Vẫn chưa hết lỗ
Câu chuyện lỗ nghiệp vụ đang kéo lùi hiệu quả kinh doanh của không ít doanh nghiệp, dẫn đến doanh nghiệp bảo hiểm không chỉ lỗ nghiệp vụ mà còn thua lỗ kết quả kinh doanh cả năm. Trong đó, có 4 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lỗ trước thuế là VASS (ước lỗ 258,4 tỷ đồng), AIG (ước lỗ 212 tỷ đồng), Phú Hưng (ước lỗ 29,6 tỷ đồng), Chubb (ước lỗ 28,1 tỷ đồng). 1 chi nhánh công ty bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam là SGI (ước lỗ 17 tỷ đồng).
Chưa kể một số doanh nghiệp có lãi nhưng chỉ mang tính “tượng trưng” như BHV (ước lãi 17 triệu đồng), Xuân Thành (hơn 1 tỷ đồng).
Tỷ lệ bồi thường/doanh thu chỉ 36% mà các doanh nghiệp vẫn lỗ thì cần xem xét lại các loại chi phí khác
– Ông Trần Vĩnh Đức,
Chủ tịch HĐQT Bảo Minh
Năm 2016, mặc dù con số lỗ nghiệp vụ bảo hiểm đã giảm cả về số tiền (ước khoảng 113 tỷ đồng, giảm 110 tỷ đồng so với năm 2015), lẫn số lượng doanh nghiệp (giảm 4 doanh nghiệp so với năm 2015), nhưng số công ty bị lỗ vẫn ở mức cao, chiếm hơn 40% số lượng doanh nghiệp bảo hiểm hiện có trên thị trường. Đặc biệt, một số doanh nghiệp bảo hiểm đã lỗ liên tiếp nhiều năm, chưa thế cắt lỗ ngay.
Theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, nguyên nhân lỗ “chung cuộc” vẫn do lãi từ đầu tư tài chính, khoản lãi chủ đạo, không đủ bù đắp lỗ từ mảng lõi là hoạt động kinh doanh bảo hiểm, trong khi các khoản chi phí không có dấu hiệu giảm. Năm 2016, lợi nhuận hoạt động đầu tư tài chính của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ là 1.353 tỷ đồng, giảm 8,8% so với năm 2015.
Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, nguyên nhân khiến các doanh nghiệp bảo hiểm lỗ nghiệp vụ chủ yếu vẫn là do tình trạng cạnh tranh không lành mạnh (giảm phí bảo hiểm, mở rộng điều khoản, điều kiện bảo hiểm, tăng chi phí hoạt động kinh doanh…), ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của từng doanh nghiệp cũng như toàn thị trường.
“Tỷ lệ bồi thường/doanh thu chỉ 36% mà các doanh nghiệp vẫn lỗ thì cần xem xét lại các loại chi phí khác”, ông Trần Vĩnh Đức, Chủ tịch HĐQT Bảo Minh nhận định.
Thực tế, tại một số doanh nghiệp, mặc dù đã có chủ trương áp dụng chính sách quản lý rủi ro chặt chẽ, lựa chọn các dịch vụ có mức độ rủi ro phù hợp, đặc biệt là kiểm soát gắt gao các nghiệp vụ nhiều khả năng khó có lãi nếu lơ là như bảo hiểm sức khỏe con người, bảo hiểm xe cơ giới nhưng vẫn diễn ra tình trạng các công ty thành viên trực thuộc doanh nghiệp bảo hiểm đua nhau giảm phí, tăng hoa hồng, tăng chi phí để lôi kéo khách hàng, khiến lỗ vẫn hoàn lỗ.
Điểm sáng trên thị trường
Xét về lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm, báo cáo của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho thấy, có 17/30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có lãi nghiệp vụ, tăng thêm 4 doanh nghiệp so với năm 2015.
Bên cạnh đó, 25/30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và chi nhánh nước ngoài lãi trước thuế.
Theo báo cáo của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, năm 2016, Bảo hiểm Bảo Việt đứng đầu thị trường với khoản lãi trước thuế ước trên 375 tỷ đồng, Bảo Minh về nhì với con số trên 225 tỷ đồng, BIC đứng thứ 3 với gần 140 tỷ đồng, PJICO thứ 4 với 130 tỷ đồng và PTI thứ 5, ước khoảng 129 tỷ đồng.
Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, lý do khiến Công ty đứng đầu thị trường về lợi nhuận (ước khoảng 301 tỷ đồng lãi sau thuế) là nhờ hoạt động đầu tư hiệu quả, kiếm soát tốt hoạt động khai thác và bồi thường bảo hiểm, tiết kiệm chi phí hoạt động, không chạy đua giảm phí. Đây là kết quả của việc không chạy theo doanh thu mà đặt hiệu quả lên hàng đầu, vốn được Công ty chú trọng vài năm gần đây.
Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cho biết, năm 2017, bên cạnh việc duy trì đà tăng trưởng của thị trường, cơ quan này vẫn tiếp tục đảm bảo thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, hiệu quả, giám sát các doanh nghiệp bảo hiểm chưa đảm bảo biên khả năng thanh toán và nguồn vốn chủ sở hữu đáp ứng quy định. Năm 2016 cũng ghi nhận nguồn vốn chủ sở hữu và tài sản của khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục tăng.
theo tinnhanhchungkhoan.vn