Với mục tiêu nâng cao tính minh bạch, toàn diện trong việc phản ánh hiệu quả kinh doanh của từng hợp đồng bảo hiểm tới lợi nhuận chung của doanh nghiệp, theo đánh giá của các chuyên gia, IFRS 17 là chuẩn mực quan trọng và phức tạp.
Chuẩn mực này bao gồm 17 tiêu chuẩn trình bày báo cáo tài chính quốc tế, do Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) xây dựng và ban hành, trong đó quy định một số điểm trọng yếu, thay đổi yêu cầu phân loại chi tiết hợp đồng bảo hiểm căn cứ theo kỳ vọng lợi nhuận toàn bộ vòng đời hợp đồng; bổ sung thêm yêu cầu về một số thành phần dự phòng nghiệp vụ mới; yêu cầu đánh giá lãi suất trích lập dự phòng dựa trên dự báo kinh tế dài hạn và khi áp dụng chuẩn mực này, phí bảo hiểm thu được sẽ không ghi nhận là doanh thu như phương pháp kế toán trước đây.
Tại Việt Nam, ngày 28/2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 242/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án tái cơ cấu thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, trong đó đề ra nhiệm vụ về xây dựng và triển khai đề án áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) tại Việt Nam. Ngày 23/5/2018, Bộ Tài chính có Quyết định số 918/QÐ-BTC về việc thành lập Ban soạn thảo đề án áp dụng IFRS. Theo dự thảo đề án, các công ty bảo hiểm có thể là đối tượng áp dụng thử nghiệm đồng bộ với thời điểm áp dụng IFRS 17 trên phạm vi toàn cầu.
So với lộ trình mà các tập đoàn bảo hiểm thế giới phải áp dụng, thị trường Việt Nam có độ trễ khoảng 3 năm. Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhìn nhận, sẽ rất thách thức cho Việt Nam khi áp dụng IFRS 17.
“Chẳng hạn, việc xác định doanh thu và lợi nhuận từ một hợp đồng bảo hiểm không còn dựa trên giá trị sổ sách, mà dựa vào mô hình dòng tiền với những giả định trong tương lai của các yếu tố kinh tế có tác động đến hợp đồng đó – vốn rất phức tạp. Chưa kể, việc áp dụng IFRS 17 được thực hiện song hành với sự phát triển một cách đồng bộ của thị trường tài chính, hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống định giá tài sản theo giá trị thị trường và định lượng rủi ro…”, vị đại diện này nói.
Theo các chuyên gia trong ngành, những thay đổi trong báo cáo tài chính, báo cáo lãi lỗ, báo cáo thu nhập toàn diện khác khi áp dụng IFRS 17 cần được tập huấn không chỉ cho doanh nghiệp bảo hiểm, cơ quan quản lý – giám sát bảo hiểm, mà cần phải truyền thông, hướng dẫn cho các nhà đầu tư, chủ hợp đồng bảo hiểm, các nhà quản lý thuế…
Ðược biết, tại bản góp ý xây dựng Luật Bảo hiểm sửa đổi, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) đã kiến nghị, việc sửa đổi các chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm là cần thiết trong bối cảnh các cam kết quốc tế về hội nhập của Việt Nam, nhưng cần phải căn cứ vào năng lực, cũng như mức độ chịu đựng rủi ro của từng doanh nghiệp bảo hiểm để có lộ trình áp dụng phù hợp, đảm bảo sự phát triển ổn định của doanh nghiệp, thị trường.
“Tuy rất thách thức, nhưng đã là quy định thì phải thực thi. Hơn nữa, đây là xu thế chung của thế giới, Việt Nam không thể đứng ngoài, nhất là khi đang trên con đường hội nhập. Theo đó, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ Việt Nam sẽ phải tổ chức lại hệ thống báo cáo minh bạch hơn, chấp nhận báo cáo nhiều chi tiết hơn…. Nói thì đơn giản, nhưng thực hiện sẽ vô cùng phức tạp. Chính vì thế, các doanh nghiệp cần sớm có sự chuẩn bị”, một chuyên gia bảo hiểm nhìn nhận.
Trong khi đó, trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chia sẻ, dù theo lộ trình đến năm 2025 doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam mới phải áp dụng IFRS 17, nhưng một số doanh nghiệp đã bắt đầu công tác chuẩn bị bởi tập đoàn mẹ ở nước ngoài yêu cầu, một phần cũng là để phòng ngừa việc áp dụng có thể phải thực hiện sớm hơn.
“Công ty chúng tôi tại Việt Nam hiện đã khởi động kế hoạch thực hiện chuẩn mực kế toán mới và sự chuẩn bị có thể kéo dài khoảng 2 năm”, vị tổng giám đốc trên nói.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn