Bancassurance lại tiếp tục “nóng”

Trong cùng một ngày có con số đẹp nhất trong năm (9/9/2019), hai hãng bảo hiểm nhân thọ đang có thị phần lớn trên thị trường là Prudential và Manulife cùng chính thức công bố đối tác ngân hàng mới của mình.

Xác nhận với Ðầu tư Chứng khoán, CEO một công ty bảo hiểm nhân thọ khác cũng nói rằng, đã chốt được “deal” với một đối tác ngân hàng và thương vụ sẽ sớm công bố. Mô hình phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng (bancassurance) đã nóng lên trong những năm qua và sẽ còn tiếp tục nóng không chỉ ở con số tăng trưởng doanh thu phí mới.

Theo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính, ngành bảo hiểm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2019 với tổng doanh thu bảo hiểm ước đạt 71.147 tỷ đồng (tăng 24,35%).

Các chuyên gia dự báo tốc độ tăng trưởng của ngành năm nay là 20%, trong đó kênh bancassurance sẽ tăng trưởng khoảng 30 – 40% .

Hai thương vụ hợp tác bancassurance vừa được loan báo đều là những thương vụ hợp tác khá lớn trên thị trường. Cụ thể, thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Shinhan lần này mở rộng mạng lưới đối tác bancassurance của Prudential Việt Nam, nâng tổng số ngân hàng đối tác lên 7 ngân hàng trong và ngoài nước.

Theo ông Clive Baker, Tổng giám đốc Prudential Việt Nam, thỏa thuận hợp tác độc quyền này sẽ cho phép Ngân hàng Shinhan và Prudential Việt Nam đáp ứng hầu hết các nhu cầu về dịch vụ tài chính của khách hàng từ tiết kiệm tới bảo vệ.

Trong khi đó, từ ngày 9/9/2019 Manulife Việt Nam sẽ phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ qua kênh Ngân hàng ưu tiên của ACB, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của phân khúc khách hàng cao cấp.

Trong giai đoạn đầu hợp tác giữa Manulife Việt Nam và ACB, khách hàng ACB có thể tham gia hai sản phẩm bảo hiểm chủ đạo, gồm Tương Lai Thịnh Vượng – sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư và Bảo An Như Ý – sản phẩm bảo hiểm bệnh lý nghiêm trọng, cùng nhiều sản phẩm bổ trợ mở rộng khác.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, Generali – hãng bảo hiểm đến từ nước Ý – cũng đã chốt “deal” hợp tác độc quyền 15 năm với một ngân hàng. Thương vụ hợp tác này sẽ sớm được loan báo chính thức. Bancassurance hiện đang đóng góp tới 30% tổng doanh thu phí bảo hiểm mới của hãng bảo hiểm này.

Thống kê của các doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, đóng góp của bancassurance trong tổng GDP của Việt Nam chỉ chiếm 0,6% vào năm 2008 nhưng sau 10 năm, đến năm 2018, tỷ lệ đóng góp này lên tới 1,6%.

Số phí bảo hiểm năm 2009 từ bancassurance chỉ khoảng 8 tỷ đồng, chiếm khoảng 6% tổng phí mới của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.

Ðến thời điểm này, doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancassurance của toàn thị trường đã lên tới gần 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là con số tăng trưởng lớn.

Ðơn cử, doanh thu từ kênh bancassurance của Singapore đang là gần 8% GDP, Thái Lan chiếm từ 4 – 6%/tổng GDP. Có thể thấy, tỷ lệ doanh thu của bancassurance tại Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn.

Ðược biết, tính đến hết năm 2018, Manulife là công ty bảo hiểm dẫn đầu thị trường về thị phần từ kênh bancassurance. Tuy nhiên, cục diện này có thể thay đổi bởi các doanh nghiệp khác trên thị trường cũng đang tập trung đầu tư rất mạnh cho bancassurance.

Ðặc biệt, nếu thương vụ mua lại kênh ngân hàng của Vietcombank được một hãng bảo hiểm có thị phần lớn nhất nhì thị trường chính thức chốt như đồn đoán thì thị trường chắc chắn sẽ còn có những thay đổi mạnh mẽ hơn.

Nguồn thu từ việc bán các sản phẩm bảo hiểm hiện đang chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng doanh thu của các ngân hàng, nên việc trải nghiệm khách hàng qua các dịch vụ, trong đó có bảo hiểm ngày càng được các ngân hàng chú trọng.

ACB công bố tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm ở ngân hàng này đang ở mức hơn 90%, mức duy trì cao hàng đầu thị trường Việt Nam, bởi kênh bancassurance của ACB không chỉ được thị trường đánh giá cao ở tốc độ tăng trưởng ấn tượng mà còn cả về chất lượng không ngừng được nâng cao.

Ðược biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu từ kênh bancassurance của ACB đã tăng trưởng tới 250%, lọt vào Top 5 bancassurance toàn thị trường Việt Nam.

Năm 2019, doanh số dự kiến của mảng bancassurance tại ACB vào khoảng 600 tỷ đồng. Nhà băng này cũng đặt kế hoạch thu nhập mảng này trong năm 2019 tăng gấp 3 lần năm trước.

“Cùng với các thương vụ ký kết độc quyền, mô hình bancassurance vẫn có những cuộc “bắt tay” giữa một ngân hàng với nhiều công ty bảo hiểm, nhưng đó chỉ là kế hoạch ban đầu của các ngân hàng để chọn lựa đối tác thích hợp nhất trước khi chính thức bán kênh độc quyền”, CEO một công ty bảo hiểm nhìn nhận.

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.