Theo thống kê mới nhất của Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, có đến 40% người trên 60 tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế.
Trong khi đó, người cao tuổi lại hay mắc các bệnh mãn tính, bệnh sa sút trí tuệ phải điều trị trong thời gian dài và chi phí khám chữa tăng cao (gấp 7-10 lần người trẻ tuổi), sẽ trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình.
ThS. Lê Minh Quang, Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam cho biết, hiện nay, người cao tuổi Việt Nam có tuổi thọ tăng; 30% người cao tuổi sống một mình hoặc sống cùng vợ/chồng cũng là người cao tuổi;Theo Hội Y tế công cộng Việt Nam, tại khu vực nhà nước hiện còn thiếu hệ thống dịch vụ chăm sóc người cao tuổi; cơ cấu tổ chức và năng lực chăm sóc người cao tuổi chưa đáp ứng yêu cầu; chưa có chính sách tốt trong khám và chăm sóc người cao tuổi tại nhà.
Hiện, người cao tuổi đang chiếm khoảng 10% trên tổng dân số cả nước và được dự báo là sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.
Thạc sỹ Lê Minh Quang đề nghị ngành y tế tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu (phòng bệnh) cho người cao tuổi, có tính đến sự khác biệt giới; nâng cao tỷ lệ người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, đa dạng hóa các hình thức bảo hiểm bao gồm bảo hiểm chăm sóc lâu dài.
Đồng thời, tăng cường năng lực quốc gia về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cả nam và nữ (bao gồm chăm sóc tại bệnh viện, nhà dưỡng lão, chăm sóc tại nhà và cộng đồng); phát triển hệ thống chăm sóc lâu dài; thúc đẩy mạng lưới công tác xã hội.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo vnmedia)