Từ 2014: Thí điểm bảo hiểm hưu trí bổ sung

Trong khối các nước APEC, hiện chỉ còn duy nhất Việt Nam chưa triển khai hưu trí bổ sung. Trong khi đó, đã có hơn 80 nước trên thế giới đã triển khai và hầu hết các nước trong khối ASEAN đã triển khai thực hiện bảo hiểm hưu trí bổ sung…

Hoi thao 210813.jpg
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân phát biểu khai mạc hội thảo

 Chính sách BH hưu trí bổ sung là một chính sách BHXH tự nguyện hoặc bắt buộc nhằm mục tiêu bổ sung cho chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của người lao động và doanh nghiệp dưới hình thức tài khoản cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua các hoạt động đầu tư dưới sự giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước.

Trên thế giới, BHXH là một trong những trụ cột quan trọng nhất của hệ thống an sinh xã hội quốc gia. Nhiều nước đã thiết kế hệ thống BH hưu trí với nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn người về hưu ở Mỹ có 3 nguồn thu nhập chính: từ nguồn BH hưu trí bắt buộc; từ BH hưu trí bổ sung tự nguyện; từ nguồn tiết kiệm hưu trí cá nhân.

Tại Việt Nam, theo ông Phạm Trường Giang – Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), Việt Nam mới chỉ có tầng BH thứ nhất, chưa có BH hưu trí bổ sung tự nguyện, BH ở nguồn tiết kiệm hưu trí cá nhân cũng chỉ mới được một số công ty BH triển khai nhưng chưa đồng bộ. Chính vì chính sách BH hưu trí bổ sung do chưa được triển khai và chưa có khung pháp lý nên các doanh nghiệp, tập đoàn không nhận được ưu đãi về thuế (thiệt thòi cho doanh nghiệp), người lao động làm việc trong các tập đoàn đa quốc cũng bị thiệt thòi, còn những người lao động khác muốn gia tăng cơ hội hưởng hưu trí bổ sung cao hơn khi nghỉ hưu cũng không có cơ hội.

Theo số liệu điều tra của Bộ LĐ-TB&XH năm 2010 với gần 700 doanh nghiệp tại Hà Nội và TP.HCM, có đến 70% doanh nghiệp và tập đoàn được khảo sát mong muốn và sẵn sàng tham gia đóng quỹ hưu trí bổ sung cho người lao động.

Một khảo sát khác cũng cho thấy, các tập đoàn đa quốc gia như Unilever, Nestle, Dutch Lady… khi đầu tư ở nước ngoài họ thực hiện đầy đủ các tầng BH hưu trí cho người lao động, nhưng khi đầu tư ở VN, các tập đoàn này chỉ đóng BH hưu trí cơ bản cho người lao động, một số ít được tập đoàn đóng cho BH hưu trí bổ sung.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, dân số Việt Nam hiện nay đang bước vào giai đoạn dân số vàng. Đây chính là thời điểm vàng cho VN thực hiện BH hưu trí bổ sung vì sau thời kỳ dân số vàng (khoảng 30 năm) sẽ là thời kỳ dân số già, quá trình già hóa sẽ diễn ra rất nhanh. Sang giai đoạn này, nếu có BH hưu trí bổ sung sẽ góp phần giảm áp lực cho chi tiêu của ngân sách quốc gia, từ việc điều chỉnh tăng lương hưu hàng năm.

Thực tế, chúng ta đã cơ sở pháp lý thực hiện hưu trí bổ sung ở Việt Nam. Vào năm 2012, Bộ Chính Trị đã ra nghị quyết về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020, trong đó nêu rõ: “Áp dụng thêm các loại BH xã hội mới phù hợp với nhu cầu của nhân dân. Thí điểm chính sách BH hưu trí bổ sung”.

Trên cơ sở, tại hội thảo “Lấy ý kiến dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm chính sách BH hưu trí bổ sung ở Việt Nam” do Bộ LĐ-TB&XH hội tổ chức ngày 19/8/2013 tại TP HCM, đại diện Bộ cho biết từ 01/01/2014 sẽ thực hiện thí điểm Quỹ Hưu trí bổ sung đối với một số tập đoàn, doanh nghiệp và dự kiến đến năm 2020 sẽ áp dụng bắt buộc đối với tất cả các doanh nghiệp trên cả nước. Thông tin nay đã nhận được sự đồng thuận của nhiều đại diện doanh nghiệp./.

Nguồn: dddn

Bảo Hiểm Bảo Việt

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.