Từ Hiến pháp 1959 đến sự ra đời Điều lệ BHXH đầu tiên

Hiện thực hóa quy định về BHXH tại Hiến pháp, để cải tiến, thống nhất các chế độ có tính chất BHXH, nhằm cải thiện đời sống của công nhân, viên chức nhà nước, ngày 27/12/1961, Chính phủ ban hành Nghị định số 218/CP ban hành Điều lệ tạm thời về các chế độ BHXH đối với công nhân, viên chức nhà nước, thay thế tất cả những quy định trước đó về các chế độ có tính chất BHXH, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/1962 và là Điều lệ đầu tiên về BHXH.

Ngay trong Lời nói đầu của Điều lệ đã khẳng định: “Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và suốt trong thời kỳ kháng chiến cho đến nay, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về mọi mặt, Chính phủ đã luôn luôn chăm lo cải thiện đời sống của nhân dân lao động. Đối với công nhân, viên chức nhà nước, đi đôi với việc cải tiến chế độ tiền lương, Chính phủ đã ban hành các chế độ trợ cấp mà thực chất là chế độ BHXH, như chế độ trợ cấp khi ốm đau, sinh đẻ, tai nạn lao động, trợ cấp khi chết, đồng thời đã xây dựng nhiều bệnh viện, bệnh xá, nhà an dưỡng, điều dưỡng, nhà gửi trẻ… Các chế độ và sự nghiệp có tính chất BHXH này tuy mới chỉ là bước đầu nhưng đã có tác dụng rõ rệt; đã giải quyết được một phần những khó khăn trong sinh hoạt của công nhân, viên chức nhà nước, làm cho anh chị em phấn khởi đẩy mạnh sản xuất và công tác. Từ ngày hòa bình lập lại, miền Bắc nước ta đã bước vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Sau khi hoàn thành thắng lợi kế hoạch 03 năm phát triển và cải tạo kinh tế, phát triển văn hóa, chúng ta bước vào kế hoạch 05 năm lần thứ nhất, lấy công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm. Số công nhân, viên chức sẽ ngày càng tăng lên. Các chế độ trợ cấp xã hội hiện hành cần được bổ sung và cải tiến để phù hợp với tình hình, nhiệm vụ mới, nhằm phục vụ yêu cầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời, đáp ứng yêu cầu không ngừng cải thiện đời sống của công nhân, viên chức nhà nước. Điều lệ tạm thời này về BHXH bảo đảm những điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần cho công nhân, viên chức nhà nước trong những trường hợp tạm thời hay vĩnh viễn mất sức lao động và áp dụng thống nhất cho toàn thể công nhân, viên chức nhà nước. Các chế độ đãi ngộ về BHXH trong Điều lệ tạm thời này chủ yếu dựa vào nguyên tắc phân phối theo lao động nhằm khuyến khích mọi người tăng cường kỷ luật lao động, đẩy mạnh sản xuất, góp phần ổn định lực lượng lao động trong các ngành kinh tế quốc dân. Điều lệ tạm thời này về các chế độ BHXH được xây dựng phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, chính trị và xã hội hiện nay của nước ta, không những có tác dụng động viên công nhân, viên chức và nhân dân lao động ở miền Bắc phấn khởi nỗ lực sản xuất và công tác, đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, mà còn làm cho công nhân, viên chức và nhân dân lao động ở miền Nam thấy rõ tính chất hơn hẳn của chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, do đó tăng thêm tin tưởng, tăng cường đoàn kết và đấu tranh đòi quyền sinh sống hàng ngày, đồng thời kiên quyết đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”.

Tại bản Điều lệ tạm thời về BHXH này, lần đầu tiên nguyên tắc mức hưởng thụ – sự cống hiến và khái niệm Quỹ BHXH được đề cập tại Điều 2, Điều 3: “Mức độ đãi ngộ về BHXH được quy định căn cứ vào sự cống hiến, thời gian công tác, điều kiện làm việc, đồng thời cũng căn cứ vào tình trạng mất sức lao động nhiều hay ít của mỗi công nhân, viên chức trong từng trường hợp. Trợ cấp về BHXH nói chung thấp hơn tiền lương của công nhân, viên chức khi đang làm việc, nhưng mức thấp nhất cũng bằng mức sinh hoạt tối thiểu”  “Mọi đãi ngộ về BHXH quy định trong Điều lệ tạm thời này đều do Quỹ BHXH của Nhà nước đài thọ”. Tuy nhiên, do đặc điểm của thời kỳ kháng chiến kiến quốc, các chế độ BHXH quy định trong Điều lệ tạm thời này mới chỉ được áp dụng cho công nhân, viên chức nhà nước ở cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, kể cả cán bộ, công nhân hoạt động ở các cơ quan của các đoàn thể nhân dân, những xí nghiệp công tư hợp doanh đã áp dụng chế độ tiền lương như xí nghiệp quốc doanh; những xí nghiệp công nghiệp địa phương đã có kế hoạch lao động tiền lương ghi trong kế hoạch nhà nước. Còn đối với các cán bộ, nhân viên công tác ở các tổ chức dân lập không thuộc đối tượng điều chỉnh trong Điều lệ này. Đồng thời, quy định 06 chế độ cơ bản, bao gồm: Chế độ đãi ngộ công nhân, viên chức nhà nước khi ốm đau (sau này gọi chung là chế độ ốm đau); Chế độ đãi ngộ nữ công nhân, viên chức nhà nước khi có thai và khi đẻ (sau này gọi chung là chế độ thai sản); Chế độ đãi ngộ công nhân, viên chức nhà nước khi bị tai nạn lao động hay bệnh nghề nghiệp; Chế độ đãi ngộ công nhân, viên chức nhà nước thôi việc vì mất sức lao động; Chế độ trợ cấp hưu trí; Chế độ trợ cấp chôn cất và trợ cấp vì mất người chủ gia đình (sau này gọi là trợ cấp mai táng phí và trợ cấp tuất quy định chung trong chế độ tử tuất).

Trước yêu cầu đẩy mạnh phong trào lao động sản xuất, cần kiệm, xây dựng chủ nghĩa xã hội trong tình hình mới, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đã bước vào giai đoạn chín muồi, ngày 04/07/1974, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 163-CP sửa đổi một số điểm về chế độ thôi việc vì mất sức lao động và chế độ hưu trí quy định tại Điều lệ tạm thời về các chế độ BHXH đối với công nhân, viên chức Nhà nước. Theo đó, sửa đổi quy định về điều kiện hưởng chế độ thôi việc vì mất sức lao động và quy định bổ sung việc áp dụng chế độ hưu trí: “Những công nhân, viên chức nhà nước đã tham gia trong một đoàn thể cách mạng từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 hoặc đã hoạt động trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, được tặng thưởng huân, huy chương, nam 52 tuổi, nữ 47 tuổi, có đủ 25 năm công tác liên tục, mà ốm đau, không còn khả năng lao động cũng được hưởng chế độ trợ cấp hưu trí”.

Có thể nói, Điều lệ BHXH tạm thời đối với công nhân, viên chức nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 218/CP ngày 27/12/1961 và Điều lệ tạm thời về các chế độ đãi ngộ đối với quân nhân ban hành kèm theo Nghị định số 161/CP ngày 30/10/1964 là 02 văn bản pháp luật đầu tiên quy định 06 chế độ BHXH ở nước ta là ốm đau, thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, mất sức lao động, hưu trí và tử tuất. Trong hoàn cảnh đất nước chia cắt vì chiến tranh, Đảng, Nhà nước ta vẫn ban hành hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ quy định về BHXH, thể hiện chiến lược và mục tiêu phát triển nhất quán là vì con người và chăm lo cho con người./.

Theo baohiemxahoi.gov.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.