BHYT HSSV: Sự sẻ chia ý nghĩa

Được đi học, được tiếp nhận những kiến thức bổ ích, được thầy cô và bạn bè sẻ chia vui buồn… là ước mong của rất nhiều bạn trẻ lứa tuổi học trò. Ước mong đó còn lớn hơn nhiều đối với các em không may mắn phải mang trong mình trọng bệnh, luôn phải đối diện với những cơn đau về cả thể xác và tinh thần… Và, với các em, BHYT chính là một trong những chỗ dựa vững chắc để có thể vượt qua bệnh tật.

Nâng bước em tới trường

Cậu bé tên H.M.Vũ (quê Đình Lập, Lạng Sơn) năm nay mới tròn 10 tuổi nhưng đã có hơn 6 năm ròng rã “gắn bó” với các BV lớn. Dường như với Vũ, việc phải nằm viện đã trở nên quá quen thuộc, với những cơn đau, những kim truyền, bịch thuốc dày đặc hàng ngày, hàng tháng…

Anh H.M.Tường, bố của Vũ, chia sẻ: Ngay từ nhỏ, cháu Vũ đã hay đau ốm, từ 8 tháng tuổi đã phải đi viện liên tục vì những lần sốt cao không rõ nguyên nhân, đi hết viện này đến viện khác mà không tìm được nguyên do. Chỉ đến khi 4 tuổi, trong lần được chuyển về cấp cứu tại Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương, cháu được các bác sĩ chẩn đoán là mắc bệnh máu khó đông, một dạng bệnh về rối loạn máu không thể chữa khỏi mà chỉ điều trị triệu chứng. Đến nay, đã 6 năm trời cháu kiên trì chiến đấu với bệnh, mỗi lần choáng mệt, chảy máu bất thường, cháu phải đi Hà Nội cấp cứu ngay thì mới giữ được tính mạng.

Nhớ lại những ngày con còn phải ẵm ngửa trên tay nhưng thời gian ở viện nhiều hơn ở nhà, anh Tường nghẹn lời. Sâu thẳm trong trái tim người cha, mong muốn lớn nhất là con sẽ được khỏe mạnh, sau này trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Ngày ấy, biết tin con mắc bệnh hiểm nghèo, vợ chồng anh suy sụp, buồn bã không làm nổi việc gì, đến cơm cũng nuốt không trôi. Anh bảo, nhà đã nghèo khó, nay con trai lại không may bị như vậy, anh chị không biết sẽ lấy tiền đâu để xoay sở lo viện phí rồi thuốc men cho con. Khổ nỗi, căn bệnh quái ác này lại phải điều trị suốt đời với chi phí vô cùng lớn, chỉ riêng tiền 1 viên thuốc thôi cũng đã lên tới cả triệu đồng, chưa nói đến một đợt điều trị kéo dài cả tháng, lại còn những diễn biến bất thường, bất cứ lúc nào cũng có thể phải nhập viện ngay…

Nỗi lo kinh tế đè nặng đôi vai khiến vợ chồng anh Tường tưởng như không có giải pháp nào khác. Thời điểm đó anh chị sút cả chục cân, tất tả ngược xuôi vay mượn tiền để con có tiền chữa bệnh. Thậm chí có lúc, anh chị đã nghĩ tới việc nếu không đủ tiền, con mình sẽ phải bỏ dở điều trị, không còn cơ hội sống nữa. Chỉ đến khi được các bác sĩ động viên và cho biết trường hợp của cháu Vũ được BHYT hỗ trợ 100% chi phí, anh chị mới “thở phào”.

“Trước đây, gia đình tôi tham gia BHYT đầy đủ, 2 vợ chồng đều có BHYT, còn các cháu được cấp phát thẻ từ nhỏ, khi lớn thì tham gia BHYT HS ở trường. Các cháu đi viện cũng được BHYT hỗ trợ chi trả nhưng tôi không ngờ, bệnh nặng chi phí cao như cháu Vũ hiện tại vẫn được chi trả lớn như vậy. Nhiều đợt, cháu được BHYT chi trả hàng trăm triệu đồng, đợt mới đây nhất thì được chi trả 2,9 tỷ đồng. Đó là số tiền quá lớn so với tưởng tượng của gia đình. Nếu không có BHYT, chúng tôi không biết xoay trở ra sao, vì dù có bán nhà, vay mượn khắp nơi cũng không thể có”, anh Tường chia sẻ.

Cũng theo anh Tường, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào nghề phụ hồ của anh, còn vợ anh thì ở nhà làm nông. Đến khi cháu Vũ bệnh quá nặng, kinh tế gia đình càng trở nên khó khăn, nhà anh được xét thuộc diện hộ nghèo ở địa phương nên được cấp phát thẻ BHYT miễn phí. Trực tiếp Giám đốc BHXH huyện Đình Lập, bà Nông Thị Mơ cùng các cán bộ BHXH đã đến động viên và trao thẻ BHYT cùng quà hỗ trợ tới gia đình. Với gia đình anh, đó là sự sẻ chia vô cùng nhân văn và ý nghĩa. Trước kia nhà anh tham gia BHYT tự nguyện, được BHYT hỗ trợ chi trả nhiều chi phí, nay được cấp thẻ miễn phí mà vẫn được hỗ trợ lớn như vậy, anh chị vô cùng trân quý tấm thẻ BHYT.

Có BHYT đồng hành, không chỉ vợ chồng anh Tường có động lực cùng con chữa bệnh mà cả cháu Vũ cũng có thêm niềm tin để chiến thắng bệnh tật. Anh chia sẻ: Cháu rất thích đi học, luôn quyết tâm để được đi học. Những lần điều trị ở viện, đau đớn, mệt nhọc là thế nhưng cháu chẳng bao giờ than khóc, lúc nào cũng hỏi con sắp được về chưa, rồi bảo con về để đi học. Vũ còn dặn bố phải chuẩn bị sẵn sách vở cho con, bố không được cất sách của con đâu nhé, con chỉ nghỉ khi con đau quá không chịu được, chứ khỏe con vẫn đi học…

Nghe những lời con dặn, mặc dù buồn vì sức khỏe con không tốt nhưng anh vẫn thấy rất tự hào vì con còn nhỏ nhưng lại rất mạnh mẽ, ham học. Nhà cách trường 3km, hằng ngày, bố mẹ vẫn thay phiên nhau đưa đón Vũ đi học, còn Vũ thì chống nạng vào lớp. Với Vũ, những cơn đau thể xác không thể làm nhụt đi ý chí, ước mơ được đến trường và trở thành một thầy giáo hay một bác sĩ trong tương lai…

Viết tiếp ước mơ

Trường hợp về cô SV năm thứ 3 ĐH Y Thái Nguyên cũng là một câu chuyện ý nghĩa về sự sẻ chia của tấm thẻ BHYT đã giúp em vượt lên số phận, chiến thắng bệnh tật.

D.T.H.Trang, sinh năm 1995, quê Đồng Hỷ (Thái Nguyên) là cô gái có hoàn cảnh đặc biệt. Sau khi bố mẹ qua đời bởi tai nạn giao thông thảm khốc, em cùng em gái được gửi ở nhà một người họ hàng. Vượt qua nỗi đau mất người thân, em ngày ngày nỗ lực học giỏi và đỗ vào Trường ĐH Y Thái Nguyên với số điểm cao, nuôi ước mong được trở thành một bác sĩ trong tương lai có thể cứu chữa cho nhiều người, nhất là những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Không may, năm 2017, khi vừa tròn 22 tuổi, Trang phát hiện mình mắc căn bệnh ung thư tuyến nội mạc tử cung, một căn bệnh hiếm gặp với một cô gái chưa có gia đình và con cái. Lúc biết kết quả chẩn đoán, Trang rất buồn và sốc. Không chỉ em mà những người thân cũng rất lo lắng về sức khỏe của em, về khoản kinh phí điều trị sẽ vô cùng lớn trong thời gian tới.

Trước đó, vì hoàn cảnh khó khăn, Trang thường phải tranh thủ làm thêm ngoài giờ học, phụ giúp gia đình bác nuôi việc nhà như lấy củi, hái chè, làm ruộng… để trang trải cuộc sống. Sau khi người bác trai mất vì bệnh nặng, gia đình bác càng khó khăn hơn, một mình bác gái tần tảo nuôi 2 chị em Trang ăn học, vì thế khi Trang mắc bệnh hiểm nghèo, nỗi lo về kinh tế thực sự trở thành một gánh nặng với tất cả mọi người.

Sau ít ngày xốc lại tinh thần, Trang bảo em có niềm tin rằng mình sẽ khỏi bệnh, miễn là em cố gắng, không bỏ dở điều trị. Ngay sau đó, em bảo lưu kết quả học tập, bước vào cuộc chiến với bệnh ung thư với những đợt xạ trị và truyền hóa chất. Nhờ có BHYT, quá trình điều trị của em được BHYT hỗ trợ chi trả toàn bộ nên gia đình không phải lo lắng quá nhiều. Em nhẩm tính, quá trình điều trị của em lên tới gần trăm triệu đồng, nếu không có BHYT giúp đỡ, gia đình em không biết sẽ phải vay mượn ở đâu và khi nào mới có thể trả hết được.

Đến nay, sau quá trình dài điều trị tích cực, Trang đã có thể trở về cuộc sống bình thường với các chỉ số xét nghiệm ung thư trở về mốc “an toàn”, hằng tháng em chỉ cần đi khám định kì để theo dõi bệnh có tái phát hay không. “Giờ em khỏi bệnh rồi, em có thể trở về đi học tiếp. Em còn 2 năm nữa sẽ tốt nghiệp, ước mơ trở thành một bác sĩ giỏi vẫn luôn được em ấp ủ. Em sẽ cố gắng hết sức. Em muốn nhắn gửi tới mọi người rằng, cho dù có gặp khó khăn gì, hãy nỗ lực vượt qua. Đặc biệt đối với các bệnh nhân ung thư, luôn giữ tinh thần lạc quan, tin tưởng vào bác sĩ cũng như những tiến bộ của y học. Với bệnh tật, tinh thần quyết định 50% chiến thắng, còn lại là sự chia sẻ của người thân, sự hỗ trợ của thuốc men và nếu có BHYT thì đó sẽ là chỗ dựa vững chắc…”.

-Theo Báo BHXH

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.