như khuyến mãi, tặng quà, bốc thăm trúng thưởng giờ đây đã quá quen thuộc và được hầu hết các DNBH khác đều áp dụng, vì thế nhiều DN giờ đây phải tập trung vào khâu phát triển dịch vụ và chăm sóc khách hàng. Liên kết với ngân hàng để cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng cũng là xu hướng mới mà Cty lựa chọn”.
Theo đánh giá của các chuyên gia, DNBH sẽ có nhiều thuận lợi khi sử dụng kênh phân phối này. Việc tiếp cận với nguồn dữ liệu khách hàng mới trở nên vô cùng thuận tiện khi ngân hàng luôn quản lý rất chặt chẽ thông tin của khách hàng. Bên cạnh đó, với số lượng khách hàng và số lượt giao dịch lớn, kèm theo thói quen sử dụng các dịch vụ của ngân hàng, DNBH được gia tăng đáng kể số lượng khách hàng tiềm năng. Ngoài ra, giảm chi phí phân phối cũng là một lợi thế cực kỳ quan trọng việc kinh doanh đặc biệt là trong giai đoạn thị trường đang suy thoái. So với việc duy trì, điều hành và phát triển một hệ thống đại lý cồng kềnh, phức tạp thì việc vận hành hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu một cách chặt chẽ sẽ đỡ tốn kém và dễ quản lý hơn.
Từ phía ngân hàng, việc liên kết phân phối các sản phẩm bảo hiểm cũng góp phần làm tăng doanh thu, tăng hoa hồng. Mặc dù doanh thu và hoa hồng từ hoạt động này chưa thực sự cao nhưng trong bối cảnh khó khăn hiện nay hầu hết các ngân hàng đều muốn áp dụng.
Mặt khác, với sự liên kết này, ngân hàng cũng đa dạng hóa được sản phẩm của mình. Trong thực tế, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh được việc cho vay tiền thông qua chính sách hỗ trợ cho vay tiền mua BĐS, DNBH cung cấp sản phẩm bảo hiểm hay huy động được tiền gửi của khách hàng thông qua chính sách tiết kiệm hằng tháng để đóng bảo hiểm theo quý/năm,…
Xu thế toàn cầu
Ghi nhận tại Hội nghị Châu Á lần thứ 14 về “Bancassurance và thay thế kênh phân phối” vừa được tổ chức tại Indonesia, các chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết, Bancassurance là một trong những kênh phát triển nhanh nhất ở hầu hết thị trường tại Châu Á, đồng thời là kênh phân phối hàng đầu trong nhiều thị trường này.
Chỉ tính đến năm 2010, tỉ lệ đóng góp doanh thu phí bảo hiểm của Bancassurance cho các Cty bảo hiểm nhân thọ tại Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Hồng Kông đã tăng lên hơn 50%, so với mức 0% đến hơn 10% của năm 2000.
Theo thống kê, tỉ trọng thu nhập từ Bancassurance trên tổng thu nhập về phí của ngân hàng tại Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Hồng Kông cũng tăng lên từ gần 30% đến trên 40% vào năm 2010.
Tại Việt Nam, sự xuất hiện ngày càng nhiều các thỏa thuận hợp tác mới giữa DNBH và NH đã chứng minh cho sự phát triển nhanh chóng của xu hướng này. Không chỉ xuất hiện ở phân khúc thị trường nhân thọ, hiện nay tại phân khúc thị trường phi nhân thọ, kênh Bancassurance còn phát triển với tốc độ nhanh hơn và đang được đánh giá là thành công hơn so với khối nhân thọ do sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ thường đơn giản, dễ bán hơn. Mặt khác, các ngân hàng cũng tỏ ra “chuộng” các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ để bảo vệ vốn vay cho chính ngân hàng. Ví dụ như sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, y tế có doanh thu bán hàng khá cao, có ngân hàng thậm chí bán được tới 700 tỉ đồng/năm.
Trên thực tế, nhiều DN đã bắt đầu gặt hái thành công sau một quá trình đầu tư phát triển kênh Bancassurance. Năm 2012, Bảo hiểm Bảo Việt đã thu về 140 tỉ đồng doanh thu phí bảo hiểm gốc qua kênh Bancassurance từ 3 ngân hàng là HSBC, Bảo Việt và Maritimebank. Với kết quả này, Bảo hiểm Bảo Việt đã hoàn thành vượt kế hoạch gần 5%, tăng trưởng gần 40% so với năm 2011.
Đại diện của Cty bảo hiểm NH PT&NT ABIC cho biết, đến nay, Cty đã đạt mục tiêu 70% doanh thu phí bảo hiểm gốc qua kênh Bancassurance và hy vọng rằng sẽ tiếp tục giữ được đà tăng trưởng này tới năm 2017.
Như vậy, Bancassurance sẽ trở thành một kênh phân phối chính thức, tồn tại song song với kênh phân phối đại lý bảo hiểm là một điều tất yếu.
Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đang chuẩn bị ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện bán bảo hiểm qua các TCTD, tạo điều kiện hợp tác phát triển bán bảo hiểm qua các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Đây là cơ sở pháp lý để tất cả các ngân hàng, TCTD, các DNBH biết mình được làm những gì, làm như thế nào để bán bảo hiểm qua ngân hàng không phải “vừa làm vừa nghe ngóng” như trước.
|
Nguồn: laodongcomvn
Bảo Hiểm Bảo Việt