Cùng với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng là địa phương thứ ba trong cả nước được giao thực hiện thí điểm BHXH cho người lao động ngoài quốc doanh. Có lẽ đây thực sự là mối duyên của thành phố Cảng với Ngành BHXH khi mà 02 chính sách xã hội lớn – BHXH và BHYT – đều được gieo ươm những hạt giống đầu tiên tại đây…
Ngay sau khi Công ty BHXH đối với người lao động thuộc thành phần kinh tế ngoài quốc doanh được thành lập theo Quyết định số 455/QĐ-TCCQ ngày 05/05/1990 của UBND Thành phố Hải Phòng (đồng chí Phạm Công Hiến, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty BHXH Ngoài quốc doanh thành phố – tháng 08/1995, khi thành lập BHXH TP.Hải Phòng, được bổ nhiệm Phó Giám đốc BHXH TP.Hải Phòng và từ tháng 01/2003, được bổ nhiệm Giám đốc BHXH TP. Hải Phòng, nghỉ hưu năm 2009), Công ty đã cùng với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố tham mưu với UBND Thành phố ban hành Quyết định số 615/QĐ-UB ngày 22/06/1990 về Điều lệ tạm thời về chế độ bảo hiểm tuổi già đối với người lao động thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh trên địa bàn thành phố, làm căn cứ để BHXH ngoài quốc doanh được triển khai.
Khác với Hà Nội và TP.HCM, Hải Phòng phát triển thu BHXH ở cả 03 khu vực doanh nghiệp tư nhân, các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp, sau này mở rộng thêm các doanh nghiệp liên doanh. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ triển khai thí điểm BHYT từ năm 1989, cách triển khai thí điểm BHXH của Hải Phòng chủ động, không dàn trải mà tập trung triển khai theo địa bàn quản lý hành chính, từng bước rút kinh nghiệm từ đó mới tiếp tục triển khai tiếp sang các quận, huyện khác. Quỹ BHXH thu được bảo đảm an toàn và có đầu tư tăng trưởng thông qua ngân hàng nhà nước. Trong thời kỳ mức sống khó khăn, gạo cũng là vật ngang giá được Hải Phòng chọn làm cơ sở tính đóng BHXH, với mức đóng tối thiểu là 4kg gạo. Những đơn vị và người lao động có khả năng có thể chọn mức đóng cao hơn. Hình thức đóng có thể do đơn vị trích nộp hoặc do người lao động tự đóng góp.
Về quyền lợi, người lao động tham gia BHXH sẽ được hưởng quyền lợi theo số năm đóng góp và mức đóng góp. Hải Phòng cũng chỉ mới dừng lại ở việc thực hiện 02 chế độ: trợ cấp một lần và trợ cấp hằng tháng (lương hưu khi về già).
Đối với chế độ BHXH một lần, được áp dụng cho người lao động có thời gian tham gia BHXH dưới 15 năm, sẽ được trả bằng tiền mặt tính theo giá gạo tại thời điểm thanh toán. Cụ thể, người lao động đóng góp ở mức 4kg gạo/tháng, sau 01 năm tham gia BHXH được hưởng trợ cấp một lần bằng 48kg gạo; sau 05 năm được hưởng 270kg; sau 10 năm được hưởng 940kg và sau 14 năm đóng góp sẽ được hưởng 2.120kg. Người lao động đóng góp ở mức 5kg/tháng, sau 01 năm tham gia được hưởng 60kg; sau 05 năm: 340kg; sau 10 năm: 1.170kg; sau 14 năm: 2.650kg. Người lao động đóng góp ở mức 6kg/tháng, sau 01 năm tham gia được hưởng 72kg; sau 05 năm: 410 kg; sau 10 năm: 1.410kg; sau 14 năm: 3.180kg.
Đối với chế độ BHXH hằng tháng (chế độ hưu trí) quy định người lao động phải có thời gian tham gia từ đủ 15 năm trở lên và đến tuổi nghỉ hưu. Với mức đóng góp 04kg/tháng, khi đủ 15 năm, người lao động sẽ được hưởng mức lương hưu tương đương 15kg gạo/tháng tại thời điểm nhận chế độ hưu trí; sau 20 năm, mức lương hưu tương đương với 34kg gạo/tháng, ngoài ra còn được nhận khoản trợ cấp 01 lần do có thời gian trên 15 năm tham gia BHXH bằng 320kg gạo; sau 25 năm, mức lương hưu bằng 86kg gạo/tháng, cộng với trợ cấp 01 lần bằng 810kg gạo. Với mức đóng góp 5kg/tháng, sau 15 năm, mức lương hưu của người lao động sẽ được tính bằng 18kg gạo/tháng; sau 20 năm, lương hưu bằng 43kg gạo/tháng và trợ cấp 01 lần bằng 410kg gạo; sau 25 năm là 107kg/tháng, trợ cấp một lần: 1.010kg gạo. Với mức đóng góp 6kg/tháng, mức lương hưu sau 15 năm là 21kg/tháng; sau 20 năm là 51kg/tháng cộng với trợ cấp một lần bằng 490kg gạo; sau 25 năm, lương hưu sẽ là 129kg/tháng và trợ cấp một lần bằng 1.220kg gạo.
Cách tính toán cụ thể, hết sức công phu, tỉ mỉ và có sức thuyết phục, không chỉ với các cấp lãnh đạo của thành phố, các quận, huyện mà còn phải thuyết phục và thu được lòng tin của doanh nghiệp và người lao động.
Cũng như các địa phương khác, BHXH ngoài quốc doanh Hải Phòng triển khai nhiệm vụ hết sức khó khăn bởi lực lượng cán bộ quá mỏng. Công việc mới, khối lượng nhiều đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm cao. Bên cạnh đó, đơn vị đã nhận được sự hỗ trợ hết sức tích cực từ Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội các quận, huyện, thị xã trong quá trình vận động, phát triển đối tượng tham gia BHXH.
Bằng nhiều biện pháp tổ chức triển khai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đến cuối năm 1990, đã có 10/11 quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai BHXH ngoài quốc doanh. Một số địa bàn thực hiện rất tốt như Ngô Quyền, Kiến An, Đồ Sơn, Hồng Bàng, Vĩnh Bảo… Tính đến hết tháng 12/1994, BHXH ngoài quốc doanh TP.Hải Phòng đã khai thác được 3.850 lao động thuộc 45 đơn vị tham gia BHXH. Có thời kỳ cao điểm, số lao động tham gia BHXH lên tới trên 36.000 người, ngoài các đối tượng khác, còn thu hút đông đảo lực lượng lao động thuộc ngành thủ công nghiệp tham gia. Đơn vị liên doanh đầu tiên trên địa bàn TP.Hải Phòng tham gia BHXH là Công ty Xi măng Chinfon với 100% lao động tham gia. Đến tháng 09/2005, sau 15 năm thực hiện thí điểm bảo hiểm tuổi già trong khu vực ngoài quốc doanh tại TP.Hải Phòng và sau 10 năm Ngành BHXH Việt Nam được thành lập, tại Hải Phòng, những người lao động đầu tiên tham gia BHXH ngoài quốc doanh thuộc Hợp tác xã Cói Nam Am đã được hưởng chế độ hưu trí./.
Theo baohiemxahoi.gov.vn