Vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo “Bảo hiểm thất nghiệp – Thực trạng và các khuyến nghị chính sách”. Được triển khai từ năm 2009 đến nay, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là một chính sách góp phần bảo đảm an sinh xã hội, mang nhiều ý nghĩa nhân văn nhưng cũng cần hoàn thiện hơn để bảo đảm quyền lợi của người lao động. Số thu BHTN không ngừng tăng qua các năm cả về số người và số tiền. Năm 2009, số người tham gia gần 6 triệu người với hơn 3.500 tỷ đồng thì đến năm 2012 có 8,3 triệu người tham gia với số tiền gần 8000 tỷ đồng, kết dư quỹ hết năm 2012 là 24.000 tỷ đồng.
Người lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tại TP Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: “Chỉ tính riêng năm 2012, số người đăng ký thất nghiệp gần 500.000 người nhưng chỉ có hơn 420.000 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, gần 5000 người được hỗ trợ học nghề. Hằng tháng, số người được hỗ trợ nghề trên tổng số người có quyết định được hưởng BHTN cũng rất thấp, đạt 0,17% năm 2010 và 1,13% trong năm 2012. Độ tuổi bị mất việc nhiều nhất là từ 25 đến 40 tuổi, nữ giới có nguy cơ mất việc làm cao hơn nam giới”. Qua số liệu trên, rõ ràng BHTN chưa đạt được kết quả như mong muốn, kết dư quỹ rất cao nhưng số người được học nghề lại không được bao nhiêu, người lao động chỉ quan tâm đến tiền trợ cấp. Hiện tại, các cơ quan chức năng không thống kê được số lao động quay trở lại thị trường lao động.
BHTN đứng trước yêu cầu phải đẩy mạnh cải cách và đổi mới theo hướng mở rộng đối tượng, thuận lợi cho người lao động, đặc biệt là nhóm lao động trong khu vực phi chính thức. Giải quyết việc làm gắn với BHTN cần tránh chia cắt, phiền phức và thiếu chặt chẽ như hiện nay. Đối tượng tham gia BHTN không chỉ tập trung cho loại hình bắt buộc mà còn phải có tự nguyện, ngoài chính thức còn có khu vực phi chính thức. Theo bà Ngô Thị Loan, Điều phối viên quốc gia về BHTN của ILO tại Việt Nam, ở nước ta, mức đóng 1% quỹ BHTN được chia đều cho người lao động, doanh nghiệp và Chính phủ nhưng ở Hoa Kỳ, chỉ có doanh nghiệp đóng 3,2%, còn ở Nhật Bản, người lao động chỉ đóng 0,6% còn Chính phủ phải đóng 25% tổng mức chi. ILO cho rằng, các nhóm lao động dễ bị tổn thương cần được quan tâm là lao động thời vụ, lao động giúp việc gia đình, lao động nước ngoài tìm việc lần đầu, người tự kinh doanh… Do vậy, BHTN cần được Chính phủ quan tâm đúng mức để người lao động giảm thiểu rủi ro cuộc sống, an tâm làm việc.
Theo Báo QĐND
Bảo Hiểm Bảo Việt