Theo giới chuyên gia, có nhiều lý do dẫn đến xe ô tô bị cháy, trong đó nổi lên là do độ chế. Chuyên gia đến từ Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) cho biết, căn cứ vào kết luận nguyên nhân xảy ra cháy, thông thường là do nguồn nhiệt từ bên ngoài (gồm cháy nhà xưởng, bãi đỗ xe, gara…) ảnh hưởng đến xe, hoặc do tự cháy (thiết bị trong xe tự bốc cháy do bị quá tải, thiết bị điện bị chập cháy, hiện tượng hồ quang điện, nhiên liệu không đạt chuẩn, lỗi kỹ thuật của xe trong thiết kế, bảo dưỡng, vận hành, sửa chữa…), trong đó cháy xe do chập điện là phổ biến nhất, mà nguyên nhân gây chập cháy thường do chủ xe tự ý độ chế, thay thế các thiết bị điện, điện tử không đúng kỹ thuật, không đúng tiêu chuẩn của nhà sản xuất (thay đổi tính năng xe, tăng phụ tải… làm quá tải khả năng chịu đựng của thiết bị, dây dẫn…).
Trước đó, từng xảy ra nhiều trường hợp xe ô tô “bỗng dưng” bốc cháy khi đang dừng đỗ hay vừa mới khởi động hoặc đang di chuyển trên đường…, gây thiệt hại cả về người lẫn tài sản và những trường hợp bị cháy có xe cũ, xe mới, có cả xe bình dân lẫn xe sang.
Mới nhất, trong 2 vụ cháy xe ô tô vào trưa ngày 17/5/2023 tại quận Đống Đa và Ba Đình, 1 vụ được xác định nguyên nhân do chập điện. Theo đó, các nhà bảo hiểm khuyến cáo các chủ xe/lái xe không tự ý thay thế, lắp thêm các thiết bị điện, điện tử không theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Trường hợp muốn thay đổi thiết kế, lắp thêm thiết bị thì cần phải theo khuyến cáo của nhà sản xuất và phải đăng ký cải tạo lại xe theo quy định và được cơ quan đăng kiểm kiểm tra chấp thuận cho phép xe lưu hành.
Thông thường, nếu chiếc xe ô tô bị cháy đã được mua bảo hiểm thân vỏ thì công ty bảo hiểm sẽ chi trả bồi thường nếu thuộc phạm vi được bảo hiểm. Tuy nhiên, tại thời điểm cháy xe, nếu xe ô tô đang hoạt động nhưng không có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đăng kiểm) hợp lệ, hoặc đăng kiểm không còn hiệu lực hay không phù hợp theo quy định pháp luật hiện hành… thì sẽ bị từ chối bảo hiểm, bao gồm cả việc độ chế xe.
Ông Phạm Văn Dũng, nhà sáng lập Bảo hiểm trực tuyến – IBAOHIEM cho biết, từ thực tế giải quyết tranh chấp giữa chủ xe và công ty bảo hiểm thời gian qua cho thấy, khi xảy ra sự cố cháy xe đối với xe độ chế, chỉ một số công ty bảo hiểm chi trả bảo cho phần nguyên bản (không chi trả đối với phần “độ chế”), còn lại hầu hết đều từ chối chi trả bảo hiểm, cho dù thuộc phần độ chế hay phần nguyên bản (chưa thay thế, giữ nguyên).
Chẳng hạn, các công ty bảo hiểm BSH, Bảo hiểm PVI… đã ghi rõ tại quy tắc bảo hiểm trong bộ hợp đồng đã ký giữa khách hàng và nhà bảo hiểm rằng, bên bán bảo hiểm sẽ không chi trả đối với các tổn thất được độ chế thêm (các thiết bị, phụ kiện lắp thêm trên xe ngoài thiết bị của nhà sản xuất đã lắp ráp).
Mới đây, Bộ Công an đưa ra khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp phòng tránh cháy nổ xe, trong đó người sử dụng phương tiện không lắp đặt thêm các thiết bị, phụ kiện có tiêu thụ điện khác như thiết bị bảo vệ, còi, đèn…, nếu lắp thêm thì phải bảo đảm an toàn, không bị quá tải về điện.
Trên thực tế, khi tranh chấp cháy nổ xe đã đưa ra cấp tòa thì hầu như phần thắng thuộc về khách hàng, nhưng các chuyên gia bảo hiểm cũng khuyến cáo rằng, các chủ xe nên nói không với độ chế xe để tránh các phiền toái không đáng có đến việc bị từ chối chi trả bảo hiểm sau này.
Theo BSH, nếu thay thế, lắp thêm thiết bị vào xe thì khi mua bảo hiểm thân vỏ xe cần thông báo đầy đủ trong giấy yêu cầu mua bảo hiểm gửi đến các công ty bảo hiểm và đồng ý mua thêm điều khoản bổ sung cho các thiết bị lắp thêm này, đồng thời phải được chấp thuận bảo hiểm các rủi ro tăng thêm của công ty bảo hiểm.
Bộ Công An cũng khuyến cáo các bên cung cấp dịch vụ sửa chữa không vì lợi nhuận mà thay thế các linh kiện, chi tiết kém chất lượng, không tùy tiện lắp thêm các chi tiết không có trong thiết kế, nhất là đối với hệ thống điện và hệ thống nhiên liệu.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn