Liên tiếp ghi tên mình tại các dự án tầm quốc gia, không chỉ trong lĩnh vực dầu khí – năng lượng, Tổng công ty Bảo hiểm PVI (Bảo hiểm PVI) đang khẳng định năng lực của nhà bảo hiểm công nghiệp số 1 và được xếp hạng năng lực tài chính an toàn tại thị trường Việt Nam.
Mới đây, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế A.M. Best cũng đã điều chỉnh tăng triển vọng nâng hạng của Bảo hiểm PVI từ mức “Ổn định” lên mức “Tích cực”. Ông Trương Quốc Lâm – Tổng giám đốc Bảo hiểm PVI chia sẻ thêm với ĐTCK về mối liên hệ giữa xếp hạng tín nhiệm quốc tế (rating) với câu chuyện nhà bảo hiểm công nghiệp số 1 và được xếp hạng an toàn tại thị trường Việt Nam.
Độ phủ bảo hiểm rộng lớn
Liên tiếp “phủ sóng” rộng khắp ở nhiều dự án lớn, phải chăng, Bảo hiểm PVI đang tiếp tục khẳng định vững chắc vị trí số 1 về bảo hiểm công nghiệp tại thị trường Việt Nam?
Chiến lược phát triển của PVI về lâu dài là trở thành một trong những định chế tài chính – bảo hiểm hàng đầu Việt Nam cũng như trong khu vực. Sau 17 năm phát triển, PVI đã và đang giữ vững vị thế là nhà bảo hiểm công nghiệp số 1 tại thị trường Việt Nam. Liên tục trong những năm qua, PVI đã được lựa chọn làm đối tác cung cấp bảo hiểm cho các dự án tầm cỡ quốc gia trong lĩnh vực hàng không, điện lực, giao thông vận tải…
Gần đây, Bảo hiểm PVI đã được lựa chọn là nhà bảo hiểm cho một số công trình lớn như Dự án xây dựng đường sắt đô thị TP. HCM – Bến Thành – Suối Tiên với tổng mức trách nhiệm 560 triệu USD; dự án bảo hiểm thân tàu và P&I 2012 cho đội tàu Vinalines với tổng giá trị bảo hiểm lên tới 202 triệu USD; dự án bảo hiểm hàng không cho Tổng công ty trực thăng Việt Nam với tổng giá trị bảo hiểm thân 172 triệu USD…
Trong những năm gần đây, chúng tôi liên tục duy trì vị thế là nhà bảo hiểm công nghiệp lớn nhất thị trường phi nhân thọ, dẫn đầu trong các nghiệp vụ trọng yếu của nền kinh tế như bảo hiểm năng lượng, bảo hiểm tài sản – kỹ thuật, bảo hiểm hàng hải. Với lợi thế kể trên, cùng với sự hỗ trợ từ đối tác chiến lược Talanx – tập đoàn tài chính bảo hiểm lớn thứ ba tại Đức, chúng tôi tin tưởng rằng, cơ hội mở rộng thị trường của Bảo hiểm PVI là rất lớn.
Vậy bảo hiểm công nghiệp có phải là thế mạnh duy nhất của Bảo hiểm PVI?
Bảo hiểm công nghiệp là lĩnh vực thế mạnh của Bảo hiểm PVI, nhưng không phải là duy nhất. Năm 2012, doanh thu từ các sản phẩm bảo hiểm bán lẻ (bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm hàng hóa…) chiếm 25% tổng doanh thu bảo hiểm gốc của Bảo hiểm PVI. Đến nay, Bảo hiểm PVI đang đứng trong Top 4 thị trường bảo hiểm cá nhân với với vị trí thứ hai về thị phần bảo hiểm sức khỏe và thứ năm về thị phần bảo hiểm xe cơ giới. Và điều quan trọng hơn là các sản phẩm bán lẻ đang tăng trưởng tốt và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Bảo hiểm PVI. Quý I/2013, trong khi tốc độ tăng trưởng của thị trường giảm hơn 6%, thì lĩnh vực bán lẻ của Bảo hiểm PVI vẫn tăng trưởng hơn 11%. Ngày 10/5/2013, chúng tôi đã ra mắt Bảo hiểm PVI Huế, đây là chi nhánh thứ 26 của Bảo hiểm PVI trên toàn quốc. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp mở rộng mạng lưới phân phối và tăng cường chất lượng dịch vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Để định vị sự an toàn của một nhà bảo hiểm thì không thể không nhắc đến năng lực bồi thường của nhà bảo hiểm. Năng lực của Bảo hiểm PVI thế nào, thưa ông?
Với lợi thế là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có quy mô vốn – tài sản lớn trên thị trường (tổng tài sản đến hết quý I/2013 là hơn 5.000 tỷ đồng), chúng tôi luôn đảm bảo khả năng tài chính vững mạnh, cam kết chi trả bồi thường chính xác, nhanh chóng và đầy đủ, đặt quyền lợi của khách hàng lên hàng đầu. Một số vụ bồi thường điển hình được chúng tôi giải quyết nhanh chóng và đảm bảo quyền lợi tối ưu của khách hàng là: vụ bồi thường tổn thất ống dẫn dầu 6 inch thuộc mỏ Pear Oil Field của Petronas với số tiền 173,6 tỷ đồng; vụ bồi thường cho tổn thất của giàn PVD V với số tiền 130 tỷ đồng; vụ bồi thường tổn thất tàu Aquamarine đâm va vào tàu cá của Nhật Bản số tiền 12 tỷ đồng và đặc biệt, trong sự cố tàu Vinalines Queen, chúng tôi cũng là doanh nghiệp đầu tiên tạm ứng tiền bồi thường cho các thuyền viên số tiền 4,4 tỷ đồng. Tính riêng quý I/2013, Bảo hiểm PVI đã giải quyết nhanh chóng và kịp thời hơn 23.600 vụ bồi thường bảo hiểm gốc với số tiền 225 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ bồi thường 17,86% (cùng kỳ năm trước là 25,1%).
PVI cũng tự hào là doanh nghiệp bảo hiểm luôn có lãi nghiệp vụ kể từ khi thành lập đến nay và hiện là doanh nghiệp có lãi nghiệp vụ lớn nhất thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam trong nhiều năm (năm 2012 là 161 tỷ đồng và quý I/2013 là 65 tỷ đồng). Bởi vậy, chúng tôi luôn đảm bảo khả năng tài chính trong mọi trường hợp biến chuyển của nền kinh tế.
Đi tiên phong trong quản trị rủi ro
Ở thị trường các nước, để chiếm lĩnh vị trí số 1 về bảo hiểm công nghiệp, doanh nghiệp đòi hỏi phải có hệ thống quản trị rủi ro tốt, được đo lường bởi kết quả xếp hạng tín nhiệm quốc tế. Dường như nguyên tắc trên cũng không ngoại lệ với Bảo hiểm PVI?
Gần đây, công tác quản trị rủi ro được nhắc đến nhiều hơn và trở nên cấp thiết hơn đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, đồng thời cũng là công cụ để tạo dựng niềm tin và thu hút thêm khách hàng. Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp bảo hiểm của Bộ Tài chính đang được thực hiện cũng hướng tới việc đặt ra các tiêu chí nhằm phân loại doanh nghiệp.
Liên tục trong những năm qua, PVI đã được lựa chọn làm đối tác cung cấp bảo hiểm cho các dự án tầm cỡ quốc gia trong lĩnh vực hàng không, điện lực, giao thông vận tải…
Đối với Bảo hiểm PVI, chúng tôi đã triển khai công tác này từ lâu. Ngay từ khi bắt đầu làm việc với A.M. Best (năm 2007), chúng tôi đã có điều kiện để tiếp cận nhiều hơn với các tiêu chuẩn quốc tế về quản trị rủi ro. Sau 4 năm liên tiếp được xếp hạng tài chính an toàn từ tổ chức này, cùng với sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của cổ đông lớn Talanx, chúng tôi tự hào rằng, hệ thống quản trị rủi ro tại Bảo hiểm PVI hiện nay đã tiệm cận rất gần các tiêu chuẩn quốc tế. Việc điều chỉnh tăng triển vọng nâng hạng từ mức “Ổn định” lên mức “Tích cực” càng khẳng định rõ hơn nhận định của một tổ chức xếp hạng độc lập về tính an toàn trong hoạt động của PVI.
Hiện nay, chúng tôi cũng đang làm việc với Bộ Tài chính về việc xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá doanh nghiệp bảo hiểm. Chúng tôi tin tưởng rằng, những kinh nghiệm mà chúng tôi có được trong quá trình chuẩn bị đánh giá xếp hạng sẽ phần nào hữu ích với công tác quản lý và phát triển thị trường của Bộ Tài chính.
Thực tế, để duy trì thứ hạng trong điều kiện chỉ số tín nhiệm quốc gia giảm sút là không dễ, huống chi là triển vọng nâng hạng. Vậy nhờ đâu mà Bảo hiểm PVI có được triển vọng nâng hạng trong lần tái đánh giá này, thưa ông?
Việc điều chỉnh tăng triển vọng nâng hạng từ mức “Ổn định” lên mức “Tích cực” phản ánh sự hội tụ khá nhiều yếu tố như: kết quả kinh doanh hoạt động bảo hiểm khả quan, chiến lược đầu tư thận trọng, khả năng thanh khoản an toàn. Trong lần đánh giá này, chỉ tiêu an toàn vốn BCAR năm 2012 của Bảo hiểm PVI là hơn 200 điểm, trong khi đó, mức cần thiết để đạt mức xếp hạng B+ theo quy định của A.M. Best chỉ là 100 điểm. Như vậy, chỉ tiêu này của Bảo hiểm PVI đã vượt xa tiêu chuẩn đạt xếp hạng B+, thậm chí vượt cả mức cần thiết để đạt xếp hạng B++. Kết quả xếp hạng tín nhiệm Bảo hiểm PVI bị giới hạn bởi tác động bất lợi của suy thoái kinh tế, tuy nhiên chúng tôi hoàn toàn tự hào với kết quả nhận được trong bối cảnh tín nhiệm quốc gia sụt giảm.
Tôi thấy rằng, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều biến động như hiện nay, người mua bảo hiểm đã dần nhận thức được tầm quan trọng của hai từ “An toàn” của công ty bảo hiểm mà họ lựa chọn. Điều này cũng tương tự khi người dân gửi tiết kiệm lựa chọn một ngân hàng an toàn và đáng tin cậy. Điều này buộc các doanh nghiệp quan tâm nhiều đến công tác quản trị rủi ro và chất lượng dịch vụ, thay vì chạy theo việc giảm phí bảo hiểm phi kỹ thuật.
Một số dự án bảo hiểm công nghiệp lớn ngoài lĩnh vực dầu khí của Bảo hiểm PVI: Bảo hiểm đóng tàu cho tàu H1001 và tàu H1002 của Saigon Shipyard với giá trị bảo hiểm lần lượt là 60 triệu USD và 420 triệu USD; cấp đơn bảo hiểm kỹ thuật cho Nhiệt điện Ô Môn – Tổ máy số 2 của Công ty Daelim Industrial Co.,Ltd với tổng số tiền bảo hiểm là 346 triệu USD. Trong quý I/2013, Bảo hiểm PVI tiếp tục duy trì vị trí hàng đầu trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ và tiếp tục giữ vững vị thế nhà bảo hiểm công nghiệp số 1 thị trường. Cụ thể, tổng doanh thu là 1.520 tỷ đồng, hoàn thành 123,6% kế hoạch quý I; doanh thu bảo hiểm gốc đạt 1.262 tỷ đồng, hoàn thành 117% kế hoạch quý; doanh thu tái bảo hiểm đạt 188 tỷ đồng, trong đó doanh thu nhận tái là 124 tỷ đồng, hoàn thành 419,3% kế hoạch quý, tăng trưởng 81,5% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế đạt 122 tỷ đồng, hoàn thành 108% kế hoạch quý. |