Hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 50 triệu đồng hiện nay đã không còn hợp lý. Được biết, BHTGVN đã báo cáo các cơ quan chức năng xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh hạn mức trả tiền BH lên mức 200-300 triệu đồng.
Giá trị thể hiện niềm tin
Thông tin trên báo Lao Động, là một định chế tài chính do Chính phủ thành lập, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã và đang gìn giữ niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng (NH) thông qua các hoạt động nghiệp vụ của mình. Tuy nhiên, hạn mức trả tiền bảo hiểm (BH) tối đa cho tất cả các khoản tiền gửi được BH của một cá nhân tại một tổ chức tham giabảo hiểm tiền gửi (BHTG) hiện nay chỉ là 50 triệu đồng, liệu có là quá thấp, và liệu có đảm bảo được lòng tin của người gửi tiền?
Hạn mức chi trả BHTG 50 triệu đồng đã được áp dụng từ năm 2005. Khi đó, mức chi trả này là phù hợp, tương đương gần 5 lần GDP bình quân đầu người và bảo vệ toàn bộ được 90% người gửi tiền. Tuy nhiên, tình hình kinh tế đã có nhiều biến động trong suốt gần 10 năm qua. Theo thống kê của BHTGVN, từ năm 2005 đến năm 2011, số lượng người gửi tiền đã tăng từ 10 triệu người lên 26 triệu người, tổng số dư tiền gửi năm 2007 là 700 nghìn tỉ VND, năm 2011 đã lên tới 2058,9 nghìn tỉ VND. Tính đến ngày 30.6.2011, với hạn mức trả tiền BH là 50 triệu đồng, chỉ có 10,23% số dư tiền gửi được BH toàn bộ, tỉ lệ hạn mức trả tiền BH trên GDP bình quân chỉ còn 1,73 lần.
Theo các chuyên gia, hạn mức chi trả BH là một yếu tố thể hiện cam kết bảo vệ người gửi tiền của Chính phủ thông qua tổ chức BHTG. Với hạn mức thấp như vậy, lại chậm được thay đổi, sẽ tạo ra hệ quả tất yếu là không thu hút được tối đa tiền gửi vào hệ thống tín dụng do công chúng có thể đánh giá thấp năng lực của tổ chức BHTG, từ đó giảm sút lòng tin vào hệ thống NH. Yêu cầu thực tiễn về thay đổi hạn mức đang đặt ra ngày càng cấp thiết. TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – khẳng định: “Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi bấp bênh và còn ẩn chứa nhiều rủi ro, nền kinh tế trong nước vừa mới thoát ra khỏi đáy khủng hoảng và đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng, thì việc củng cố lòng tin của người gửi tiền là thực sự cần thiết”.
Ở các nước có hệ thống BHTG phát triển từ lâu như Mỹ, Canada, Hàn Quốc, hạn mức trả tiền BH được điều chỉnh một cách linh hoạt dựa trên những thay đổi về tình hình kinh tế – xã hội. Căn cứ xác định hạn mức BH là các chỉ số: Tỉ lệ số người gửi tiền được BH toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được BH phải trên 80%; tỉ lệ số tiền gửi được BH toàn bộ trên tổng số dư tiền gửi được BH khoảng 20-30%, tỉ lệ hạn mức BH tiền gửi trên GDP bình quân đầu người từ 2,5 đến 5 lần – xét trong điều kiện bình thường. Nếu xảy ra khủng hoảng kinh tế, hạn mức BHTG có thể được điều chỉnh cao lên gấp nhiều lần, thậm chí BH toàn bộ nhằm tránh tình trạng rút tiền hàng loạt, trấn an người gửi tiền. Về vấn đề này, TS Trần Du Lịch – Đại biểu Quốc hội TPHCM – nhấn mạnh: “Khi quy định hạn mức cụ thể cần tính toán kỹ sự thay đổi của các yếu tố tác động, tạo cơ chế thuận lợi để thay đổi hạn mức trong trường hợp cần thiết và tránh rủi ro đạo đức”.
Được biết, BHTGVN đã báo cáo các cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi lên mức 200-300 triệu đồng. (Ảnh minh họa).
Nên nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi
TS Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, khẳng định: Mức bảo hiểm tiền gửi hiện nay đã lạc hậu, chúng tôi cũng đã có đề xuất mức bảo hiểm lên 200 triệu đồng/tổ chức. “Nghĩa là nếu người gửi tiền ở năm ngân hàng khác nhau, khi gặp rủi ro thì bảo hiểm tiền gửi sẽ đền bù cả năm nơi với tổng số tiền đền bù là 1 tỷ đồng. Như vậy, trong trường hợp một khách hàng gửi 10 nơi thì số bảo hiểm sẽ đền bù tối đa là 2 tỷ đồng” – ông Dũng nói.
Vì vậy theo ông Ngân, trong khi chờ hoàn thành Luật Bảo hiểm tiền gửi thì Chính phủ phải có quyết định điều chỉnh bảo hiểm tiền gửi tăng lên gấp năm lần GDP thì mới phù hợp.
Được biết, BHTGVN đã báo cáo các cơ quan chức năng xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh hạn mức trả tiền BH lên mức 200-300 triệu đồng. Trong trường hợp xảy ra sự cố rút tiền hàng loạt, hạn mức trả tiền BH có thể được điều chỉnh linh hoạt lên mức 1 tỷ đồng, và khi có khủng hoảng, có thể sẽ chuyển sang cơ chế BH toàn bộ nhằm đưa ra thông điệp mạnh của Nhà nước trong việc bảo vệ đa số người gửi tiền.
Mong rằng, hạn mức BHTG sẽ sớm được Chính phủ điều chỉnh kịp thời để đáp ứng mục tiêu bảo vệ tốt quyền lợi của người gửi tiền, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, từ đó nâng cao niềm tin công chúng vào hệ thống NH quốc gia.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo nguoiduatin.vn)