Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện tỉ lệ bao phủ BHYT của Việt Nam mới đạt trên 60% và còn nhiều thách thức để tiến tới bao phủ BHYT toàn dân. Khi có bệnh, sẽ là thảm họa với gia đình vì chi phí chữa bệnh không được BHYT chi trả.
Không có BHYT, khó “gánh” chi phí y tế
Tại Hội nghị Bộ trưởng y tế ASEAN khai mạc ngày 17/9 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, rất nhiều kinh nghiệm bao phủ BHYT toàn dân ở các nước ASEAN đã được chia sẻ và Việt Nam sẽ nghiên cứu, học hỏi các kinh nghiệm này để tăng tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân.
Ví như với bệnh liên cầu lợn, một người đang khỏe mạnh không may mắc bệnh lý này,chi phí điều trị hàng trăm triệu đồng. Nếu không có BHYT, gánh nặng kinh tế sẽ đè nặng lên gia đình bệnh nhân. Ảnh minh họa: H.Hải
Theo nữ Bộ trưởng, BHYT toàn dân là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng và là nguồn tài chính vững bền để giúp cho chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đề án tăng tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân phấn đấu năm 2015 phải đạt 70% và đến 2020 đạt trên 80%; Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và tăng sự hài lòng của người bệnh.
Tuy nhiên tại Việt Nam , nhóm đối tượng không chính thức là một thách thức lớn trong bao phủ BHYT toàn dân. Đây cũng là thách thức chung tại nhiều nước ASEAN. Vì thế, trong khuôn khổ hội nghị này đã có trọn một phiên thảo luận tập trung vào nhóm không chính thức để tăng tỷ lệ bao phủ BHYT.
Theo bà Tiến, tại Việt Nam , nhóm không chính chính là nhóm người lao động tự do, không phải là nghèo, cận nghèo, nông dân, diêm dân… Hiện nay đây là đối tượng khó khăn nhất để ta có thể bao phủ BHY. Bởi những người nghèo đã được nhà nước mua thẻ BHYT, viên chức thì đã có bảo hiểm xã hội. Với đối tượng này làm sao có thể bao phủ được là một thách thức lớn không chỉ của Việt Nam mà trên thế giới.
“Trong khi đó, người dân chưa hiểu hết ý nghĩa của việc tham gia BHYT. Khi tham gia BH, đóng mức rất thấp nhưng lợi rất lớn. Có những người không tham gia, khi bị bệnh trở thành thảm họa với gia đình bởi chi phí y tế quá lớn mà không có BHYT chi trả. Nhất là những gia đình lao động nhỏ, thủ công, ở mức trung bình (không phải cận nghèo, không nghèo)”, bà Tiến phân tích.
Tại phiên thảo luận sáng 17/9, nhiều kinh nghiệm từ các nước đã được chia sẻ. Theo bà Tiến, để tăng tỷ lệ bao phủ BHYT ở nhóm đối tượng không chính thức này cần phải có sự cam kết chính trị rất lớn từ nhà nước, từ nhiều bộ nghành, cả hệ thống chính trị. Đặc biệt từ kinh nghiệm các nước là tăng thuế thu nhập đặc biệt từ nguồn thuốc lá, rượu, bia… để tăng nguồn thu dùng để chi trả BHYT cho các đối tượng nhà nước cần chi trả, kể cả đối tượng phi chính thức như những người lao động tự do trên.
Thứ hai phải có chương trình truyền thông để người dân nhận thức được tham gia BHYT là rất có lợi cho mình mỗi khi ốm đau, bệnh nặng. Đồng thời phải tạo hệ thống y tế làm sao có chất lượng dịch vụ tốt để người dân dễ tiếp cận, thu hút người tham gia BH tự nguyện này. Tránh lựa chọn ngược, chỉ người ốm mới tham gia bảo hiểm mà kể cả những người khỏe cũng nên tham gia bảo hiểm để phòng chính những rủi ro về sức khỏe cho mình.
Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) cho biết, hiện mức chi tiêu trực tiếp tiền túi của hộ gia đình ở mức khoảng 49% tổng chi y tế, trong khi đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, chi phí này không nên vượt quá 30%. Vì thế, trong đề án BHYT toàn dân, khi thúc đẩy được toàn dân tham gia BHYT, mức chi tiêu trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình sẽ dần được giảm xuống. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2015 sẽ giảm xuống dưới 40% và dưới 30% vào năm 2020.
Cũng trong sáng 17/9, tại, phiên thảo luận về các bệnh truyền nhiễm mới nổi, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, tần suất xuất hiện của dịch bệnh mới nổi có vẻ gần hơn và nhiều hơn trong vài thập kỷ gần đây. Trong 10 năm qua đã xuất hiện dịch SARS, cúm A/H5N1, MERS-Cov, cúm A/H7N9, Ebola…
Nhiều bệnh truyền nhiễm quay lại đe dọa Việt Nam
“Trong các bệnh mới nổi nguy hiểm chúng ta đặc biệt lưu ý đến MERS-Cov, Ebola, nhất là vi rút cúm A/H7N9 trong mùa đông xuân tới. Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh lưu ý một số dịch bệnh vào mùa đông xuân. Đất nước Trung Quốc cạnh ta có sự lưu hành vi rút H7N9 rất cao”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết.
Theo ông, Việt Nam nằm trong khu vực luôn luôn nhạy cảm với tất cả những bệnh truyền nhiễm, kể cả những bệnh trong khu vực hay những bệnh lan tỏa từ khu vực khác. Các nước ASEAN có nền kinh tế rất năng động, phát triển; việc du lịch, đi lại, thông thương làm cho khu vực này có tính dễ bị tổn thương với các bệnh truyền nhiễm. Ngoài ra, nhiều nước ASEAN như Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới- điều kiện tự nhiên thích hợp cho các bệnh truyền nhiễm luôn luôn đe dọa.
Việc đối phó với các bệnh truyền nhiễm mới nổi này thực sự là thách thức rất lớn. Nhiều bệnh chưa rõ căn nguyên, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước cũng đang bối rối như bệnh Ebola rõ căn nguyên, nhưng khả năng về chẩn đoán không phải tất cả các nước đều chẩn đoán được. Hiện nay Tổ chức Y tế Thế giới chỉ cho 9 labo trên toàn cầu có thể khẳng định được ca nhiễm Ebola.
Hay như virus MERS-Cov có thể lây qua giao lưu đi lại giữa các nước. Việc ngăn chặn sự lây nhiễm qua con đường này là hết sức khăn. Trường hợp ở Malaysia nhiễm vi rút này là đi hành hương về và bị lây nhiễm.
“Chúng tôi có cảm nhận là tần suất xuất hiện của dịch bệnh nguy hiểm mới nổi có vẻ gần hơn và có nhiều hơn trong vài thập kỷ gần đây. Tất nhiên đây chỉ là quan sát trên thực tiễn, có thể trước đây có những bệnh chúng ta không rõ căn nguyên, nay nhờ khoa học ta phát hiện ra căn nguyên của những bệnh truyền nhiễm đó”, thứ trưởng Long nói.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo ndh.vn)