Chuyên gia này cho rằng cần đưa thêm các khoản tồn đọng của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nợ của Ngân hàng phát triển và Ngân hàng chính sách xã hội… vào nợ công. Tuy vậy, trần nợ nên được nới lên 65 – 68% GDP.
Bộ Tài chính vừa công bố Bản tin nợ công số 3 với số liệu cập nhật giai đoạn 2010-2013. Thông tin này gây ra nhiều ý kiến trái chiều về việc quản lý, xác định phạm vi nợ, mức độ an toàn cũng như phù hợp đối với Việt Nam. VnExpress vừa có trao đổi với PGS.TS Đào Văn Hùng, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) về vấn đề này.
PGS.TS Đào Văn Hùng cho rằng ngưỡng nợ công tối ưu của Việt Nam sẽ là 65-68% GDP nếu tính đầy đủ các khoản nợ. |
– Căn cứ trên số liệu của Bản tin, ông đánh giá thế nào về mức độ an toàn nợ công tại Việt Nam?
– Học viện Chính sách và Phát triển vừa qua đã phối hợp với các chuyên gia nghiên cứu về vấn đề này. Đánh giá tổng quát, nhóm nghiên cứu cho rằng rủi ro vỡ nợ đối với nợ công của Việt Nam là thấp, nhưng còn tiềm ẩn nhiều vấn đề và triển vọng là không bền vững.
Ngưỡng nợ trên GDP, tính theo Luật Quản lý nợ công là 54,2% (năm 2013) và 59,9% (ước năm 2014). Theo cách tính của nhóm nghiên cứu, tỷ lệ này sẽ cao hơn, lần lượt là 61,28% và 65,2%. Dù sao, ngưỡng này vẫn nằm trong mục tiêu kiểm soát nợ công của Chính phủ (65%).
Nợ vay trong nước đang xu hướng tăng, song không có khả năng vỡ nợ vì không phụ thuộc vào dự trữ ngoại tệ và khi cần, Nhà nước có thể phát hành trái phiếu để trả nợ. Nợ vay nước ngoài vẫn thấp so với tiêu chuẩn an toàn của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Hệ số tín nhiệm của Việt Nam được Fitch Ratings, Moody’s và S&P đánh giá ở mức BB- và B1 và có triển vọng ổn định. Điều đó có nghĩa là có rủi ro nhưng vẫn ở mức an toàn và chưa có nguy cơ lâm vào khủng hoảng.
– Những rủi ro chủ yếu đối với an toàn nợ công Việt Nam hiện nay là gì, thưa ông?
– Có nhiều rủi ro. Tỷ lệ giữa nghĩa vụ trả nợ và tổng thu ngân sách đang ở mức cao và có xu hướng tăng. Rủi ro không trả được nợ từ các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh, các khoản nợ xấu và nợ có khả năng mất vốn của doanh nghiệp Nhà nước vay ngân hàng có thể chuyển thành nợ công…
Ngoài ra, việc quản lý và sử dụng vốn vay để đầu tư công kém hiệu quả, lãng phí, thất thoát, tăng trưởng kinh tế giảm sút và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thấp làm giảm nguồn trả nợ… cũng sẽ là những áp lực lên nợ công trong tương lai.
– Có ý kiến cho rằng rủi ro nợ công nằm ở việc chúng ta chưa tính đủ các khoản nợ theo tiêu chuẩn quốc tế. Quan điểm của ông như thế nào về việc này?
– Hiện nay chưa có tổ chức tài chính quốc tế nào công bố về chuẩn mực nợ công áp dụng cho tất cả các nước. Một số tổ chức quốc tế hàng đầu như IMF, WB, OECD, UNCTAD đã xuất bản các tài liệu hướng dẫn, nhưng đây không phải là các khuyến nghị về tiêu chuẩn chung, không có tính pháp lý, yêu cầu tuân thủ, giám sát đối với bất kỳ quốc gia nào.
Bên cạnh đó, chưa có tổ chức tài chính – tiền tệ, kiểm toán, định hạng tín nhiệm nào trên thế giới khuyến nghị rằng phạm vi xác định nợ công của Việt Nam là sai lệch so với chuẩn mực hay thông lệ quốc tế.
Nhưng dù phạm vi xác định nợ công Việt Nam đã được quy định rất rõ ràng dựa trên các cơ sở kinh tế, pháp lý và tiếp cận gần với một số cách tính của các nước tiên tiến thế giới, chúng tôi lưu ý vẫn còn một số yếu tố tính chưa đầy đủ so với bản chất nợ công, làm ảnh hưởng đến sự chính xác và cập nhật của số liệu.
– Hiện Chính phủ đang tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có nhiều đơn vị kinh doanh không hiệu quả. Việc không tính đến khoản vay của doanh nghiệp Nhà nước sẽ gây rủi ro lớn, ông đánh giá như thế nào?
– Hiện có quan điểm cho rằng nếu tính toàn bộ nợ phải trả của doanh nghiệp vào nợ công thì ngưỡng nợ công Việt Nam hiện nay phải lớn hơn 100% GDP. Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy không phải nợ phải trả nào của doanh nghiệp Nhà nước đều có nguy cơ chuyển thành nợ công.
Theo báo cáo Chính phủ, tính đến cuối 2013, tổng nợ phải trả của các doanh nghiệp Nhà nước là hơn 1,6 triệu tỷ đồng, trong đó nợ được bảo đảm bằng vốn chủ sở hữu đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, chiếm 69% tổng nợ phải trả và bằng 91% nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp Nhà nước. Như vậy, mức độ rủi ro nợ tự vay tự trả có thể chuyển thành nợ mất khả năng thanh toán tối đa là 9% (112.594 tỷ đồng), tương đương 3,1% GDP.
Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu, Nhà nước nếu không muốn để phá sản sẽ cho tái cơ cấu và làm tăng nợ công tại thời điểm đó với số tiền bằng số nợ không còn khả năng trả, tối đa 112.594 tỷ đồng chứ không phải toàn bộ nợ của doanh nghiệp Nhà nước hiện hành.
Do đó, luật quản lý nợ công không tính nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công là có cơ sở kinh tế và pháp lý thuyết phục. Tuy nhiên, trong việc quản lý cần chủ động dự tính được tỷ lệ rủi ro nợ của doanh nghiệp Nhà nước chuyển thành nợ công để đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.
– Với các khoản nợ của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức bảo hiểm và an sinh xã hội, ông nghĩ sao?
– Theo luật của Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước không có chức năng thực hiện các khoản vay thay Chính phủ và các khoản vay khác có bản chất là nợ công. Các khoản nợ do phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước chỉ là công cụ của chính sách tiền tệ nhằm điều tiết lượng tiền trên thị trường, không phải để chi tiêu, không có rủi ro thanh toán vỡ nợ nên việc không tính các khoản này vào nợ công không gây ảnh hưởng.
Đối với nợ của tổ chức bảo hiểm và an sinh xã hội, hiện nay quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vẫn trong trạng thái còn kết dư nên chưa phát sinh nợ vay để chi trả bảo hiểm. Nhưng theo dự báo của một số tổ chức, nếu duy trì tình trạng như hiện nay, sau thời gian nữa các quỹ này có thể mất cân đối thu chi dẫn đến phải đi vay nợ để chi trả bảo hiểm. Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là tổ chức tài chính công, được Chính phủ đảm bảo nghĩa vụ thanh toán, do đó, về bản chất nợ của các tổ chức an sinh xã hội phải được tính vào nợ công.
– Việc các khoản nợ vay của Ngân hàng phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách Xã hội nằm ngoài khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh không được tính vào nợ công như hiện nay có hợp lý không, thưa ông?
– Theo Luật nợ công, các khoản nhận tiền gửi khách hàng, tiền vay và các khoản nợ phải trả khác ngoài khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh của hai ngân hàng này không được tính vào nợ công là chưa phù hợp vì theo điều lệ, các tổ chức này hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận và được Chính phủ đảm bảo khả năng thanh toán.
– Vậy nếu tính thêm những khoản nêu trên, ngưỡng an toàn của nợ công Việt Nam sẽ như thế nào thưa ông?
– Nếu tính đầy đủ cả các khoản nợ được đề xuất thì ngưỡng nợ công bình quân tối ưu giai đoạn 2016 – 2020 là 68% GDP với phương án tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 6,5% một năm và 65% nếu GDP tăng được7%.
Ngưỡng nợ công tối ưu nghĩa là tại đó mức đó vay nợ sẽ tạo ra động lực tăng trưởng phù hợp nhất cho nền kinh tế. Ngưỡng này quá thấp cũng chưa phải là tốt vì không sử dụng tốt đòn bẩy vay nợ để tăng nguồn vốn đầu tư phát triển, đặc biệt đối với các nước đang phát triển và hội nhập quốc tế. Còn nếu cao quá lại làm giảm động lực của đòn bẩy tài chính và giảm tăng trưởng do phần lớn sản lượng làm ra phải trả nợ và lãi, phải tăng thuế để tăng nguồn thu trả nợ.
Tuy nhiên, ngưỡng nợ công tối ưu chỉ là điều kiện cần để đảm bảo an toàn, chất lượng nợ và tỷ lệ giữa nghĩa vụ trả nợ trên thu ngân sách sẽ là điều kiện đủ để đảm bảo mức độ an toàn của nợ công.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo vnexpress)