Có thể nói, sau một giai đoạn dài tăng trưởng mạnh cùng với sự sôi động của thị trường tiêu thụ ô tô, năm 2012, bảo hiểm xe cơ giới thực sự đã ngấm đòn của khủng hoảng kinh tế.
Với hàng chục triệu xe cơ giới đang lưu hành và hàng trăm ngàn xe lưu hành mới mỗi năm, bảo hiểm xe cơ giới thực sự là một lĩnh vực tiềm năng. Tuy nhiên, chính các doanh nghiệp bảo hiểm đang tự mình lãng phí tiềm năng đó khi cạnh tranh không lành mạnh. Nếu khắc phục tình trạng này, đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp bảo hiểm.
Bảo hiểm xe cơ giới, một thị trường tiềm năng
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, số lượng ô tô, xe máy được sản xuất và tiêu thụ tại Việt Namkhông ngừng tăng lên. Theo số liệu thống kê, tổng số phương tiện cơ giới đăng ký lưu hành cả nước hiện nay khoảng 35 triệu chiếc. Trong đó, ôtô là 1,82 triệu chiếc và xe máy là 32,65 triệu chiếc. Trung bình mỗi năm có khoảng 100.000 xe ô tô (mới và cũ) cùng hàng triệu xe máy được nhập khẩu, lắp ráp và tiêu thụ tại Việt Nam. Đây có thể coi là mảnh đất màu mỡ để các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phát triển nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới.
Trong quá trình triển khai, nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới luôn được coi là sản phẩm chiến lược của các doanh nghiệp bán lẻ. Tỷ trọng doanh thu bảo hiểm xe cơ giới trên tổng doanh thu luôn đạt mức hai con số (trên 27% theo số liệu năm 2012). Là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, tỷ trọng doanh thu bảo hiểm xe cơ giới của Bảo hiểm Bảo Việt cũng chiếm tới 28%.
Tính đến hết năm 2012, bảo hiểm xe cơ giới luôn có tốc độ tăng trưởng cao hơn thị trường, bình quân trên 20%/năm. Tuy nhiên, hiệu quả không đi cùng với tăng trưởng doanh thu. Hầu hết các doanh nghiệp đều lỗ nghiệp vụ. Một phần do sự phát triển nóng, khi mà các doanh nghiệp vào cuộc đua chiếm lĩnh thị phần bằng chiến lược tăng chi phí, giảm phí và mở rộng các điều kiện, điều khoản, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ. Hậu quả, khi nền kinh tế có vấn đề, bảo hiểm xe cơ giới bị ảnh hưởng mạnh mẽ.
Trong khi doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ toàn thị trường năm 2012 tăng 10,3%, thì doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới chỉ tăng 1,53% so với cùng kỳ năm 2011.
Doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tăng chậm phần lớn do ảnh hưởng từ sự ảm đạm của thị trường tiêu thụ ô tô. Nguyên nhân do hầu hết các xe nhập khẩu và xe lắp ráp mới đều tham gia bảo hiểm bắt buộc và tự nguyện trong lần mua – bán đầu tiên.
Do ảnh hưởng của suy thoái, năng lực tài chính của các doanh nghiệp và cá nhân suy giảm mạnh, dẫn đến tình trạng nhiều hợp đồng bảo hiểm không tái tục được. Đặc biệt là bảo hiểm vật chất xe ô tô, nghiệp vụ chiếm đến 60% tỷ trọng doanh thu.
Bên cạnh đó, việc các công ty bảo hiểm cạnh tranh bằng những yếu tố phi kỹ thuật, đua nhau hạ phí và mở rộng phạm vi bảo hiểm để hút khách khiến rất nhiều doanh nghiệp lỗ trong nghiệp vụ này. Khi hiệu quả của doanh nghiệp trong một thời gian dài không được đảm bảo, giải pháp trước mắt là hạn chế triển khai các nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường cao, trong đó có nghiệp vụ xe cơ giới.
Sau hai năm thị trường bảo hiểm xe cơ giới đi vào ổn định, mặc dù tăng trưởng thấp, thì đến cuối năm 2012, trước sức ép về tăng trưởng và doanh thu, thị trường bảo hiểm xe cơ giới lại có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh.
Ổn định thị trường, cần những giải pháp và chế tài đủ mạnh
Khảo sát thị trường bảo hiểm xe cơ giới trong thời gian vừa qua, đặc biệt là các khu vực từ Đà Nẵng đến Cần Thơ, rất nhiều đại lý khai thác của các công ty bảo hiểm treo biển giảm phí đến 50%, bán dài hạn trên một năm, đặc biệt là bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe máy. Trong khi nghiệp vụ này không được khuyến mãi và giảm phí dưới mọi hình thức (theo Nghị định 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và Thông tư 126/2008/TT-BTC ngày 22/12/2008 của Bộ Tài chính).
Bên cạnh việc giảm phí, thì hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đều tăng hoa hồng so với quy định để thu hút các đại lý bán lẻ. Bộ Tài chính quy định về mức chi hoa hồng tối đa, ví dụ đối với bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe ô tô là 5%, vật chất ô tô là 10%, chủ xe mô tô là 25%. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế, chi phí hoa hồng cao hơn nhiều. Đối với xe máy, nhiều doanh nghiệp chi trả hoa hồng đến trên 60%, ô tô đến 20%. Điều này dẫn đến cuộc đua chi phí và hậu quả là thua lỗ trong kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm.
Để giải quyết vấn đề này, vừa qua, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm và Hiệp hội Bảo hiểm đã thành lập đoàn kiểm tra tại các khu vực miền Trung, đã phát hiện những sai phạm và sẽ có những hình thức xử phạt nặng đối với giám đốc các doanh nghiệp có đại lý làm sai quy định.
Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của khách hàng và hướng tới môi trường cạnh tranh công bằng, cơ quan chức năng cần có những giải pháp cụ thể và các chế tài mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa đối với nhứng sai phạm của các doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe cơ giới. Các thông tư và nghị định như: Nghị định 41/2009/NĐ-CP về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; Thông tư 86/2009/TT-BTC ngày 28/4/2009; Thông tư 86/2009/TT-BTC ngày 12/6/2009; Nghị định 103/2008/NĐ-CP; Thông tư 126/2008/TT-BTC và Thông tư liên tịch 35/2009/TT-BTC-BCA… cần được các doanh nghiệp bảo hiểm tuân thủ cao nhất với sự kiểm tra giám sát chặt chẽ của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm.
Khủng hoảng, cơ hội để phát triển bền vững hơn
Dưới tác động của khủng hoảng kinh tế, các doanh nghiệp ít chú trọng đến chất lượng dịch vụ sản phẩm và yếu kém về quản lý sẽ gặp nhiều khó khăn. Việc cạnh tranh bằng các yếu tố phi kỹ thuật trở thành phản tác dụng. Thực tế thì nhiều doanh nghiệp liên tục thua lỗ trong nghiệp vụ kinh doanh bảo hiểm. Các doanh nghiệp không thể tiếp tục dành thị phần bằng hạ phí và tìm cách né tránh bồi thường bằng những điều khoản không rõ ràng, không mang tính bảo vệ cho khách hàng. Để phát triển thị trường bảo hiểm xe cơ giới một cách bền vững, các doanh nghiệp cần:
Tăng cường chất lượng dịch vụ khách hàng. Thành lập các trung tâm chăm sóc hỗ trợ khách hàng, tăng cường tư vấn qua điện thoại, qua kênh giao tiếp trực tuyến, hướng tới khách hàng được chăm sóc tốt nhất có thể là giải pháp mà các doanh nghiệp đang làm.
Liên kết với các garage sửa chữa có uy tín. Đảm bảo chất lượng, xây dựng hệ thống các garage bảo lãnh. Hợp tác với các đơn vị cung cấp dịch vụ bổ trợ như cung cấp tin nhắn quản lý khách hàng, đa dạnh hóa kênh thanh toán…
Cải tiến quy trình bồi thường. Chất lượng sản phẩm – dịch vụ được thể hiện cao nhất ở khâu giải quyết bồi thường. Vì vậy, các doanh nghiệp cần luôn nỗ lực cải tiến quy trình, rút gọn thủ tục, rút ngắn thời gian giám định – bồi thường đến mức có thể trên tiêu chí “nhanh gọn – đơn giản – chính xác”.
Ứng dụng công nghệ cao vào quản lý, khai thác và giải quyết bồi thường. Sự phát triển của công nghệ đang dần thay đổi thói quen trong kinh doanh bảo hiểm. Các doanh nghiệp hàng năm đầu tư một lượng không nhỏ để ứng dụng công nghệ cao trong quản lý. Như Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Minh, PVI, PTI… trong những năm gần đây đã hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn như IBM để sử dụng các phần mềm công nghệ cao và dịch vụ tư vấn.
Có thể nói, sau một giai đoạn dài tăng trưởng mạnh cùng với sự sôi động của thị trường tiêu thụ ô tô, năm 2012, bảo hiểm xe cơ giới thực sự đã ngấm đòn của khủng hoảng kinh tế. Tăng trưởng 1,59% so với cùng kỳ năm trước là kết quả thể hiện sự khó khăn của nghiệp vụ này. Tuy nhiên, điều này tuân theo quy luật tất yếu của của sự phát triển và nó là cần thiết để các doanh nghiệp tự xét lại mình, cùng nhau xây dựng một thị trường bảo hiểm xe cơ giới ổn định và phát triển bền vững hơn.
Tiềm năng của thị trường là 34,5 triệu phương tiện cơ giới lưu hành, trong đó ôtô là 1,8 triệu chiếc – tỷ lệ tham gia bảo hiểm dưới 90% và xe máy là trên 32,7 triệu chiếc – tỷ lệ tham gia bảo hiểm dưới 30%. Thêm vào đó, hàng năm có khoảng 100.000 xe ô tô và hàng triệu xe máy được tiêu thụ thì đây vẫn là một thị trường đầy tiềm năng và là mảnh đất màu mỡ để các doanh nghiệp dụng võ. Phần thắng sẽ thuộc vào các doanh nghiệp có sản phẩm tốt, chất lượng dịch vụ tốt và năng lực quản lý tốt hơn. Tuy nhiên, với ảnh hưởng mạnh mẽ của suy giảm tăng trưởng kinh tế, với tỷ trọng doanh thu các nghiệp vụ tự nguyện lên tới trên 60%, thì tăng trưởng bảo hiểm xe cơ giới trong năm 2013 vẫn được dự đoán chỉ đạt một con số.
Rủi ro bồi thường cao, nhưng nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới vẫn rất hấp dẫn các DN bảo hiểm vì dư địa còn lớn