Tiêu điểm bảo hiểm tuần 32

I. Thị trường trong nước

1. Tin bồi thường:

BIC bồi thường hơn 300 triệu đồng cho khách hàng tại Phú Thọ.

altTổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) vừa chi trả tiền bồi thường cho gia đình chị Hoàng Mai Hiền theo điều kiện của sản phẩm bảo hiểm người vay vốn BIC Bình An. 

Chị Hiền là khách hàng vay vốn tại Chi nhánh BIDV Phú Thọ (Phòng giao dịch Thụy Vân) và tham gia sản phẩm BIC Bình An với tổng số tiền bảo hiểm 300 triệu đồng trong thời hạn 1 năm, từ 17/10/2012 – 17/9/2013.

Vào ngày 15/6/2013, chị Hiền không may bị tai nạn giao thông và không qua khỏi. Trên cơ sở xác định rủi ro nằm trong phạm vi bảo hiểm, cán bộ BIC Tây Bắc đã hướng dẫn gia đình chị Hiền triển khai các thủ tục cần thiết để được chi trả bồi thường theo quy định. 

Theo điều kiện BIC Bình An, khi khách hàng không may gặp các rủi ro thuộc phạm vi bảo hiểm, BIC sẽ thay khách hàng trả số tiền tương ứng với số tiền bảo hiểm khách hàng còn nợ ngân hàng tại thời điểm đó. Trong trường hợp này, BIC sẽ thay chị Hiền trả số tiền gồm cả gốc và lãi tính toán tới thời điểm xảy ra rủi ro là hơn 337 triệu đồng. 

Vụ chìm tàu Cần Giờ: PVI hỗ trợ cho cả người không mua bảo hiểm

altMới đây, tàu H29 chở 30 cán bộ, công nhân viên CTCP Sản xuất ống thép Dầu khí Việt Nam (PVPIPE) đã bị lật tại địa phận huyện Cần Giờ, TP. HCM, khiến 9 người thiệt mạng. Chỉ có 1 trong số 9 người này mua bảo hiểm, đó là ông Nguyễn Bá Đức, tham gia bảo hiểm tai nạn cá nhân tại Bảo hiểm PVI Sông Tiền với giá trị bảo hiểm tối đa 100 triệu đồng/người.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, Bảo hiểm PVI Sông Tiền đã phối hợp với Bảo hiểm PVI Vũng Tàu nhanh chóng tới Trung tâm cứu hộ và bệnh viện địa phương để động viên, hỗ trợ thân nhân khách hàng tử nạn. 

Đại diện PVI cho biết công ty này “đang xem xét mức hỗ trợ nhân đạo đối với 8 nạn nhân xấu số, có thể ở mức 5 triệu đồng/người, dù không nhiều nhưng thể hiện tình tương thân, tương ái của nhà bảo hiểm với những người không may gặp hoạn nạn lại không có bảo hiểm”.

Theo nguồn tin ban đầu, tàu H29 do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cung cấp cho lực lượng biên phòng để phục vụ nhiệm vụ tuần tra, không phải để chở khách. 

2. Một vòng doanh nghiệp:

PVI Sun Life công bố hoạt động ở miền Trung

altCông ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ PVI Sun Life vừa tổ chức công bố hoạt động và triển khai sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tại khu vực miền Trung. 

Tại buổi lễ, PVI Sun Life giới thiệu tới khách hàng các hoạt động của công ty tại khu vực miền Trung và 3 sản phẩm là Bảo An Toàn, Bảo An Bình và Bảo Nhân Trí. Đây là các sản phẩm bảo hiểm bảo vệ khách hàng và người thân, cũng như giúp khách hàng hoạch định các kế hoạch tài chính trong tương lai.

Định hướng chiến lược phát triển của PVI Sun Life là trở thành doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ hàng đầu tại Việt Nam, thông qua việc kết hợp thế mạnh của hai đối tác: uy tín, thương hiệu và sự hiểu biết thị trường nội địa của PVI và kinh nghiệm toàn cầu trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và quản trị rủi ro của Sun Life Financial. 

VNI: thành lập chi nhánh thứ 2 tại Hà Nội

altChiều ngày 5/8/2013, tại Văn phòng Khu vực 1, số 327, Trường Chinh, Hà Nội, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) đã công bố Quyết định thành lập Chi nhánh Thăng Long và trao Quyết định bổ nhiệm cho ông Bùi Hữu Ánh Giám đốc Chi nhánh Thăng Long.

Đây là chi nhánh thứ hai của Bảo hiểm Hàng không trên địa bàn Hà Nội, được thành lập trên cơ sở sáp nhập Văn phòng khu vực 1 với VPKV6 (Thái Bình), VPKV5 (Hà Nội) và VPKV30 (Hà Nội).

Bảo Ngân đã có Tổng giám đốc

altÔng Lê Tuấn Dũng, Phó tổng giám đốc vừa được bổ nhiệm là Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Bảo hiểm Ngân hàng Công thương Việt Nam (Bảo Ngân). Như vậy, chiếc ghế CEO của Bảo Ngân bị bỏ trống hàng năm nay kể từ khi ông Phạm Gia Anh rời đi đã chính thức có người tiếp quản.

Ông Lê Tuấn Dũng trước đây là Phó tổng giám đốc Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) và chuyển sang giữ chức vụ Phó tổng giám đốc Bảo Ngân cách đây 1 năm. Ông Dũng là thạc sỹ quản trị kinh doanh – Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông đã trải qua nhiều vị trí công tác và có kiến thức sâu về chuyên ngành bảo hiểm.

Ngoài ra,1 số vị trí cấp cao khác của Bảo Ngân cũng được bổ nhiệm. Cụ thể, bà Đào Thị Chinh và ông Nguyễn Hồng Phong giữ chức vụ Phó tổng giám đốc Công ty. 

MIC & SOP (Singapore) tổ chức Hội nghị P & I dành cho các Chủ tàu 

altNgày 6/8/2013, tại Hải phòng, Tổng Công ty Bảo hiểm quân đội (MIC) phối hợp MIC Hải phòng đã tổ chức hội thảo cho các Doanh nghiệp có tàu tham gia P&I Quốc tế. Mục tiêu hội thảo nhằm góp phần hỗ trợ khách hàng trong việc lựa chọn Hội P&I có uy tín cũng như cập nhật các thông tin về thị trường bảo hiểm P&I nói chung và Hội bảo hiểm tàu thuyền The Shipowners’Mutual Protection and Indemnity Association (Luxembourg) (viết tắt SOP) nói riêng. 

Tham gia hội thảo có gần 40 chủ tàu lớn, khách hàng quan trọng của MIC từ Hải phòng, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An. Diễn giả của hội thảo là các chuyên gia cao cấp đến từ hội SOP: ông Steve Radall- Giám đốc SOP Singapore và ông Neville Seet- Phụ trách chính thị trường Việt Nam. Hội thảo là cơ hội tốt để trao đổi thông tin giữa hội SOP và các chủ tàu về bảo hiểm trách nhiệm dân sự ( P&I) của SOP thông qua MIC.

Hội SOP bắt đầu hoạt động ở thị trường Việt Nam từ năm 2009, có cơ cấu phí hợp lý và linh động, đáp ứng được nhu cầu của nhiều khách hàng.

Thương vụ Bảo Việt – HSBC được bình chọn là “Thương vụ phát hành riêng lẻ tiêu biểu nhất 2009-2013”

altDiễn đàn M&A Việt Nam 2013 với chủ đề “Cơ hội trong một thị trường 5 tỷ USD” do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty AVM Việt Nam tổ chức vừa diễn ra tại Trung tâm hội nghị White Palace, Tp. HCM đã bình chọn thương vụ Bảo Việt – HSBC là “Thương vụ phát hành riêng lẻ tiêu biểu nhất 2009-2013”. Trước đó, thương vụ này cũng được bình chọn là Top 2 thương vụ M&A tiêu biểu của năm tại Diễn đàn M&A 2010.

Kết quả bình chọn dựa trên thương vụ Công ty Bảo hiểm HSBC Châu Á – Thái Bình Dương (HSBC) đã mua thêm 8% cổ phần tại Tập đoàn Bảo Việt, nâng tỷ lệ sở hữu của đơn vị này tại Tập đoàn từ 10% lên 18% ngay sau thời điểm cổ phiếu BVH được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. HCM vào cuối năm 2009. Việc nâng tỷ lệ sở hữu trong thời gian ngắn, chỉ trong vòng 2 năm từ tháng 9/2007 – tháng 10/2009 đã thể hiện sự tin tưởng của cổ đông HSBC trong quá trình hợp tác với Bảo Việt.

Tại diễn đàn, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) – đơn vị thành viên của Tập đoàn Bảo Việt, cũng được vinh danh là “Công ty tư vấn M&A tiêu biểu nhất giai đoạn 2009 – 2013”. 

3. Tin đào tạo

IRT tổ chức khóa đào tạo về bảo hiểm tàu thuyền 

altTừ ngày 05/08 đến ngày 09/08/2013, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo bảo hiểm (IRT) khai giảng khóa đào tạo chuyên sâu về bảo hiểm tàu thuyền cho các học viên đến từ 8 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 01 doanh nghiệp tái bảo hiểm và một số học viên là cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo bảo hiểm.

Khóa học đã cung cấp cho học viên những kiến thức cơ bản về bảo hiểm tàu thuyền: bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu, bảo hiểm nhà thầu đóng tàu, quy trình đánh giá rủi ro, quy trình giám định và giải quyết bồi thường. Học viên còn được thực hành các bài tập tình huống gắn với thực tiễn hoạt động kinh doanh bảo hiểm tàu thuyền, nghiên cứu các vụ tổn thất điển hình đã được tòa án và trọng tài xét xử.

II. Tin quốc tế

Indonesia: 6 người chết do núi lửa hoạt động

altBốn người lớn và hai trẻ em đã thiệt mạng do núi lửa hoạt động tại Indonesia.

Núi lửa Rokatenda tại đảo Palue, cách thủ đô Jakarta 2000 km về phía đông, hoạt động trở lại và phun tro bụi, đất đá lên cao 2km. Một quan chức địa phương cho biết tro bụi nóng từ núi lửa đã bao phủ một bãi biển gần đó, khiến cho 4 người lớn và 2 trẻ em thiệt mạng.

Từ tháng 10 năm ngoái, một vùng cấm xung quanh núi lửa có bán kính 3km đã được thiết lập do núi lửa này có những biểu hiện hoạt động trở lại. Tuy nhiên nhiều người dân địa phương đã bỏ qua cảnh báo này.

Philippines: 23 thuyền viên mất tích do bão

alt23 thuyền viên đã mất tích từ khi cơn bão Utor đổ bộ vào Philippines. 

Bão Utor kèm theo mưa lớn đã gây ra những thiệt hại đáng kể cho một số tỉnh của quốc đảo này. Đây cũng được coi là trận bão lớn nhất từ đầu năm đến nay. Do hậu quả của bão, một số đường điện bị đổ, các chuyến bay bị hủy và một số trường học phải đóng cửa.

Trong tuần này, bão Utor nhiều khả năng sẽ tiếp tục tiến sâu vào Biển Đông, đổ bộ vào bờ biển khu vực phía nam Trung Quốc và Hồng Kông. Chính quyền Hồng Kông đã nâng mức cảnh báo bão lên mức T1.

Ấn Độ: chính thức cho phép ngân hàng được kinh doanh môi giới bảo hiểm 

altSau một thời gian nghiên cứu, mới đây Cục Quản lý và Phát triển bảo hiểm Ấn Độ đã khẳng định các ngân hàng được phép kinh doanh môi giới bảo hiểm và bán sản phẩm bảo hiểm cho các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ. Mục tiêu của chính sách này nhằm giúp các khu vực nông thôn Ấn Độ có điều kiện tiếp cận với bảo hiểm.

Bên cạnh đó, quy định mới này cũng có một số yêu cầu như ngân hàng phải chỉ định một quản trị viên cấp cao chuyên trách mảng môi giới bảo hiểm. Mỗi nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ hay phi nhân thọ chỉ được chiếm không quá 25% tổng giá trị bảo hiểm, đồng thời giới hạn tối đa với phí thu từ mỗi khách hàng là 25% tổng phí bảo hiểm. Ngân hàng cũng là nơi tiếp nhận và xử lý khiếu nại bồi thường. Giấy phép kinh doanh môi giới bảo hiểm sẽ do Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cấp, có hiệu lực trong 3 năm. Cục Quản lý và Phát triển bảo hiểm là đơn vị giám sát hoạt động kinh doanh này.

Ông Ajay Bimbhet, Giám đốc điều hành Công ty bảo hiểm Royal Sundaram Alliance cho biết:  “Cho phép các ngân hàng kinh doanh môi giới bảo hiểm là một bước tiến mới. Đây thực sự là cơ hội cho các doanh nghiệp bảo hiểm có thể tiếp cận các kênh phân phối bảo hiểm vi mô một cách dễ dàng hơn cũng như tăng khả năng xâm nhập thị trường”. 

Nhà bảo hiểm Sabre giới thiệu sản phẩm thu phát tín hiệu thông minh cho ô tô 

altNhà bảo hiểm xe cơ giới Sabre phối hợp với nhà cung cấp các thiết bị thu phát tín hiệu thông minh cho ô tô (telematics) Wunelli vừa cho ra mắt sản phẩm thu phát tín hiệu thông minh đầu tiên có tên thương mại là DriveSmart. Đây là kết quả sau 4 năm hợp tác giữa hai công ty.

DriveSmart hoạt động trên nền tảng tự động hoàn toàn của Wunelli do nhà sản xuất phần mềm bảo hiểm OpenGI cung cấp. DriveSmart thu thập dữ liệu về hành vi của lái xe thông qua một phần mềm trên điện thoại di động và các thiết bị phát tín hiệu từ xa được kết nối với chiếc xe. Đặc biệt, ứng dụng “thử trước khi mua” (try-before-you-buy) đi kèm với DriveSmart cho phép người lái xe có thể dùng thử trước khi quyết định mua sản phẩm bảo hiểm.

Ông Patrick Swords, Trưởng phòng cấp đơn bảo hiểm của Sabre chia sẻ: “Chúng tôi rất kỳ vọng vào tiềm năng của DriveSmart – không chỉ vì sản phẩm có thể cung cấp cho khách hàng mức phí tiết kiệm mà còn hỗ trợ họ rất tốt trong quá trình lái xe”.

Cam kết của Aviva tại Châu Á 

altTổng Giám đốc Aviva, ông Mark Wilson cho biết công ty “đã đạt được bước tiến đáng kể tại thị trường Châu Á, với trọng tâm là Trung Quốc và Đông Nam Á”.

Ông cũng cho biết kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của Tập đoàn thực hiện tốt hơn dự kiến. Cụ thể, lợi nhuận toàn Tập đoàn đạt 776 triệu Bảng (1,2 tỷ USD), so với mức 624 triệu Bảng cùng kỳ năm ngoái.

Phát biểu trên đây của ông Wilson diễn ra trong bối cảnh Aviva đang nỗ lực thoái vốn khỏi liên doanh tại Ấn Độ. Đề cập vấn đề này, ông nhấn mạnh: “Chúng tôi cam kết phát triển tại khu vực Châu Á… Aviva tập trung vào các thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á”.

Được biết, Tập đoàn này cũng đang tìm kiếm nhà đầu tư để bán lại phần vốn góp tại thị trường Mỹ.

Chi phí bồi thường vụ chìm tàu Costa Concordia lên tới trên 1,1 tỷ USD

altTổn thất do hậu quả vụ chìm tàu Costa Concordia tiếp tục tăng lên tới trên 1,1 tỷ USD sau khi Munich Re tiết lộ chi phí trục vớt xác tàu. Do yêu cầu quá trình trục vớt phải giữ nguyên thân tàu thay vì cắt thành từng mảng khiến việc trục vớt càng mất thêm thời gian và chi phí.

Trong một bình luận hôm Thứ ba vừa qua, Munich dự tính khoản chi phí hãng này phải gánh chịu là 100 triệu Euro, cao hơn so với ước tính ban đầu là 80 triệu Euro. 

Năm ngoái, con tàu này đã va phải đá ngầm trên hành trình đến đảo Giglio, Italia khiến cho hơn 4000 hành khách và thủy thủ đoàn phải sơ tán khỏi tàu.

Theo ông Torsten Jeworrek, thành viên HĐQT Munich Re, tàu Costa Concordia có trị giá 500 triệu USD đã được bồi thường toàn bộ, tuy nhiên các chi phí liên quan đến công tác cứu hộ, trục vớt vẫn tiếp tục phát sinh.

Động đất tại Trung Quốc – thảm họa thiên nhiên gây thiệt hại lớn nhất tháng 7

altTheo báo cáo từ bộ phận Dự đoán Tác động, thuộc Aon Benfield, trận động đất 5,9 độ richte tại tỉnh Cam Túc hồi tháng 7 vừa qua làm chết 95 người, bị thương 2.840 người, phá hủy 80.000 ngôi nhà và gây ra thiệt hại kinh tế lên tới 20 tỷ Nhân dân tệ (3,25 tỷ USD).

Cũng trong tháng 7 tại Châu Á, trận động đất mạnh 6,1 độ richte tại Indonesia khiến cho 39 người thiệt mạng, hơn 2.362 người khác bị thương.

Bên cạnh đó, mùa mưa lụt tháng 7 cũng gây thiệt hại nặng tại các nước châu Á. Tại Trung Quốc đã có 225 người chết và thiệt hại kinh tế trên 1 tỷ USD, tại Ấn Độ đã có 174 người thiệt mạng. Mưa lũ lớn cũng đã xảy ra và gây tổn thất lớn ở nhiều nước, như Indonesia, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, Nhật Bản, và Triều Tiên.

Tại Niu Di-lân, trận động đất 6,5 độ richte xảy ra tại eo biển Cook gây ra một số thiệt hại nhỏ tại đảo Bắc và đảo Nam nước này. Có 4 người bị thương và ít nhất 3.128 khiếu nại bảo hiểm đã phát sinh, với tổng chi phí bồi thường ước tính là 50 triệu NZD (khoảng 40 triệu USD).

BTV (tổng hợp).

Bảo Hiểm Bảo Việt

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.