Không ít DN bảo hiểm phi nhân thọ đã “bắt tay” với một số cơ quan quản lý nhà nước, các sở giáo dục và đào tạo để ra công văn liên tịch mang tính chất áp đặt học sinh phải mua bảo hiểm tại DN.
Dịp tựu trường là thời gian “vào mùa” của sản phẩm bảo hiểm học sinh
Bộ Tài chính ra quyết định “cấm”
Chiêu cạnh tranh phi lành mạnh nêu trên âm thầm diễn ra từ nhiều năm trước, nhiều đến mức có địa phương coi như là đương nhiên. Đây cũng được xem là cách làm hiệu quả hơn các biện pháp cạnh tranh thông thường khác như hạ phí, tăng hoa hồng…
Bảo hiểm học sinh thuộc nghiệp vụ bảo hiểm con người, thường đạt doanh thu cao vào quý III và quý IV hàng năm, do vào đúng dịp tựu trường. 6 tháng đầu năm 2013, theo tổng hợp của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bảo hiểm Bảo Việt vẫn đứng đầu và gần như chi phối thị trường về doanh thu phí bảo hiểm con người, với 751,2 tỷ đồng (doanh thu phí từ bảo hiểm con người của toàn thị trường là hơn 1.800 tỷ đồng); đứng thứ hai là Bảo hiểm PVI, với 278,4 tỷ đồng; Bảo Minh đứng thứ ba với 272,5 tỷ đồng; tiếp đến là ABIC (riêng 5 tháng đạt gần 80 tỷ đồng), AAA (70,1 tỷ đồng), PJICO (69,8 tỷ đồng), AIG (54,3 tỷ đồng). |
Tuy nhiên, ngay trước thời điểm vào mùa bán bảo hiểm học sinh năm nay, Bộ Tài chính đã ra Công văn số 10556/BTC-QLBH gửi các DN bảo hiểm phi nhân thọ, nghiêm cấm việc sử dụng các biện pháp hành chính như văn bản hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước, công văn liên tịch giữa các sở giáo dục và đào tạo và các DN bảo hiểm… có tính chất áp đặt người tham gia bảo hiểm phải mua bảo hiểm tại một hoặc một số DN bảo hiểm được chỉ định.
Công văn 10556 đề nghị rõ các DN bảo hiểm quán triệt nội dung yêu cầu trên trong toàn hệ thống các đơn vị thành viên, chi nhánh… để nghiêm túc thực hiện. Đồng thời, phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm (nếu có) và báo cáo kết quả xử lý về Bộ Tài chính (Cục Quản lý giám sát bảo hiểm).
Công văn 10556 của Bộ Tài chính cho thấy nỗ lực của Bộ này nhằm đảm bảo thực hiện đúng pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Sản phẩm bảo hiểm bị cấm móc nối kể trên là sản phẩm bảo hiểm học sinh tự nguyện, mà tại các trường học thường được gọi là “bảo hiểm thân thể” để dễ bán, bên cạnh sản phẩm song hành đó là bảo hiểm y tế mang tính bắt buộc của Nhà nước. Trên thực tế, sản phẩm “bảo hiểm thân thể” bán rất chạy, nhất là khi mức phí không cao, trên dưới 100.000 đồng, có sản phẩm chỉ vài chục ngàn đồng.
… DN sẽ “bắt tay” với nhà trường
Có ý kiến cho rằng, sau lệnh cấm của Bộ Tài chính nêu trên, các DN bảo hiểm vẫn có thể tận dụng các mối quan hệ hậu “công văn liên tịch”, cũng như các mối quan hệ mang tính cá nhân khác để duy trì doanh thu từ sản phẩm bảo hiểm học sinh.
Thực tế, có những DN bảo hiểm không “bắt tay” với cơ quan quản lý nhà nước để ra công văn liên tịch mang tính chất áp đặt học sinh phải mua bảo hiểm tại DN, mà làm việc trực tiếp với Ban giám hiệu nhà trường để bán bảo hiểm. Các DN này sẽ có cơ chế hấp dẫn như hoa hồng, quà cáp, nghỉ mát hàng năm… dành cho các cán bộ của nhà trường. Khi thông báo từ phía nhà trường về mua “bảo hiểm thân thể” cho học sinh (bảo hiểm học sinh tự nguyện) đi kèm với bảo hiểm y tế bắt buộc thì phụ huynh học sinh dễ chi tiền hơn.
Do đó, ngoài việc quản lý chặt chẽ từ phía Bộ Tài chính, trông chờ vào ý thức cạnh tranh lành mạnh của DN bảo hiểm, thì bản thân các cơ quan nhà nước liên quan khác cần có trách nhiệm trong việc kiên quyết không “bắt tay” với DN bảo hiểm, tránh để xảy ra tình trạng cạnh tranh không bình đẳng trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Đại diện Bảo hiểm Bảo Việt: Sau khi nhận được Công văn số 10556/BTC-QLBH của Bộ Tài chính, Bảo hiểm Bảo Việt đã có công văn gửi các công ty thành viên yêu cầu nghiêm túc thực hiện và báo cáo về Tổng công ty các trường hợp vi phạm (nếu có) để báo cáo Bộ Tài chính. Trong những năm gần đây, Bảo hiểm Bảo Việt luôn quan tâm, chấn chỉnh các công ty thành viên trong việc tuân thủ và thực hiện các quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Cạnh tranh, cũng như các quy định của Bộ Tài chính liên quan đến vấn đề cạnh tranh trong bảo hiểm học sinh. Trong các văn bản hướng dẫn triển khai bảo hiểm học sinh đầu năm học, Bảo hiểm Bảo Việt đều yêu cầu các công ty thành viên quan tâm đến chất lượng phục vụ, lấy chất lượng dịch vụ làm lợi thế trong cạnh tranh. Phối hợp chặt chẽ với nhà trường và ngành giáo dục các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động học sinh tham gia bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi cho học sinh, quán triệt nguyên tắc tự nguyện trong triển khai. Tuyệt đối nghiêm cấm việc sử dụng các biện pháp hành chính như văn bản của các cơ quan quản lý nhà nước, các sở giáo dục và đào tạo… mang tính chất chỉ đạo, định hướng hoặc áp đặt người tham gia bảo hiểm tại DN. |