“Tôi tin rằng, các sản phẩm có tính đầu tư còn rất nhiều cơ hội để phát triển ở thị trường Việt Nam và giống như các thị trường phát triển khác, dòng sản phẩm này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tương lai”, ông Lý Nhơn, Phó tổng giám đốc tài chính AIA Việt Nam chia sẻ với ĐTCK về tương lai của các sản phẩm bảo hiểm có yếu tố đầu tư.
Nếu so sánh cơ cấu số lượng hợp đồng khai thác mới năm 2012 và trước đó là năm 2011, thì sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp vẫn chiếm thị phần cao nhất với 39,3%; tử kỳ chiếm 35,4%; đầu tư chỉ chiếm 24,9%; sản phẩm trọn đời và sản phẩm bảo hiểm trả tiền định kỳ chiếm 0,4%. Sau một thời gian phát triển khá sôi nổi, có vẻ như những sản phẩm bảo hiểm có yếu tố đầu tư, đặc biệt là những sản phẩm liên kết với đầu tư đang rơi vào trạng thái trầm lắng cùng với sự ảm đạm của nền kinh tế? Ông có nhận định gì về xu hướng này?
Tôi cho rằng, tình hình kinh tế thay đổi đã ảnh hưởng đến mức tăng trưởng của các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ chú trọng vào yếu tố đầu tư. Ngoài ra, sẽ có những giai đoạn mà mỗi dòng sản phẩm nhân thọ sẽ tăng trưởng nhanh hơn dòng bảo sản phẩm khác tùy thuộc vào tình hình kinh tế. Tuy nhiên, tôi tin rằng, trong cả hiện tại và tương lai, dòng sản phẩm bảo hiểm có yếu tố đầu tư sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với ngành bảo hiểm nhân thọ và tài chính.
Đã có không ít khách hàng của các công ty bảo hiểm nhân thọ cho rằng, nếu mua bảo hiểm thì thời điểm này, họ chỉ tham gia những sản phẩm bảo hiểm bảo vệ cơ bản mệnh giá cao nhưng số phí đóng thấp, như sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chẳng hạn. Ông nghĩ sao về xu thế này?
Điều đó hoàn toàn dễ hiểu. Cái hay của bảo hiểm nhân thọ là ở chỗ nó cung cấp một danh mục các sản phẩm đa dạng có thể đáp ứng các nhu cầu khác nhau của khách hàng. Trong các nhu cầu đó, luôn có nhu cầu cho các sản phẩm mang tính bảo vệ cao. Trên thực tế, AIA Việt Nam đã tổ chức một chiến dịch để nâng cao nhận biết về “sự thiếu hụt bảo hiểm”, tức là sự chênh lệch giữa mức bảo hiểm mà một người cần và mức bảo vệ mà họ đang thực sự có. Hơn nữa, tôi tin rằng, trong tình hình kinh tế còn nhiều thách thức như hiện nay, người Việt Nam sẽ có xu hướng ưu tiên yếu tố bảo vệ hơn là yếu tố đầu tư khi mà cơ hội đầu tư không nhiều như trước và thu nhập người dân cũng giảm sút.
Ông có cho rằng, việc phát triển các sản phẩm bảo hiểm có yếu tố đầu tư tại Việt Namdường như chưa đúng thời điểm?
Trước tình hình kinh tế còn nhiều thách thức, khách hàng sẽ quan tâm nhiều đến các sản phẩm mang tính bảo vệ, nhằm bảo vệ những người thân yêu của mình, hơn là các sản phẩm mang tính đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế, thị phần cho sản phẩm đầu tư vẫn khá lớn và tôi tin rằng, đây vẫn là thời điểm tốt để phát triển những sản phẩm đầu tư giúp khách hàng có nhiều lựa chọn hơn. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm tại Việt Nam vẫn còn thấp và khi mà còn rất nhiều người Việt Nam vẫn không có hoặc không có đủ sự bảo vệ tài chính cần thiết thì vẫn còn nhiều cơ hội phát triển cho tất cả các dòng sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.
Nói về việc phát triển sản phẩm bảo hiểm tại các thị trường, nhiều ý kiến cho rằng, tại các nước đã phát triển, các sản phẩm bảo hiểm thiên về yếu tố bảo vệ với phí thấp – mệnh giá cao bán được nhiều hơn, trong khi tại các nước đang phát triển, người dân lại ưa chuộng những sản phẩm bảo hiểm có cả yếu tố tiết kiệm và đầu tư. Tuy nhiên, xu thế này có vẻ như không đúng lắm với thị trường Việt Nam khi thời gian gần đây, ngày càng nhiều khách hàng quay lại với những sản phẩm bảo hiểm chỉ thiên về bảo vệ. Theo ông, xu hướng này chỉ là nhất thời hay thị trường bảo hiểm Việt Nam đang đi nhanh hơn so với các nước phát triển khác?
Tôi cho rằng cả hai trường hợp đều đúng. Ở một khía cạnh nào đó, thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển nhanh hơn các thị trường khác. Trong khi một số thị trường phát triển vẫn chưa phát triển mạnh dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết chung thì tại Việt Nam, dòng sản phẩm này đã đạt thị phần rất tốt trong hơn 7 năm qua. Tôi cũng biết rằng, trong thời gian đầu tại Việt Nam, ngành bảo hiểm nhân thọ chỉ cung cấp những sản phẩm mang tính tiết kiệm, nhưng bây giờ, khi các sản phẩm mang tính bảo vệ đã được giới thiệu trên thị trường, người dân Việt Nam biết thêm là bảo hiểm nhân thọ không chỉ mang tính tiết kiệm mà còn mang tính bảo vệ. Sản phẩm mang tính bảo vệ đang rút dần khoảng cách với các sản phẩm tiết kiệm, tạo ra những động lực mạnh mẽ để phát triển dòng sản phẩm mang tính bảo vệ.
Theo ông, những sản phẩm bảo hiểm có yếu tố đầu tư có còn tương lai tại thị trường bảo hiểm Việt Nam?
Tôi tin rằng, các sản phẩm có tính đầu tư còn rất nhiều cơ hội để phát triển ở thị trường Việt Nam và giống như tại các thị trường phát triển khác, dòng sản phẩm này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tương lai. Hiện tại, số lượng cũng như chủng loại sản phẩm bảo hiểm nhân thọ chú trọng vào yếu tố đầu tư vẫn còn giới hạn tại Việt Nam, nhưng khi các công ty bảo hiểm nhân thọ giới thiệu nhiều sản phẩm hơn nữa ra thị trường thì dòng sản phẩm này sẽ trở thành dòng sản phẩm quan trọng, giống như tại các thị trường phát triển.
Khi mà còn rất nhiều người Việt Nam vẫn không có hoặc không có đủ sự bảo vệ tài chính cần thiết thì vẫn còn nhiều cơ hội phát triển cho tất cả các dòng sản phẩm bảo hiểm
Theo báo cáo của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI), năm 2012, nhóm sản phẩm có tỷ trọng phí cao nhất là sản phẩm hỗn hợp chiếm 66,5% (12.236 tỷ đồng), sản phẩm đầu tư là 24,2% (4.499 tỷ đồng), sản phẩm phụ chiếm 6,2% (1.144 tỷ đồng). Nhóm sản phẩm khôi phục nhiều nhất là: Sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp (45.373 hợp đồng) và sản phẩm bảo hiểm tử kỳ (37.051 hợp đồng). Nhóm phí bảo hiểm khai thác mới về sản phẩm dẫn đầu lần lượt là sản phẩm hỗn hợp chiếm 52%, tiếp đến là sản phẩm đầu tư chiếm 36,7% và sản phẩm phụ 7,7%.
Tuy nhiên, nếu tính về số tiền bảo hiểm thì tổng mức trách nhiệm của sản phẩm đầu tư hiện nay đã vượt qua tổng mức trách nhiệm của sản phẩm hỗn hợp xấp xỉ 77.000 tỷ đồng. Theo đánh giá của AVI, xu hướng này sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới khi hoạt động khai thác mới về các sản phẩm bảo hiểm đầu tư (chủ yếu là sản phẩm liên kết chung) tăng mạnh. |