Đây là một trong những ý kiến của Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo tại Hội thảo khảo sát về gói dịch vụ y tế cơ bản (GDVYTCB) và phương thức chi trả BHYT tại Việt Nam do Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và Cơ quan Hợp tác quốc tế của Nhật Bản (JICA) phối hợp tổ chức ngày 01/03/2016, tại Hà Nội. Tham dự Hội thảo còn có Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, một số chuyên gia quốc tế nghiên cứu về an sinh xã hội đến từ các tổ chức quốc tế như World Bank, Tổ chức Y tế Thế giới WHO…
Toàn cảnh Hội thảo.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, trong thời gian qua, với sự hỗ trợ tích cực về tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, đặc biệt của Cơ quan hỗ trợ Phát triển Luxembourg thông qua Dự án VIE027, Cơ quan hỗ trợ phát triển Hoa Kỳ thông qua Tổ chức quản trị và tài chính y tế (HFG), Bộ Y tế đã triển khai các hoạt động xây dựng GDVYTCB theo lộ trình: thành lập Ban chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, tiến hành thu thập các thông tin, số liệu thống kê BHYT làm cơ sở để xây dựng GDVYTCB và các phương thức chi trả trong giai đoạn tiếp theo. Về đổi mới phương thức chi trả, Bộ Y tế cũng phối hợp chặt chẽ với BHXH Việt Nam để triển khai chi trả theo định suất (mới), thí điểm thanh toán theo nhóm chẩn đoán. Đây là những nội dung khó, không chỉ về kỹ thuật mà đòi hỏi phải thay đổi tư duy, phương thức quản lý của các cơ sở cung ứng dịch vụ y tế và cơ quan BHXH các cấp. Do vậy, sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính, việc chia sẻ bài học kinh nghiệm của các nước và các tổ chức quốc tế là hoạt động hết sức cần thiết.
Hiện nay, cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đang hỗ trợ khảo sát các thông tin liên quan đến GDVYTCB và các phương thức chi trả, từ đó xây dựng một dự án hợp tác lâu dài hỗ trợ Bộ Y tế hoàn thiện mô hình về phương thức chi trả. Đây là một nội dung quan trọng trong dự thảo Chiến lược Tài chính y tế tại Việt Nam hướng tới chăm sóc sức khỏe toàn dân. Quá trình được bắt đầu triển khai thực hiện từ tháng 11/2015 và dự kiến sẽ kết thúc trong khoảng tháng 07/2016. Qua quá trình khảo sát ban đầu, nhóm chuyên gia nghiên cứu của JICA đã bước đầu thu thập được một số thông tin khái quát về hệ thống BHYT của Việt Nam như lịch sử hình thành, phát triển chính sách BHYT tại Việt Nam, cơ chế, bộ máy quản lý BHYT hiện nay; kế hoạch, lộ trình tăng độ bao phủ, hướng tới thực hiện BHYT toàn dân, cơ cấu các nhóm tham gia; cơ cấu chi phí thanh toán BHYT; hệ thống các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT; những thách thức với quản lý BHYT của Việt Nam từ việc già hóa dân số, tình trạng đa bệnh tật của người dân… Những nét khái quát về hệ thống BHYT của Nhật Bản cũng được các nhóm chuyên gia nghiên cứu của JICA chia sẻ, trao đổi tại Hội thảo và nhận được nhiều sự quan tâm, trao đổi của các đại biểu tham dự, bao gồm quá trình xây dựng chính sách, cấu trúc bộ máy quản lý BHYT; hệ thống cơ sở chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh BHYT, cơ quan giám định BHYT; tổng quan hệ thống giá dịch vụ y tế; phương thức khảo sát, điều tra phục vụ cho quá trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế; quy trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Các vấn đề liên quan đến phương thức chi trả BHYT; cách tính và cơ chế điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT, kiểm soát chi phí thuốc BHYT…
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn nhận định, việc xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản phải nằm trong chiến lược bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, tạo thuận lợi thực hiện BHYT toàn dân. Do vậy, quá trình xây dựng cần tiếp cận, nghiên cứu, đánh giá đa chiều, lưu ý sự tác động đến các nhóm đối tượng khác nhau, nhất là nhóm lao động phi chính thức – hiện chưa được hỗ trợ tham gia BHYT. Những khuyến nghị được đưa ra bởi nhóm chuyên gia của JICA rất hữu ích, nhất là những chia sẻ về bài học kinh nghiệm quản lý BHYT, quy định tính, điều chỉnh giá dịch vụ BHYT của Nhật Bản. Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn mong rằng, nhóm chuyên gia của JICA tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Y tế, BHXH Việt Nam tập trung nghiên cứu, làm rõ những nội dung liên quan đến việc xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam; cùng hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ BHYT, bảo đảm chặt chẽ quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT của người dân.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo nhấn mạnh: Gói dịch vụ y tế cơ bản được xây dựng và thực hiện trong tổ chức khám, chữa bệnh BHYT sẽ đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT, ngân sách và mức đóng BHYT. Qua đó, bảo đảm sự công bằng, tính bền vững của chính sách an sinh xã hội. Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới cũng cho thấy, việc xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản là yếu tố bảo đảm mở rộng bao phủ chăm sóc y tế toàn dân.
Phó Tổng Giám đốc cho rằng, gói dịch vụ y tế cơ bản phải đáp ứng các yêu cầu về phạm vi đối tượng hưởng, khả năng cung ứng dịch vụ y tế cơ bản của các cơ sở y tế, mức độ áp dụng, việc phân bổ nguồn kinh phí cho các dịch vụ thuộc gói dịch vụ y tế cơ bản, cơ chế chi trả… Bên cạnh đó cần lưu ý đến các quy định như: BHXH thanh toán 100% cho người nghèo, người dân tộc thiểu số dang sinh sống tại khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, người bệnh có thời giam tham gia 05 năm liên tục… Việc xác dịch vụ kỹ thuật y tế cơ bản để cung cấp cho đại bộ phận dân số thì việc thống kê các dịch vụ kỹ thuật, thuốc,.. đã và đang cung cấp cho người bệnh tại các tuyến là hết sức quan trọng./.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo baohiemxahoi.gov.vn)