Trước tình trạng nợ đọng Bảo hiểm xã hội (BHXH) gia tăng, đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật BHXH sửa đổi, đại diện hàng loạt cơ quan chức năng Tp.Hồ Chí Minh và phía Nam cho rằng chế tài hành chính vẫn chưa đủ sức răn đe. Nên chăng, phải áp dụng trách nhiệm hình sự đối với cá nhân cố tình chây ì, trốn đóng, tước đoạt quyền lợi NLĐ.
Nợ đọng BHXH gia tăng, NLĐ không được hưởng các quyền lợi cơ bản của BHXH
Dự thảo Luật BHXH sửa đổi gồm 10 chương, 120 điều, theo kế hoạch, sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 cuối năm 2013 và thực thi từ ngày 1-1-2015 thay Luật BHXH đang hiện hành. Theo bà Trần Thị Thúy Nga, Tổ trưởng Tổ biên tập Luật BHXH sửa đổi, dự thảo Luật lần này có nhiều điểm “mở nút” nhằm tăng quyền cho các tổ chức BHXH. Đơn cử, những hành vi lạm dụng và chiếm quỹ BHXH sẽ tăng mức phạt do chậm đóng lên gấp 3 lần lãi suất đầu tư quỹ BHXH (hiện chỉ mới 1%), hoặc tăng 2 lần lãi suất vay của liên ngân hàng. Điểm nổi bật nữa trong dự thảo sửa đổi là bổ sung quy định lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc từ 5 đến 7 ngày kể từ ngày vợ sinh con, sẽ tăng quyền bình đẳng giới cho cả nam lẫn nữ và người chồng có thời gian phù hợp để chăm sóc sức khỏe cho mẹ con.
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Đăng Tiến – Phó Giám đốc BHXH Tp.Hồ Chí Minh, tình trạng vi phạm pháp luật BHXH trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp với số nợ BHXH luôn chiếm trên 20% số nợ đọng của cả nước. Thế nhưng, việc chế tài duy nhất là phạt chậm đóng chưa đủ sức răn đe. Ông Tiến cho rằng dự thảo Luật BHXH cần đưa vào quy định cụ thể về các hành vi vi phạm này, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu các cá nhân hay tổ chức trên vẫn “nhờn thuốc”.
Ông Bùi Thanh Nhân, Phó Chủ tịch Liên đào lao động tỉnh Bình Dương cho hay, ở Bình Dương rất nhiều doanh nghiệp (DN) chiếm dụng tiền BHXH của NLĐ và chỉ khi DN bỏ trốn hoặc phá sản thì NLĐ mới biết mình bị tước đoạt quyền lợi. Đa số DN này thuê nhà xưởng hoặc đã thế chấp nhà xưởng tại ngân hàng. Khi bỏ trốn, ngân hàng vào xiết nợ, không còn tài sản bảo đảm thực hiện quyền lợi cho NLĐ, buộc địa phương phải trích nguồn ngân sách để chi trả. Vì vậy, dự thảo Luật BHXH cũng cần có quy định chặt chẽ và ràng buộc hơn đối với từng DN, thậm chí nên thành lập nguồn tài chính dự phòng để giải quyết nợ lương, nợ BHXH khi DN bỏ trốn.
Theo ông Phạm Đỗ Nhật Tân, nguyên Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ,TB&XH), để tránh tình trạng DN “lách luật” bằng cách sử dụng lao động chưa tới 3 tháng rồi ký hợp đồng lao động lại nhằm tránh đóng BHXH (sai phạm điển hình ở 4 DN công ích của Tp.Hồ Chí Minh), dự thảo Luật lần này rất đáng ghi nhận khi NLĐ chỉ cần làm việc một tháng sẽ được đóng BHXH. “Tuy nhiên thời gian làm thủ tục BHXH đối với các trường hợp này liệu có kịp không? Cơ quan chức năng có những giải pháp và dự liệu như thế nào để giải quyết suôn sẻ vấn đề này?”, ông Tân đặt vấn đề.
Theo các đại biểu, Luật BHXH hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập và hạn chế, do đó, Luật BHXH sửa đổi đã thông thoáng thì cũng cần mạnh dạn khơi thông những “điểm nghẽn” để bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ./.
Nguồn: Báo Hà Nội mới
Bảo Hiểm Bảo Việt