Diễn tập chữa cháy tại kho xăng dầu Biên Hòa (Ðồng Nai).
Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, chỉ trong nửa đầu năm 2013, toàn quốc đã xảy ra hơn 1.420 vụ cháy, làm chết 22 người, bị thương 52 người, thiệt hại tài sản khoảng 524,5 tỷ đồng và 692,6 ha rừng.
Các vụ cháy lớn chủ yếu xảy ra ở các cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa dễ cháy, nổ của các doanh nghiệp, gây thiệt hại rất lớn về tài sản, có vụ thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Việc khôi phục sản xuất ở các cơ sở bị thiệt hại nặng do cháy, nổ sẽ bớt khó khăn hơn nhiều nếu các doanh nghiệp thực hiện quy định bắt buộc về bảo hiểm cháy nổ.
Bảo hiểm cháy, nổ là loại hình bảo hiểm bắt buộc áp dụng đối với các cơ sở được xác định là có nguy cơ cháy, nổ như: nhà máy, xí nghiệp, trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học, trụ sở làm việc, rạp hát, khách sạn… Tuy nhiên, dù là bảo hiểm bắt buộc, nhưng các tổ chức trên chỉ mua bảo hiểm cho phần “khung” – tài sản cố định thuộc diện quản lý của cơ sở đó, phần chi tiết (tài sản bên trong) thì không tham gia. Từ đó, dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng khi xảy ra cháy, nổ.
Theo đánh giá của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), qua sáu năm thực hiện các quy định pháp luật về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc (BHCNBB), chúng ta đã xây dựng được hành lang pháp lý và tạo ra sự thay đổi lớn về nhận thức đối với sự cần thiết của BHCNBB đối với các tổ chức và cá nhân có cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ; các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm thuận lợi hơn trong việc tiếp cận, thuyết phục khách hàng mua BHCNBB. Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC-CNCH) thuộc Bộ Công an và các cấp chính quyền địa phương cùng đẩy mạnh triển khai chế độ BHCNBB trong các tầng lớp dân cư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh; tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ DN trong việc thực hiện chế độ BHCNBB. Doanh thu phí BHCNBB cũng đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần ổn định và nâng cao hiệu quả của thị trường vốn. Doanh thu phí BHCNBB cũng đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần ổn định và nâng cao hiệu quả của thị trường vốn: chỉ tính riêng năm 2012, loại hình này đã đạt doanh thu 594 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường đạt 14%. Bên cạnh đó, bảo hiểm cháy, nổ tự nguyện đạt doanh thu 2.185 tỷ đồng, tăng 23,28% so cùng kỳ, đã giải quyết bồi thường 809 tỷ đồng với tỷ lệ bồi thường đạt 37%.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai BHCNBB cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, với quy định khách hàng chỉ được giao kết hợp đồng BHCNBB khi đã được cơ quan cảnh sát PCCC cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về PCCC hoặc có biên bản kết luận cơ sở đủ điều kiện về PCCC là một vướng mắc. Trong thực tế, tại hầu hết các địa phương, việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn PCCC (một trong những điều kiện tiên quyết để bán bảo hiểm bắt buộc) chưa được thực hiện triệt để, việc công khai danh sách các cơ sở thuộc diện phải mua BHCNBB tại nhiều địa phương còn chưa thực hiện được nên các DN bảo hiểm chỉ có thể bán bảo hiểm tự nguyện theo quy tắc, biểu phí do DN tự xây dựng.
Thêm vào đó, số lượng đối tượng phải tham gia BHCNBB còn rất hạn chế, đa số có tâm lý né tránh hoặc tham gia mang tính chất đối phó. Nhận thức của các cơ quan, tổ chức, DN và cá nhân trong việc tham gia BHCNBB chưa cao, thể hiện qua số lượng các DN tham gia BHCNBB còn rất hạn chế, nhất là các cơ sở sản xuất nhỏ, cho nên tham gia đều mang tính chất đối phó và chưa hiểu được quyền lợi khi tham gia bảo hiểm. Chế tài xử phạt đối với các tổ chức, DN không tham gia BHCNBB còn thấp, chưa phù hợp và chưa đủ tính răn đe, một số cơ sở chấp nhận nộp phạt hành chính do mức phạt thấp hơn mức phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc phải đóng. Công tác tuyên truyền chế độ BHCNBB chưa được quan tâm đúng mức. Việc phối hợp giữa doanh nghiệp bảo hiểm và các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp chưa thật sự chặt chẽ.
Ðể khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện BHCNBB, bên cạnh việc thường xuyên tổ chức công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện BHCNBB của tất cả các tổ chức, DN thuộc diện phải mua BHCNBB cũng như các DN bán bảo hiểm việc sửa đổi, bổ sung các quy phạm pháp luật về BHCNBB là rất cần thiết. Lãnh đạo Công ty Bảo hiểm Bảo Minh cho rằng: Cần phải quy định rõ các hình thức và mức phạt đủ sức răn đe đối với những trường hợp vi phạm, đặc biệt là những cơ sở lợi dụng để trục lợi…, đồng thời với việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ thì mới tạo nên lực đẩy quan trọng buộc các đối tượng phải thực hiện.
Theo ý kiến của một thành viên tổ soạn thảo văn bản pháp luật về BHCNBB mới, thì các cơ quan chức năng đề nghị bổ sung trách nhiệm của Cục Cảnh sát Phòng PCCC-CNCH và Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) trong công tác phối hợp thực hiện chế độ BHCNBB. Trong số các trách nhiệm của cơ quan Cảnh sát PCCC-CNCH thì việc định kỳ hằng năm thông báo các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ phải mua BHCNBB là rất quan trọng. Dự thảo cũng sẽ quy định thêm về quyền chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước hạn của DN bảo hiểm trong trường hợp cơ sở được kiểm tra không đủ điều kiện PCCC, đồng thời đề xuất bãi bỏ một số quy định không còn phù hợp, trong đó có các quy định về thủ tục tài chính.
Thực hiện BHCNBB xuất phát từ mục đích bảo vệ lợi ích và an toàn cho xã hội bởi quy định này đã nâng cao tinh thần trách nhiệm PCCC, là cơ hội để chấn chỉnh và thực hiện nghiêm túc hơn nữa công tác PCCC. Theo Bộ Tài chính, hiện nay, liên bộ Tài chính – Công an và các cơ quan liên quan đang tích cực rà soát lại các văn bản hướng dẫn việc thực hiện BHCNBB cùng các cơ chế tài chính thích hợp. Ði kèm với đó cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền để chủ các cơ sở hiểu đúng bản chất của việc thực hiện chế độ BHCNBB… Có như vậy việc thực thi chế độ BHCNBB mới thật sự đi vào đời sống xã hội và khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia BHCNBB theo đúng quy định của pháp luật.
MỸ HÀ
Bảo Hiểm Bảo Việt