Chính sách Bảo hiểm y tế (BHYT) được thực hiện ở nước ta từ năm 1992. Ðến năm 2008, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật BHYT, đánh dấu bước quan trọng trong hệ thống pháp luật về BHYT; là cơ sở pháp lý cao nhất để thể chế hóa quan điểm, định hướng của Ðảng và Nhà nước trong việc thực hiện chính sách tài chính y tế thông qua BHYT, đồng thời tạo điều kiện chăm sóc sức khỏe người dân một cách công bằng, hiệu quả. Tuy nhiên, sau hơn ba năm triển khai thực hiện Luật, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc; một số vấn đề mới cũng đã nảy sinh.
Ðến nay, cả nước đã có hơn 60 triệu người tham gia BHYT, một tỷ lệ chưa phải là cao, trong đó, khu vực doanh nghiệp mới có 53% số người lao động tham gia BHYT; người thuộc hộ cận nghèo dù đã được ngân sách hỗ trợ 70% mức đóng nhưng cũng chỉ có 20% số người tham gia; đối tượng tự nguyện tham gia BHYT cũng chỉ đạt 25%. Vẫn còn tình trạng “lựa chọn ngược”, chỉ có người ốm, người bị bệnh mới tham gia BHYT, dẫn đến mỗi năm số tiền Quỹ BHYT phải bù đắp chi phí khám, chữa bệnh cho nhóm đối tượng này lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Nhằm tháo gỡ những vướng mắc cũng như để đạt mục tiêu BHYT toàn dân, các cơ quan liên quan đang tập trung thảo luận sửa đổi Luật BHYT. Việc sửa đổi, bổ sung Luật BHYT là nhiệm vụ hết sức quan trọng của ngành y tế, vừa góp phần đưa Luật đi vào cuộc sống, vừa thực hiện chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Vì vậy, việc sửa đổi cần bám sát mục tiêu: mở rộng phạm vi bao phủ của BHYT về tỷ lệ số dân tham gia; về phạm vi dịch vụ y tế được thụ hưởng và giảm mức chi trực tiếp từ người sử dụng dịch vụ; tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân, góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này, cần phải luật hóa việc tham gia BHYT đối với tất cả mọi người dân. BHYT là bắt buộc đối với mọi đối tượng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, muốn thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, bên cạnh việc Nhà nước có chính sách hỗ trợ một phần để khuyến khích và thu hút người dân tham gia thì Luật BHYT cần quy định bắt buộc mọi người cùng tham gia.
Ðể mọi người dân tham gia BHYT, ngoài vai trò của cơ quan chuyên môn, rất cần sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương, nhất là tuyến xã trong việc thống kê, giám sát người dân trong quá trình thực thi các quy định liên quan đến BHYT. Từ đó, xác định cụ thể những người chưa tham gia BHYT, hay việc cấp trùng thẻ BHYT như thời gian vừa qua.
Ðặc biệt, ngành y tế, nhất là ở tuyến cơ sở cần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Ðể làm được điều đó, mạng lưới các cơ sở khám, chữa bệnh cần được đầu tư cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ chuyên môn. Khi người dân thấy được giá trị và quyền lợi được thụ hưởng sẽ tích cực tham gia BHYT.
Nguồn: nhandanorgvn
Bảo Hiểm Bảo Việt