Xã luận: Vì chiến lược con người, An sinh xã hội và tương lai đất nước

Con người là vốn quý nhất của xã hội. Sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe học sinh, sinh viên – những chủ nhân tương lai của đất nước có ý nghĩa chiến lược, là mối quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước, của mỗi gia đình và toàn xã hội.

BHYT là một bộ phận quan trọng trong chính sách tài chính y tế quốc gia và là một trong những phương thức tạo nguồn tài chính cho hoạt động chăm sóc sức khỏe thông qua huy động đóng góp của người dân, được thực hiện có tổ chức, mang tính chia sẻ trong cộng đồng và nhằm mục đích thực hiện công bằng, nhân đạo trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhân Ngày BHYT Việt Nam (01/7/2009), thư của Chủ tịch nước gửi cán bộ, nhân viên ngành Y tế và các tầng lớp nhân dân đã nhấn mạnh: “Tham gia thực hiện Luật BHYT không chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ, chia sẻ gánh nặng tài chính với những người không may ốm đau, bệnh tật của tất cả mọi công dân…”.

Do mục đích ưu việt, thiết thực, giàu tính nhân văn, BHYT học sinh, sinh viên đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của toàn xã hội, được thể chế hóa trách nhiệm thực hiện bằng Luật BHYT từ 01/01/2010. Nhờ có sự phối hợp của các ngành, các cấp, nhất là hệ thống giáo dục – đào tạo, nhà trường và sự hưởng ứng tích cực của toàn xã hội, đến năm học 2012 – 2013 đã có 80,4% học sinh, sinh viên toàn quốc được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe theo chế độ BHYT.

Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, thực tế cũng cho thấy công tác chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật BHYT đối với học sinh, sinh viên còn hạn chế, nhất là khối các trường chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học. Hoạt động y tế trường học ở một số nhà trường chưa đáp ứng được yêu cầu. Không ít phụ huynh và học sinh chưa hiểu biết đầy đủ về chính sách BHYT. Mặc dù học sinh, sinh viên là đối tượng có trách nhiệm tham gia và được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, song đến nay vẫn còn gần 20% học sinh, sinh viên chưa có BHYT theo quy định của pháp luật…

 Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 07/09/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về “Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới” đã chỉ rõ: “BHYT  là một chính sách xã hội do Nhà nước tổ chức, nhằm huy động sự đóng góp tài chính của cộng đồng để tạo Quỹ BHYT không vì mục đích lợi nhuận, giúp cho người tham gia BHYT có nguồn tài chính để chăm sóc sức khỏe, bảo vệ quyền lợi của mình theo luật định. BHYT là một trong các hoạt động nhân đạo nhất, thể hiện sự hỗ trợ tương thân tương ái trong chăm sóc sức khỏe giữa người giàu với người nghèo, giữa người thuận lợi về sức khỏe với người ốm đau và rủi ro về sức khỏe, giữa người đang độ tuổi lao động với người già và trẻ em. Đồng thời, BHYT mang tính dự phòng những rủi ro do chi phí cao cho chăm sóc sức khỏe gây nên khi ốm đau, bệnh tật. Việc tham gia BHYT là nghĩa vụ của mọi người dân, kể cả những người đang khỏe mạnh. Trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHYT là của các cấp uỷ đảng và các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương”.

Ngày 22/11/2012, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) ra Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020 thể hiện quyết tâm thực hiện mục tiêu BHXH cho mọi người lao động và BHYT toàn dân. Trong đó, việc thực hiện thắng lợi BHYT học sinh, sinh viên là bước đột phá quan trọng. Thực hiện định hướng của Đảng và quy định của Luật BHYT, ngày 29/03/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 538/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012 – 2015 và 2020. Để đạt diện bao phủ 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT theo quy định của Luật BHYT, Đề án xác định rõ trách nhiệm của nhà trường trong phối hợp thực hiện pháp luật về BHYT. Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các Bộ, ngành thực hiện các giải pháp về phát triển, nâng cao chất lượng công tác y tế trường học và xây dựng tiêu chí kế hoạch phát triển BHYT tại mỗi cơ sở giáo dục, đào tạo, tổ chức thực hiện các giải pháp liên quan đến mở rộng BHYT đối với học sinh sinh viên, theo quy định. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, các học viện, trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp trong toàn quốc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Luật BHYT; đưa chỉ tiêu tham gia BHYT đạt 100% là một tiêu chuẩn để công nhận trường đạt chuẩn quốc gia đối với các bậc học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và là một trong các tiêu chí thi đua đối với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường.

Năm học mới 2013 – 2014 đã đến, dưới sự lãnh đạo của Đảng về phát triển BHYT vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe toàn dân, nhất là thế hệ trẻ, tương lai của đất nước; quy định của pháp luật và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ; trách nhiệm vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là Ngành Giáo dục – Đào tạo, nhà trường, chắc chắn việc thực hiện chính sách, pháp luật BHYT đối với học sinh, sinh viên sẽ có bước phát triển vượt bậc, góp phần đẩy nhanh tiến độ BHYT toàn dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu bảo đảm An sinh xã hội thời kỳ đất nước hội nhập, phát triển.

TẠP CHÍ BẢO HIỂM XÃ HỘI
Bảo Hiểm Bảo Việt
Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.