Nguồn vốn từ chương trình bảo hiểm hưu trí sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho các công ty quản lý quỹ, đồng thời là động lực để các công ty bảo hiểm nhân thọ đẩy nhanh tiến trình thành lập công ty quản lý quỹ.
Sau một thời gian dài trông đợi, Thông tư hướng dẫn bảo hiểm hưu trí tự nguyện và quỹ hưu trí tự nguyện đã được Bộ Tài chính ban hành và có hiệu lực từ 15/10/2013. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang khẩn trương hoàn tất Đề án thí điểm triển khai mô hình bảo hiểm hưu trí bổ sung để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm triển khai thực hiện từ tháng 1/2014.
Nguồn vốn từ chương trình bảo hiểm hưu trí này sẽ được phân bổ đầu tư qua các quỹ mở chuyên đầu tư vào trái phiếu chính phủ, thị trường tiền tệ, thị trường cổ phiếu, do các công ty quản lý quỹ quản lý và vận hành. Nguồn vốn này sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho các công ty quản lý quỹ, đồng thời là động lực để các công ty bảo hiểm nhân thọ đẩy nhanh tiến trình thành lập công ty quản lý quỹ. Ngoài ACE Life – công ty bảo hiểm nhân thọ đầu tiên được chấp thuận về mặt nguyên tắc thành lập công ty quản lý quỹ trong năm 2013, thì một số công ty bảo hiểm nhân thọ khác cũng đã có kế hoạch này.
ACE Life đã được chấp thuận về mặt nguyên tắc thành lập công ty quản lý quỹ
Đối với việc tiếp cận nguồn tiền từ Đề án bảo hiểm hưu trí bổ sung, ông Sebastian Subba-Tổng giám đốc VinaWealth bày tỏ mong muốn được đóng góp vào sự thành công của chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung cho người Việt, thông qua việc cung cấp dịch vụ quản lý tài sản một cách phù hợp, an toàn và hiệu quả. Mô hình hoạt động chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung cũng đã được công ty này giới thiệu tới các cơ quan chức năng tham gia soạn thảo Đề án bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Được biết, Đề án bảo hiểm hưu trí bổ sung hiện chưa có các điều kiện cụ thể cho các công ty quản lý quỹ được cấp phép quản lý quỹ hưu trí bổ sung. Tuy nhiên, theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các công ty quản lý quỹ nếu thỏa mãn các tiêu chí thì đều có thể quản lý nguồn tiền bảo hiểm hưu trí (tự nguyện hay bổ sung).
Tài sản đầu tư cho quỹ hưu trí cần phải an toàn, có thanh khoản và có mức lợi nhuận đầu tư tốt trong dài hạn để đảm bảo những người tham gia có thể rút khoản đóng góp khi về hưu. Quỹ hưu trí sẽ đầu tư phần lớn tài sản (>50% tổng tài sản) vào các loại sản phẩm thu nhập cố định như tiền gửi, các công cụ thị trường tiền tệ, trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, ngoại tệ. Quỹ có thể đầu tư một phần tài sản vào các loại sản phẩm có tính thanh khoản khác như cổ phiếu. Còn đối với bảo hiểm hưu trí tự nguyện, việc lựa chọn công ty nào quản lý đầu tư nguồn vốn này sẽ do các doanh nghiệp bảo hiểm lựa chọn theo tiêu chí của doanh nghiệp.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng, nguồn tiền trong quỹ hưu trí tự nguyện là tiền lương hưu, tiền để dành của người lao động. Do đó, khi thiết kế cơ chế vận hành Đề án thí điểm quỹ hưu trí tự nguyện, luôn phải thỏa mãn yêu cầu số 1 là đảm bảo an toàn cho quỹ. Điều này giải thích tại sao phần lớn nguồn tiền từ quỹ được đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Phần còn lại được đầu tư vào thị trường tiền tệ, hay thị trường cổ phiếu, nhưng phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe, nhằm đảm bảo an toàn cho quỹ.
Dự báo, những chuyển động mới trên thị trường tài chính Việt Nam nêu trên sẽ tạo ra một làn sóng thành lập công ty quản lý quỹ và quỹ mở để đón nhận cơ hội này. Thực tế, không chỉ có các công ty quản lý quỹ đang nôn nóng và có những chuyến công cán ngoại giao con thoi để có được cơ hội đón nhận và quản lý dòng vốn mới, các công ty bảo hiểm nhân thọ đã có công ty quản lý quỹ và đang xúc tiến thành lập công ty quản lý quỹ cũng khẩn trương với kế hoạch tiếp nhận, quản lý và đầu tư dòng vốn mới này.
Mặc dù vậy, trao đổi với ĐTCK, đại diện một công ty quản lý quỹ tỏ ra thận trọng khi nhận định, trong tương lai, nguồn vốn này sẽ ngày một dồi dào, nhưng trước mắt, khi chương trình mới triển khai cũng không nên mong đợi quá nhiều. Bởi theo kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới, các chương trình bảo hiểm có tính bắt buộc sẽ phát triển nhanh hơn.