Số liệu tổng hợp của các doanh nghiệp gửi về Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho thấy, tính đến hết năm 2016, PVI vẫn là doanh nghiệp bảo hiểm dẫn đầu thị trường phi nhân thọ với thị phần trên 18%, Bảo Việt đứng thứ hai, theo sát nút PVI về thị phần. Tiếp theo là Bảo Minh và PTI với thị phần không cách nhau quá xa…
Năm qua, có 6 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có tốc độ tăng trưởng trên 50% là Bảo hiểm UIC, Phú Hưng, VNI, VBI, Cathay và Bảo hiểm Hùng Vương. Dù không thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng trên, nhưng trong 3 năm trở lại đây, VASS liên tục có những bước tiến mạnh mẽ. Bảo hiểm sức khỏe chính là nghiệp vụ mang đến doanh thu lớn cho hãng bảo hiểm này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, đây cũng là nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường cao nên việc đẩy mạnh nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe cũng cần phải hết sức cẩn trọng.
Quay trở lại câu chuyện tăng trưởng của các doanh nghiệp có thị phần nhỏ trên thị trường phi nhân thọ. Nếu như vài năm trước, Samsung Vina nổi lên như một doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá tốt nhờ sự tăng trưởng của dòng vốn Hàn Quốc vào Việt Nam (chủ yếu cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam), thậm chí có năm lọt Top 6 thị phần doanh thu, nhưng từ năm 2015, doanh thu phí bảo hiểm gốc của công ty này có xu hướng đi xuống.
Sự sụt giảm của Samsung Vina đã từng được dự báo và doanh nghiệp này đang mất dần vị trí đối trọng với các doanh nghiệp cùng nhóm thị phần như MIC, BIC. Theo một chuyên gia kinh tế, nếu như những năm trước đây, Hàn Quốc thường đứng số 1 về đầu tư trực tiếp vào Việt Nam thì xu hướng đầu tư năm 2017 có sự thay đổi nhất định.
Theo thống kê, 2 tháng đầu năm 2017, Singapore đã vươn lên vị trí thứ nhất về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký mới đạt 881,6 triệu USD, Trung Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký mới đạt 721,7 triệu USD, Hàn Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 637,1 triệu USD… Sự thay đổi cơ cấu dòng vốn này cũng có khả năng sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của Samsung Vina.
Trong khi đó, năm 2016, MIC đã tạo ra sự đột phá thông qua kênh bancassurance (doanh thu qua ngân hàng), với tốc độ tăng trưởng doanh thu qua kênh này là 84%. Năm 2017, MIC đặt mục tiêu doanh thu trên 100 triệu USD, tăng trưởng khoảng 25%; lợi nhuận đạt 148 tỷ đồng. Đồng thời, MIC cũng không ngừng mở rộng mạng lưới với dự kiến 66 công ty thành viên và hơn 400 phòng kinh doanh. Hãng bảo hiểm này được nhìn nhận có những bước phát triển khá ổn định và vững chắc.
Cũng như MIC, hãng bảo hiểm ABIC cũng có những lợi thế riêng và trong những năm gần đây, ABIC vươn lên mạnh mẽ và đang xếp ở vị trí thứ 9 về thị phần. ABIC cũng là một trong số ít công ty bảo hiểm phi nhân thọ có hiệu quả tốt từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
ABIC đã tận dụng tối đa lợi thế mạng lưới chi nhánh rộng lớn của ngân hàng mẹ Agribank trong phát triển sản phẩm bancas. Các chuyên gia trong ngành nhìn nhận, với tốc độ tăng trưởng cao như trên, có khả năng hãng bảo hiểm này sẽ tăng nhanh thứ hạng thị phần trong vài năm tới.
Về phía BIC, trước sự tăng trưởng nhanh của các đối thủ trực tiếp, doanh nghiệp này đã dần đánh mất vị trí Top 7. Tuy nhiên, trong các năm qua, BIC đã khẳng định không theo đuổi mục tiêu quy mô mà hướng tới yếu tố hiệu quả, chú trọng lợi nhuận. Không chọn bảo hiểm xe cơ giới hay bảo hiểm con người để làm đòn bẩy tăng trưởng, BIC tập trung khai thác vị thế độc quyền cung cấp các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ qua ngân hàng mẹ BIDV.
Mặc dù chưa cải thiện được thứ hạng về thị phần, nhưng năm 2016, BIC vẫn nằm trong số ít doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc khá tốt (đạt trên 15%) và duy trì được tỷ suất lợi nhuận cao.
Năm 2017, BIC cho biết sẽ tập trung các giải pháp để tăng trưởng hiệu quả, an toàn, bền vững, gia tăng thị phần và vị thế trên thị trường.
Sự thận trọng của BIC hay sự tích cực mở rộng thị phần của VASS, MIC, ABIC… sẽ tạo nên bức tranh đa sắc màu và hứa hẹn sẽ có nhiều thay đổi về thứ hạng thị phần của nhóm dưới trong năm 2017.
theo tinnhanhchungkhoan.vn