“Sẽ hối tiếc nếu không có bảo hiểm”
“Bệnh tật không chừa ai, dù giàu hay nghèo. Nếu bạn nghèo hoặc không nhiều tiền như tôi, bạn nghĩ ta sẽ phải làm sao? Hãy mua bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm nào đó về sức khỏe. Nếu bạn đang là người khỏe mạnh, chưa phát hiện bệnh tật gì cũng hãy thôi ngay suy nghĩ đóng bảo hiểm là tốn kém và chẳng có ích lợi gì. Tai ương ập đến với ai bất kỳ lúc nào và tiền bạc đội nón ra đi nhanh không tưởng tượng kịp…”, nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập trước khi qua đời vì bệnh ung thư (K) đã để lại một thông điệp.
“Sẽ hối tiếc nếu không có trong tay món bảo hiểm nào. Bảo hiểm y tế giúp bạn đỡ được 80% chi phí chữa bệnh (trừ việc tự mua những thuốc men từ nước ngoài). Còn các sản phẩm bảo hiểm khác từ các hãng thì tùy vào gói mà bạn mua. Nhớ nhé, lúc lâm nguy với bệnh đốt tiền nhanh như bệnh K, bạn mới thấy đầu tư vào bảo hiểm là không thừa”.
Thông điệp trên đã nhận được hàng vạn lượt like, hưởng ứng việc mua bảo hiểm để đề phòng rủi ro. Khi mắc bệnh hiểm nghèo mới nghĩ đến mua bảo hiểm nhân thọ/sức khoẻ thì đã muộn, vì sẽ không được hưởng quyền lợi bảo hiểm.
“Ung thư tài chính” sẽ kéo theo “ung thư tinh thần”
Với bệnh nhân K, tinh thần tốt được coi là liều thuốc số 1. Tuy nhiên, chi phí điều trị bệnh này rất cao, nhiều thuốc điều trị ung thư nói riêng, bệnh hiểm nghèo nói chung không nằm trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả, người bệnh phải tự chi trả 100%. Do đó, nếu không có bảo hiểm sức khỏe, dẫn đến kiệt quệ về kinh tế, thì bệnh nhân sẽ khó duy trì tinh thần ấy. Khi đó, “ung thư tài chính” có thể dẫn đến “ung thư tinh thần”, nhiều khi còn đáng sợ hơn cả ung thư thể xác, chưa kể đến nỗi lo lắng của người thân.
Vậy nhưng, lâu nay, đa số người dân chưa quan tâm đến việc mua bảo hiểm, luôn nghĩ bệnh tật sẽ không xảy ra với mình, với lập luận “khỏe như này, đâu cần mua bảo hiểm”. Không ít người băn khoăn về phí mua bảo hiểm, coi bảo hiểm là chuyện của người khá giả, nhưng lại không ngần ngại chi quá tay cho một cuộc nhậu hoặc một lần đi shopping.
“Để bảo hiểm cho con, chỉ cần 1 triệu đồng/tháng, 20 năm sau sống vui/khỏe, lấy lãi và gốc vài trăm triệu đồng, ngoài ra còn phòng trường hợp người trụ cột không may mắc bệnh hiểm nghèo, tiền không nộp được để theo tiếp hợp đồng thì con mình vẫn được đảm bảo về tài chính. Thế nhưng, họ lại kêu không có tiền, trong khi cứ thấy hàng sale (giảm giá) là nhảy bổ vào mua”, chị Lê Thương, tư vấn viên tài chính, Bảo Việt Nhân thọ chia sẻ.
Không phủ nhận, tại Việt Nam, người nghèo và người thu nhập thấp chiếm đa số, nhưng theo các DN bảo hiểm và các chuyên gia trong lĩnh vực này, bảo hiểm y tế là dành cho mọi tầng lớp, quan trọng là khách hàng có ý thức được quyền lợi để mua hay không. Ngoài bảo hiểm y tế bắt buộc hay tự nguyện do Bảo hiểm xã hội cấp, thì còn có bảo hiểm sức khỏe từ 17 hãng bảo hiểm nhân thọ, với quyền chọn đa dạng. Dù thu nhập thấp, đóng bảo hiểm ở mức thấp, nhưng cũng sẽ hỗ trợ tài chính đáng kể trong trường hợp rủi ro xảy ra.
Mức độ quan tâm của người dân đối với bảo hiểm thấp còn do thực tế đồng tiền mất giá sau khi tất toán hợp đồng và do bảo hiểm áp dụng “thời gian chờ” mới được hưởng quyền lợi (mắc bệnh trong thời gian đầu của hợp đồng bảo hiểm sẽ không được hưởng quyền lợi bảo hiểm). Ngoài ra, một số sản phẩm bảo hiểm áp dụng chi trả cho bệnh nhân ở giai đoạn cuối, còn giai đoạn đầu thì không, hoặc giới hạn số lần nằm viện theo bệnh…
Trong khi đó, số liệu thống kê cho thấy, hàng năm, Việt Nam có gần 200.000 bệnh nhân ung thư mới và 75.000 người chết vì căn bệnh này. Một số tổ chức đánh giá, con số thực tế còn lớn hơn và dự báo, số người mắc bệnh và tử vong vì ung thư sẽ tăng nhanh trong vòng 10 năm tới, do tình trạng ô nhiễm môi trường và độc tố trong thực phẩm ngày càng đáng báo động.
Bài toán cho các DN bảo hiểm tới đây là khắc phục các điểm hạn chế nêu trên để sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, một sản phẩm nhân văn, thực sự vì con người này đến gần hơn với đông đảo người dân.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo tinnhanhchungkhoan.vn)