Đó là khẳng định của Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) Trịnh Thanh Hoan.
Liên tiếp 2 ngày (1/4 và 2/4), Đại hội thường niên lần thứ 14 Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam và Hội nghị ngành bảo hiểm năm 2013 đã được tổ chức tại Hà Nội. Chưa bao giờ, các thành viên của thị trường lại cùng nhau nhìn thẳng vào những nhược điểm của thị trường như tại hai hội nghị này.
“Mổ xẻ” nguyên nhân
Tai 2 hội nghị này, các vấn đề nóng của thị trường được đem ra mổ xẻ gay gắt và tỉ mỉ, mà theo đánh giá của các thành viên thị trường thì chưa năm nào “được” như thế. Bản thân Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), ông Trịnh Thanh Hoan, khi kết thúc Hội nghị, cũng thừa nhận diễn đàn năm nay đầy“căng thẳng và nghiêm túc”.
Khơi mào cho việc mổ xẻ những tồn tại của thị trường tại Hội nghị ngành là quan điểm của ông Trần Vĩnh Đức, Chủ tịch HĐQT CTCP Bảo hiểm Bảo Minh, khi vị này liệt ra không ít nhược điểm cố hữu của thị trường như cạnh tranh không lành mạnh, trục lợi bảo hiểm, thiếu sự hợp tác giữa các DN bảo hiểm…
Ở góc độ một nhà tái bảo hiểm quốc tế, đại diện Swiss Re cũng đánh giá cao những chia sẻ thẳng thắn về khiếm khuyết của thị trường, nhất là chủ đề được xem là nhạy cảm như câu chuyện lỗ lãi. Những con số như: 11 năm liên tiếp lỗ của nghiệp vụ bảo hiểm tàu thủy, hay 2/3 DN bảo hiểm lỗ nghiệp vụ… đã được đưa ra. Nhận diện thẳng thắn sẽ là điều kiện cần để hướng tới sự phát triển vững mạnh hơn của thị trường, vị này cũng đề xuất, cần nhìn nhận đúng, sâu hơn nữa về những tồn tại này để có phương án dự phòng hợp lý, tránh được những cú sốc từ bên ngoài; và các nhà tái bảo hiểm quốc tế sẽ cùng với 2 nhà tái bảo hiểm trong nước là Vinare và PVI Re sẵn sàng hỗ trợ thị trường bất cứ khi nào.
Liên quan đến bồi thường bảo hiểm, ông Hoan cũng thẳng thắn tiết lộ, có tới 100% DN bảo hiểm vi phạm về bồi thường bảo hiểm. Theo ông Hoan, bản thân tất cả các lãnh đạo DN bảo hiểm, cụ thể là các vị tổng giám đốc DN đều biết rõ vấn đề này, nhưng không phải ai cũng quyết tâm làm triệt để để thực hiện tốt các quy định có liên quan.
“Tôi nghi ngờ về số tiền bồi thường, phí bảo hiểm, nợ phí bảo hiểm được các DN công bố, tôi nghĩ, con số thực tế còn cao hơn thế”, ông Hoan nói.
Hiệu quả kinh doanh giảm
Năm 2012 là năm thứ 2 liên tiếp, thị trường bảo hiểm có mức tăng trưởng thụt lùi (tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường năm 2012 chỉ tăng 12% so với năm 2011; trong đó, bảo hiểm nhân thọ tăng 13,7%, còn bảo hiểm phi nhân thọ tăng 10,69%, theo số liệu của Bộ Tài chính).
Đặc biệt, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, năm 2012, hiệu quả kinh doanh kém hơn so với năm 2011 khi doanh thu phí bảo hiểm tăng nhưng lợi nhuận trước thuế lại giảm. Cụ thể, ở mảng bảo hiểm phi nhân thọ, doanh thu phí tăng 17%, nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 12%; tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu đạt 9,1%, giảm 1,9% so với năm 2011. Có 7 DN bảo hiểm phi nhân thọ lỗ trước thuế do lỗ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, trong khi lãi hoạt động đầu tư không đủ bù đắp. Trong số này cóLiberty, AIG, Groupama; Cathay, ACE. Riêng, VASS lỗ cả hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc và hoạt động đầu tư tài chính.
Chỉ tính riêng trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, có tới 17/29 DN bảo hiểm phi nhân thọ lỗ về nghiệp vụ bảo hiểm khiến lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm của cả thị trường này âm 161,9 tỷ đồng. Còn ở lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, năm 2012, trong khi doanh thu phí bảo hiểm tăng 13,71% so với năm 2011 thì lợi nhuận trước thuế giảm tới 66%.
Cùng với đó, doanh thu hoạt động đầu tư tính chung cho cả 2 khối cũng giảm 10,7%, đạt 9.321 tỷ đồng, trong đó, khối phi nhân thọ giảm gần 11% so với năm 2011.
Chia sẻ với ĐTCK, ông Hoan cho biết, việc đối thoại thẳng thắn, cởi mở, nhìn thẳng vào khiếm khuyết của thị trường mang lại kỳ vọng về một sự phát triển cao hơn trong năm 2013, mà ở đó, thị trường bảo hiểm chắc chắn tăng trưởng 11 – 13% so với năm 2012.
Hiệu quả giảm, DN phải tìm xem nguyên nhân chủ quan là gì?
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà “Đến nay, thị trường bảo hiểm đã có bước tiến dài so với các năm trước. Tuy nhiên, phát triển cao hơn nữa, tốt hơn nữa vẫn nằm trong tầm tay của chúng ta. Quan trọng là cách thức, bước đi và giải pháp thực hiện. Về sự sụt giảm trong hiệu quả kinh doanh, Bộ Tài chính cũng mong các DN cho biết rõ hơn xem ngoài nguyên nhân khách quan thì yếu tố chủ quan là gì để có những điều chỉnh kịp thời cho năm 2013. Chúng tôi cũng kỳ vọng, năm 2013 sẽ có sự chuyển biến trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ của tất cả các DN bảo hiểm”. |
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo ĐTCK)