Ðược biết, công ty ông vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Toà án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đề xuất tháo gỡ vướng mắc trong quá trình khởi kiện công ty bảo hiểm. Những vướng mắc đó cụ thể là gì?
Trong quá trình hỗ trợ các cá nhân, tổ chức khởi kiện công ty bảo hiểm, một số luật sư và công ty tư vấn pháp lý bảo hiểm đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Ðơn cử như việc khó khăn trong tiếp cận dữ liệu về doanh nghiệp bảo hiểm, do Giấy phép thành lập và hoạt động của các công ty bảo hiểm chưa được công khai.
Thông thường, khi tiến hành thủ tục khởi kiện một doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức có thể tra cứu các thông tin về doanh nghiệp bằng cách truy cập vào Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với các công ty bảo hiểm thì không thể làm theo cách này, do khoản 01, Ðiều 62, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “Bộ Tài chính cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Trong khi đó, thông tin giữa Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Ðầu tư hiện chưa có sự liên thông. Vì vậy, trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp không có các thông tin về đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm, cũng như các lần cấp giấy phép điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung. Trên website của Bộ Tài chính cũng không có các thông tin này.
Chưa kể, mô hình của các công ty bảo hiểm đang hoạt động có một số bất cập về phần tên gọi, dẫn đến khó khăn trong thủ tục tố tụng tại toà án.
Ông có thể lấy ví dụ cụ thể để làm rõ những bất cập trên?
Lấy ví dụ, Tổng công ty Bảo hiểm PVI có trụ sở chính ở tầng 24, toà nhà PVI Tower, số 1 Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Còn Công ty Bảo hiểm PVI Thăng Long có địa chỉ tại tầng 5, số 324 Tây Sơn, phường Ngã Tư Sở, quận Ðống Ða, TP. Hà Nội (bản chất là Chi nhánh của Tổng công ty Bảo hiểm PVI).
Trong các bản án của toà án đều có ghi nhận nội dung: “Công ty Bảo hiểm X là Chi nhánh của Tổng công ty Bảo hiểm X đã ký kết hợp đồng bảo hiểm số …..”. Tuy nhiên, với ví dụ trên, để chứng minh được Công ty Bảo hiểm PVI Thăng Long là Chi nhánh của Tổng công ty Bảo hiểm PVI là cả một quá trình dài, một loạt văn bản giấy tờ toà án phải xem xét đánh giá và làm rõ do không có cơ sở dữ liệu trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp.
Khi toà án thụ lý đơn khởi kiện, sẽ xác định nội dung như sau: bị đơn là chi nhánh, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là tổng công ty. Trong khi đó, chi nhánh đâu có được quyền quyết định việc gì, chỉ có mỗi cái tên gọi gây nhầm lẫn là “Công ty Bảo hiểm X”. Mọi vấn đề đều phải thông qua tổng công ty, vậy thì làm sao đủ tư cách làm bị đơn trong vụ việc?
Trong khi đó, tổng công ty có đầy đủ tư cách bị đơn thì cứ dửng dưng với quan điểm “tôi chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, lúc nào toà án xác định rõ tư cách tôi sẽ tích cực giải quyết vụ việc”.
Theo ông, đâu là giải pháp để gỡ vướng cho trường hợp này?
Với những bất cập như đã nêu ở trên, chúng tôi kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Toà án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao thực hiện hai giải pháp chính sau:
Thứ nhất, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đăng tải tất cả “Giấy phép thành lập và hoạt động” của các công ty bảo hiểm lên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để các cá nhân, cơ quan, tổ chức khi cần có thể tra cứu, khai thác.
Thứ hai, Toà án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao có văn bản hướng dẫn toà án, viện kiểm sát nhân dân các cấp thống nhất cách xác định tư cách bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đối với tổng công ty bảo hiểm, công ty thành viên của các tổng công ty bảo hiểm (mà bản chất chỉ là chi nhánh) trong các vụ án kinh doanh thương mại về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn