Vì sao gần 6.000 công nhân bỏ sổ bảo hiểm?

Trong quá trình chuyển sổ bảo hiểm để người lao động trực tiếp quản lý, Bảo hiểm xã hội tỉnh (BHXH) Quảng Ninh phát hiện hàng nghìn người lao động nghỉ hoặc chuyển sang đơn vị khác đã bỏ lại sổ bảo hiểm. Có người đóng bảo hiểm 6-7 năm, có người chỉ vài tháng nhưng “buông” sổ bảo hiểm cũng nhiều lý do, trong đó hoặc không làm công nhân nữa, hoặc không hiểu luật hay hành trình lấy lại sổ quá cực nên làm lại từ đầu.

Mới chỉ có 56/5.877 công nhân đến nhận sổ

Theo BHXH tỉnh Quảng Ninh, từ tháng 7.2018, số lượng sổ bảo hiểm không ai đến nhận được lưu giữ tại đơn vị này đã lên tới con số hàng nghìn và lũy kế đến thời điểm hiện nay là 5.877 sổ. Tuy nhiên, đến ngày 19.8.2019, mới chỉ có 56 người đến nhận lại sổ, dù đơn vị này đã đăng thông báo, tuyên truyền về việc lấy lại sổ bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi của người lao động trên cổng thông tin điện tử của đơn vị và các trang mạng khác.

Ông Trần Công Dân – Trưởng phòng cấp sổ, thẻ, thuộc BHXH tỉnh Quảng Ninh – cho biết, nếu không có việc rà soát để bàn giao sổ bảo hiểm cho người lao động quản lý theo Luật Bảo hiểm, từ tháng 1.2017 thì sẽ không phát hiện ra số lượng công nhân bỏ sổ bảo hiểm lớn như vậy. “Quá trình rà soát, phát hiện hàng nghìn công nhân thôi việc nhưng không lấy sổ bảo hiểm, chúng tôi đã có công văn đề nghị các đơn vị chủ quản chuyển sổ bảo hiểm về BHXH tỉnh Quảng Ninh để lưu giữ và sẽ trả lại cho công nhân khi họ có yêu cầu” – ông Dân cho hay.

Đứng đầu các doanh nghiệp có số công nhân bỏ lại sổ bảo hiểm là Cty Giầy da Everbest (100% vốn nước ngoài), đóng tại TP.Cẩm Phả, đã đóng cửa từ tháng 2.2017, với 2.004 sổ. Than là ngành có số lượng công nhân chưa đến lấy sổ nhiều nhất, với tổng cộng trên 3.000 sổ, nằm rải rác ở một số cty, trong đó Cty than Nam Mẫu có 1.116 sổ, Cty CP than Dương Huy 731 sổ, Cty CP than Vàng Danh 919 sổ. Trong đó, nhiều người đóng bảo hiểm từ 6-7 năm, có người chỉ vài ba tháng, nhưng nhiều nhất vẫn là từ 2-3 năm.

Vì sao buông bỏ?

Chị Trương Thị Chanh (quê Bắc Giang) có hơn 3 năm làm công nhân tại Cty Everbest Cẩm Phả, mới đây mới đến lấy sổ bảo hiểm tại BHXH Quảng Ninh, sau gần 10 năm xác định bỏ sổ bảo hiểm đóng tại Cty này. “Tôi nghỉ việc tại Cty Everbest Cẩm Phả khoảng năm 2010, xin lại sổ bảo hiểm thì công ty không cho nên bỏ về quê. Gần đây, xin vào cty của một người bạn, bạn tìm hiểu thì thấy sổ đang ở BHXH Quảng Ninh nên bảo tôi ra Hạ Long xin lại, nếu không thì tôi cũng chẳng biết gì” – chị Chanh cho hay.

Cũng theo chị Chanh, rất nhiều bạn bè của chị từng làm dài hạn ở Cty Everbest Cẩm Phả không lấy sổ bảo hiểm vì lý do như chị. “Tôi đã điện thoại cho bạn bè đến BHXH Quảng Ninh để xin lại sổ bảo hiểm. Nhiều người ở xa chưa đi được, nhưng cũng có người bảo không làm công nhân nữa thì lấy làm gì” – chị Chanh chia sẻ.

Trao đổi với Lao Động, một số công nhân nói rằng, họ bỏ lại sổ bảo hiểm vì lúc nghỉ hoặc chuyển việc xin lại sổ bảo hiểm rất khó khăn, do đơn vị chủ quản gây khó dễ. “Thời điểm đó, người sử dụng lao động vẫn quản lý sổ bảo hiểm của người lao động, chứ không có quy định người lao động được quản lý sổ bảo hiểm của mình như hiện nay. Giờ sổ nằm ở BHXH Quảng Ninh thì dễ rồi” – một công nhân xin giấu tên nói.

Theo ông Trần Công Dân – Trưởng phòng cấp sổ, thẻ, BHXH tỉnh Quảng Ninh, nếu có việc gây khó dễ hoặc cố tình giữ lại sổ bảo hiểm, người lao động có thể kiến nghị lên công đoàn, thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc đưa ra tòa. “Giả sử công nhân vi phạm nội quy hoặc gây thiệt hại về tài sản cho đơn vị thì cũng không được phép giữ sổ bảo hiểm của họ, bởi việc nào ra việc đó và phải giải quyết theo hợp đồng lao động đã ký. Theo Luật Bảo hiểm, đến tháng 9.2019, chúng tôi đã bàn giao 230.000 sổ bảo hiểm cho người lao động quản lý. Nếu đơn vị nào còn cố tình giữ sổ bảo hiểm của người lao động là vi phạm pháp luật” – ông Dân khẳng định.

Đại diện BHXH tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị người lao động đến lấy sổ để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình, dù thời gian đóng bảo hiểm ngắn, vì có chuyển sang cty khác thì vẫn phải dùng mã số bảo hiểm đã được định danh trước đó.

Theo laodong.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.