Ngày 10/9/2013, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Lê Bạch Hồng, BHXH Việt Nam đã chủ trì cuộc họp giao ban đánh giá kết quả công tác tháng 9 và triển khai nhiệm vụ công tác tháng 10 năm 2013. Cùng tham dự có các Phó Tổng Giám đốc: Đỗ Văn Sinh, Nguyễn Đình Khương, Nguyễn Minh Thảo, Đỗ Thị Xuân Phương và Trưởng, phó các Ban nghiệp vụ, các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.
Tổng số người tham gia BHXH, BHYT đến hết tháng 09/2013 là 61.812.339 người, tăng 2.582.297 người (4,2%) so với cùng kỳ năm 2012, trong đó: Tham gia BHXH, BHYT bắt buộc: 10.699.729 người; Tham gia BHXH tự nguyện: 155.541 người; Chỉ tham gia BHYT: 50.987.069 người.
Toàn Ngành thu được 18.247 tỷ đồng, tăng 20.892,7 tỷ đồng (21,7%) so với cùng kỳ năm 2012, đạt 78% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, bao gồm: Thu BHXH bắt buộc: 81.432 tỷ đồng; Thu BHXH tự nguyện: 401 tỷ đồng; Thu BHYT: 32.667,9 tỷ đồng; Thu lãi chậm đóng BHXH, BHYT: 239,1 tỷ đồng.
Đồng thời, BHXH Việt Nam đã cấp 16.135,5 tỷ đồng cho BHXH các tỉnh, thành phố, BHXH Bộ Quốc phòng, Công an nhân dân và Ban Cơ yếu Chính phủ để chi BHXH, BHYT.
Toàn Ngành giải quyết 517.920 lượt người hưởng chế độ BHXH, tăng 131.580 lượt người so với tháng 8/2013, trong đó: 80.072 người hưởng BHXH hàng tháng; 455.430 lượt người hưởng trợ cấp 1 lần; 403.090 người hưởng chế độ BHTN; 3.886.188 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe. Thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) cho 12.456.657 lượt bệnh nhân KCB BHYT (tăng 3.334.086 lượt người so với tháng 8/2013), lũy kế từ đầu năm đến cuối kỳ báo cáo là 88.799.590 lượt người.
Số người được cấp sổ BHXH tính đến 30/9/2013 là 10.164.481 người, đạt 93,9% số người tham gia BHXH. Số thẻ BHYT đã phát hành còn giá trị sử dụng tính đến 30/9/2013 là 60.747.729 thẻ.
Gần 10.000 tỷ đồng nợ BHXH
Số nợ đến 30/9/2013 là 9.915,4 tỷ đồng, chiếm 7,37% so với tổng số phải thu. Số này tuy đã giảm 159,2 tỷ đồng so với 31/8/2013 nhưng vẫn tăng 2.234,7 tỷ đồng (22%) so với cùng kỳ năm 2012, bao gồm: Nợ BHXH: 7.364,7 tỷ đồng, nợ BHYT: 2.568,7 tỷ đồng.
Có 28 BHXH tỉnh, thành phố tỷ lệ nợ so với số phải thu cao hơn tỷ lệ nợ chung toàn Ngành (7,37%), trong đó có 10 địa phương tỷ lệ nợ cao là: Thái Nguyên 8,9%; Cà Mau 9%; Nam Định 9%; Hậu Giang 9,4%, Hòa Bình 9,7%, Đăk Lắk 9,9%, Bà Rịa – Vũng Tàu 10,5%; Ninh Thuận 12,8%; Thanh Hóa 13,2%, Bình Thuận 14,4%.
Có 35 BHXH tỉnh, thành phố tỷ lệ nợ so với số phải thu thấp hơn tỷ lệ nợ chung toàn Ngành (dưới 7,49%), trong đó có 10 địa phương tỷ lệ nợ thấp là: Trà Vinh 4,7%; Hà Tĩnh 4,6%; Hưng Yên 4,5%; Hải Dương 4,4%; An Giang 3,9%; Cao Bằng 4,5%; Kiên Giang 4,9%; Yên Bái 4,1%, Tiền Giang 4,1%; Vĩnh Phúc 3,9%; Đồng Tháp 2,2% và Điện Biên 1,8%.
Hoạt động của BHXH các địa phương
Trong tháng 9/2013, có nhiều BHXH tỉnh, thành phố đã hưởng ứng đợt phát động phong trào thi đua của BHXH Việt Nam và chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền chính sách pháp luật về BHXH, BHYT cho học sinh, sinh viên tại các trường và cho công nhân tại các khu công nghiệp lớn; cử cán bộ trực tiếp đến các đơn vị để đôn đốc, yêu cầu khắc phục nợ… ; Công tác cấp sổ BHXH, thẻ BHYT tiếp tục được BHXH các tỉnh, thành phố quan tâm thực hiện. Nhiều địa phương tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm quản lý sổ thẻ, tăng cường kiểm tra, rà soát việc cấp thẻ BHYT cho học sinh, sinh viên năm học 2013 – 2014 và cho các đối tượng tham gia BHYT trong năm 2014; Trong giải quyết chính sách BHXH, các địa phương đã chú trọng việc kiểm tra, đối chiếu các hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ ốm đau, thai sản tại các đơn vị sử dụng lao động. ..; Đảy mạnh việc kiểm tra tình hình thực hiện Luật BHXH, BHYT tại các đơn vị sở dụng lao động và các cơ sở KCB BHYT…
Một số đề nghị của BHXH các tỉnh, thành phố đối với BHXH Việt Nam như: sớm ban hành phần mềm về quản lý công văn cho BHXh các tỉnh, thành phố, hướng dẫn cấp mã thẻ, mã quyền lợi cho đối tượng người dân tộc sống ở bản đặc biệt khó khăn được ngân sách địa phương hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ BHYT, bổ sung vào danh mục các bệnh cần nghỉ việc để chữa bệnh dài ngày đối với các bệnh mới theo quy định,…
Sau khi nghe các Phó Tổng Giám đốc và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc làm rõ những tồn tại, vướng mắc trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Kết luận phiên họp, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Lê Bạch Hồng ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của toàn Ngành, yêu cầu các Ban nghiệp vụ, BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường các giải pháp, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ công việc để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2013. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác thu BHXH, BHYT, BHTN và giảm tỷ lệ nợ đọng .
Tháng 10/2013, ngoài những công việc thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Tổng Giám đốc chỉ đạo, các đơn vị tăng cường chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng và giảm nợ đọng BHXH, BHYT, tập trung đẩy mạnh việc hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch thu; Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020”; thực hiện có hiệu quả Đề án “Thực hiện lộ trình BHYT toàn dân giai đoạn 2012 – 2015 và năm 2020”; Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ngành liên quan tham gia sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Luật BHXH, Luật BHYT; tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Ngành đến năm 2020 theo Quyết định số 1215/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ tại BHXH các tỉnh, thành phố, kịp thời phát hiện, đề xuất Lãnh đạo Ngành chấn chỉnh các hành vi sai phạm trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT; giải quyết kịp thời kiến nghị, đề xuất của BHXH các tỉnh, thành phố…./.
ĐH
Bảo Hiểm Bảo Việt