Đối với những người phải cách ly y tế tại nhà phòng chống dịch bệnh Covid-19, công tác đảm bảo vệ sinh khử khuẩn là vô cùng quan trọng và cần thiết. Điều này không những giúp ngăn chặn sự lây lan của bệnh ra cộng đồng, mà còn giữ an toàn cho những người thân trong gia đình và những người xung quanh.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, việc cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú được áp dụng đối với những người tiếp xúc với người “có tiếp xúc trực tiếp” với bệnh nhân được xác định nhiễm virus SARS-CoV-2 (đối tượng F2), những người tiếp xúc gián tiếp (đối tượng F3, F4). Thời gian cách ly được quy định là 14 ngày, kể từ khi tiếp xúc với nguồn nghi ngờ truyền nhiễm.
Cũng theo Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú có thể được thực hiện tại bất kỳ nơi ở, nơi lưu trú nào như: Nhà riêng, căn hộ chung cư, nhà ở tập thể, phòng ký túc xá của trường học, khu công nghiệp, xí nghiệp, phòng nghỉ khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ và các phòng lưu trú của các cơ quan, đơn vị.
Để thực hiện cách ly y tế tại nhà, trước tiên cần phải lựa chọn địa điểm phù hợp tại nơi ở, nơi lưu trú để làm phòng cách ly. Tốt nhất là bố trí cho người được cách ly ở một phòng riêng, nên chọn phòng ở cuối dãy, cuối hướng gió, xa khu vực đông người qua lại.
Trong trường hợp cách ly tại nhà cũng cần bố trí phòng riêng cho người được cách ly, nếu không có phòng riêng thì giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình ít nhất 2m và xa khu sinh hoạt chung. Phòng cho người cách ly cần đảm bảo thông thoáng khí, hạn chế sử dụng điều hòa nhiệt độ và các đồ đạc, vật dụng trong phòng, có nhà vệ sinh với đủ xà phòng rửa tay và nước sạch. Trong phòng đặt thùng đựng rác có nắp đậy và được đem đi đổ hàng ngày.
Bên cạnh đó, phòng ở của người được cách ly và khu vực sinh hoạt chung tại nơi ở, nơi lưu trú cần phải được làm vệ sinh khử trùng hàng ngày. Có thể dùng các các chất tẩy rửa thông thường, các dung dịch khử khuẩn chứa 0,05% Clo hoạt tính, đảm bảo thời gian tiếp xúc trên bề mặt là 10 phút; hoặc 0,1% Clo hoạt tính, đảm bảo thời gian tiếp xúc trên bề mặt là 1 phút, hoặc có chứa ít nhất 60% cồn. Tiếp tục dùng giẻ hoặc khăn lau bằng nước sạch trước, sau đó lau bằng chất tẩy rửa hoặc dung dịch khử khuẩn theo nguyên tắc lau từ chỗ sạch đến chỗ bẩn, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới.
Các bề mặt cần lau bao gồm: Nền nhà, tường, bàn ghế, các đồ vật tại khu vực công cộng (sảnh chờ, khu vui chơi, khu thể dục thể thao…), khu vệ sinh chung, cầu thang bộ, thang máy (nếu có), các khu vực này cần tiến hành lau khử trùng ít nhất 1 lần/ngày; tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, lan can; nút bấm, cabin thang máy, cần được lau khử trùng ít nhất 2 lần/ngày. Lưu ý, người làm vệ sinh cần sử dụng găng tay, đeo khẩu trang khi thực hiện vệ sinh, khử khuẩn nhà cửa. Tổ chức thu gom rác thải và xử lý hàng ngày.
Đặc biệt, bên cạnh vệ sinh khử khuẩn và vệ sinh môi trường, người được cách ly cần phải hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với những người trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác. Tuyệt đối không ra khỏi nơi ở, nơi lưu trú trong suốt thời gian cách ly.
Đồng thời, người được cách ly cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân, như: Thường xuyên đeo khẩu trang; thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng có nắp đậy và mang đi xử lý hàng ngày; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn chứa ít nhất 60% cồn; không dùng chung các đồ dùng, vật dụng cá nhân như bát, đũa, thìa, cốc, bàn chải đánh răng, khăn mặt… với người khác; không ăn chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi ở, nơi lưu trú.
Theo baohiemxahoi.gov.vn