Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho vay sai cả ngàn tỉ đồng

Quản lý khoản tiền khổng lồ do người lao động trên cả nước đóng góp nhưng BHXH Việt Nam đã lộ ra nhiều vấn đề trong quản lý khiến hàng trăm tỉ đồng khó có khả năng thu hồi

Theo kết luận tại kỳ họp thứ 16 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa công bố, Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam và một số lãnh đạo cơ quan này có khuyết điểm, vi phạm đến mức phải xem xét trách nhiệm.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thống nhất giao cho đoàn kiểm tra thực hiện quy trình xem xét, xử lý kỷ luật đối với tập thể Ban Cán sự Đảng và cá nhân một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo BHXH Việt Nam theo từng thời kỳ; tiếp tục xem xét, kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với một số tổ chức Đảng có liên quan, báo cáo ủy ban xem xét tại kỳ họp sau.

Tự mày mò để làm?

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 22-11, ông Nguyễn Đình Khương, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết chưa nhận được kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Tuy nhiên, những vấn đề tại BHXH Việt Nam đến giờ vẫn chủ yếu liên quan đến việc đơn vị này cho Công ty Cho thuê tài chính II (ALCII) thuộc Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) vay tiền và chưa thu hồi được.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng tại BHXH Việt Nam. Theo đó, số tiền ALCII vay của BHXH Việt Nam là 1.010 tỉ đồng; đến thời điểm 31-12-2011 còn nợ BHXH Việt Nam 787,5 tỉ đồng tiền gốc (trong đó nợ quá hạn là 357,5 tỉ đồng) cùng 264,5 tỉ đồng tiền lãi không có khả năng thanh toán. Việc cho vay là căn cứ trên văn bản thỏa thuận giữa BHXH Việt Nam và Agribank trên nguyên tắc có sự bảo lãnh trước lúc vay (Agribank 3 lần bảo lãnh vay tiền). Thanh tra Chính phủ cho rằng việc BHXH Việt Nam cho ALCII vay tiền là sai đối tượng.

Theo ông Khương, trước năm 2010 chưa có những quy định chi tiết về hoạt động đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng các quỹ bảo hiểm do BHXH Việt Nam quản lý nên lãnh đạo BHXH đã tự mày mò để làm cho đến khi sự việc này xảy ra. Sau thời điểm này, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 04/2011 về quản lý tài chính đối với BHXH Việt Nam và Bộ Tài chính cũng ban hành các thông tư hướng dẫn quy định chi tiết về hoạt động đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng các quỹ bảo hiểm do BHXH Việt Nam quản lý. Đến đầu năm 2011, BHXH Việt Nam cũng thành lập ban chuyên trách đầu tư quỹ để quản lý nguồn quỹ nhằm tránh xảy ra những việc tương tự.

Ông Khương cũng nói nếu ALCII không có khả năng thanh toán, Agribank phải có trách nhiệm trả nợ thay bởi trong các thư bảo lãnh, ngân hàng này đều nêu rõ sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ về việc vay, sử dụng và hoàn trả vốn, lãi đúng kỳ hạn của tất cả các hợp đồng do Agribank trực tiếp đi vay hoặc các chi nhánh cấp I, các công ty trực thuộc vay vốn của BHXH Việt Nam do tổng giám đốc Agribank ký bảo lãnh. “Nếu khoản vay nói trên không được thanh toán đầy đủ, BHXH Việt Nam sẽ khởi kiện ALCII và Agribank ra tòa” – ông Khương khẳng định.

Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm

Thanh tra Chính phủ phát hiện các vụ tiêu cực trong ngành BHXH và BHYT tuy không tăng về số vụ nhưng số tiền vi phạm năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể: năm 2010 có 9 vụ vi phạm với số tiền sai phạm hơn 9,8 tỉ đồng; năm 2011 có 9 vụ nhưng số tiền sai phạm hơn 19 tỉ đồng. Việc xử lý cán bộ vi phạm, người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng, tiêu cực của hệ thống BHXH chưa triệt để. Năm 2010, BHXH Việt Nam chưa xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong 6 vụ việc, năm 2011 là 3 vụ việc.
 
 
Các khoản tiền sai phạm thu nộp về ngân sách Nhà nước chưa đạt yêu cầu, các khoản chi phí không được quyết toán trong giá trị công trình hoàn thành chưa thực hiện xong; bên cạnh đó, còn làm 58 hợp đồng cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất cơ bản với số tiền chênh lệch hơn 26 tỉ đồng, 13 hợp đồng cho vay lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay cùng thời điểm (do BHXH Việt Nam cho vay) với số tiền chênh lệch 43,2 tỉ đồng chưa xử lý.

Thanh tra Chính phủ cho rằng trách nhiệm thuộc về thủ trưởng các đơn vị thuộc BHXH Việt Nam, giám đốc BHXH các tỉnh, thành, huyện, quận xảy ra các sai phạm, tiêu cực và trách nhiệm trong quản lý điều hành của tổng giám đốc BHXH Việt Nam qua từng thời kỳ.

Theo ông Nguyễn Đình Khương, bộ máy của BHXH rất lớn, cồng kềnh theo ngành dọc từ Trung ương xuống địa phương. Trong mỗi vụ việc lại có một vấn đề khác nhau, có vụ thuộc trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan BHXH, có vụ thuộc bên ngoài (?!). “Không thể nói BHXH Việt Nam quản lý lỏng lẻo được. Chúng tôi đều có hướng dẫn cụ thể nhưng khối lượng công việc lớn, cả bộ máy có tới hơn 20.000 cán bộ thì cũng có thể xảy ra chỗ này chỗ kia. Đây là quỹ của người lao động nên đúng là rất nhạy cảm” – ông Khương thừa nhận.

Ông Khương cũng cho biết Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản chỉ đạo đơn vị này sớm họp kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan.
 

Agribank đã trình phương án xử lý nợ

Theo văn bản mới nhất gửi BHXH Việt Nam, Agribank cho biết đã xây dựng và trình phương án xử lý nợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của ALCII và được Ngân hàng Nhà nước thống nhất phương án trình Chính phủ. Agribank sẽ có trách nhiệm thực hiện các khoản vay BHXH Việt Nam của ALCII theo phương án Thủ tướng phê duyệt, đồng thời chỉ đạo ALCII tập trung mọi nguồn thu để trả nợ các khoản vay quá hạn thanh toán của BHXH.

 
Theo KHÁNH ANH – THẾ KHA
Bảo Hiểm Bảo Việt
Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.