Sau những hậu quả đáng tiếc và to lớn của vụ cháy Trung tâm thương mại (TTTM) Hải Dương, các thông tin trái chiều về trách nhiệm bán và mua bảo hiểm tại Trung tâm này đã xuất hiện, trong đó lại có các ý kiến mang tính “đổ lỗi” cho nhau như đã xảy ra sau vụ cháy chợ Quảng Ngãi.
Chưa cháy, chả ai bảo hiểm
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI), TTTM Hải Dương chưa mua bảo hiểm, kể cả bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, có thể vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân chưa đủ an toàn phòng cháy chữa cháy nên DNBH định phí bảo hiểm cao hơn bình thường, làm cho các tiểu thương không chấp nhận mua bảo hiểm.
Theo một DN bảo hiểm thì việc các hộ kinh doanh ở đây không mua bảo hiểm có thể do mải buôn bán và cũng không lường trước rủi ro, trong khi không có người nhắc nhở hay hướng dẫn về việc mua bảo hiểm. Thậm chí, họ nghĩ phí bảo hiểm cũng như các khoản phí khác từng đóng cho ban quản lý chợ, bớt được khoản nào hay khoản đó. Và đó cũng là thực trạng chung tại các chợ hiện nay. Còn về phía DN bảo hiểm, cũng đã tiếp cận, nhưng do số lượng hộ tham gia không nhiều như kỳ vọng nên không theo bán nữa.
Một số chi nhánh DN bảo hiểm ở Hải Dương cho biết, từng gửi thư chào mời mua bảo hiểm một số hộ có gian hàng tại TTTM này, nhưng không thấy hồi âm gì. Ngoài ra, nhiều khách hàng không đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết khiến DN bảo hiểm buộc phải từ chối.
Tuy nhiên, nhiều khách hàng lại cho rằng, DN bảo hiểm không thật mặn mà chào bán sản phẩm bảo hiểm cháy nổ, có DN gửi mời gọi để không mang tiếng là từ chối bán bảo hiểm, chứ không chăm sóc khách hàng kỹ như khi bán các sản phẩm bảo hiểm khác.
Bảo hiểm Bảo Việt cho biết: “tiểu thương phải có hệ thống sổ sách kế toán theo dõi từng danh mục mặt hàng cùng lượng hàng hóa xuất, nhập rõ ràng theo ngày làm căn cứ tính giá trị mua bảo hiểm và quan trọng hơn là để khi có tổn thất xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm mới có đủ cơ sở để giám định, xác định mức độ thiệt hại. Tuy nhiên, hầu hết các tiểu thương đều không đáp ứng được yêu cầu về chứng từ, sổ sách nhập, xuất hàng, gây trở ngại lớn cho quá trình giải quyết bồi thường. Trong khi đó, nhận thức của một số tiểu thương về nguy cơ và hậu quả của cháy nổ trong chợ còn kém. Hiện vẫn còn tồn tại việc thắp hương, hút thuốc, đun nấu trong chợ…
Cũng theo Bảo Việt, yêu cầu đầu tiên đối với việc tham gia mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc là chợ phải được cơ quan chức năng cấp chứng nhận đạt yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy. Ngoài ra, việc nhận bảo hiểm cho các tiểu thương tại các chợ, ngoài vấn đề quản lý rủi ro, còn phụ thuộc nhiều vào chính sách cũng như định hướng kinh doanh dài hạn của Bảo Việt và sự chấp thuận của các nhà tái bảo hiểm quốc tế.
Tăng áp lực mua – bán bảo hiểm
Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số vừa được ban hành hôm 28/8 (có hiệu lực từ ngày 15/10 tới) cũng đã nâng mức phạt tiền đối với DN từ chối bán bảo hiểm bắt buộc lên 80 – 100 triệu đồng, (trước đây là 50 triệu đồng).
Mặc dù vậy, theo ghi nhận từ Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), đến nay, chưa có trường hợp nào chịu phạt bởi trên thực tế, khái niệm “từ chối” ở đây được hiểu là bên mua muốn mua và đã đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết, nhưng bên bán quyết không bán.
Nghị định 52/2012/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy cũng quy định rõ mức phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng nếu cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc mà không mua theo quy định.
Như vậy, có thể thấy, chế tài đã có cho cả 2 trường hợp không mua và bán bảo hiểm bắt buộc. Mặc dù vậy, cũng có ý kiến cho rằng, nếu không sát sao với cả 2 trường hợp trên thì sẽ không tránh khỏi việc DN chê không bán do tính rủi ro cao của sản phẩm bảo hiểm này, còn từng hộ kinh doanh thì không thèm mua bảo hiểm, lơ là công tác phòng cháy và sẵn sàng chấp nhận nộp phạt. Bởi vậy, rất cần sự quan tâm phối hợp giữa các bên liên quan để phòng tránh các rủi ro cháy, nổ.
Theo AVI, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện quy định về phòng cháy, chữa cháy và bảo hiểm cháy nổ, trong đó, quy định trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức được giao quản lý, sử dụng, khai thác tài sản phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại tài sản này ngay cả khi nguyên nhân là bất khả kháng. Có như vậy, họ mới nghĩ tới chia sẻ rủi ro trách nhiệm bằng việc mua bảo hiểm.
“Tất cả các hộ tiểu thương cần thấy được nguy cơ thiệt hại do cháy nổ gây ra. Chỉ cần 1 trong số hàng trăm, hàng ngàn hộ sao nhãng công tác phòng cháy, chữa cháy và gây ra cháy nổ, toàn bộ các hộ còn lại sẽ chịu chung cảnh ngộ”, vị này nói.