Chưa đến 1% tài sản công được bảo hiểm rủi ro thiên tai

Đây là nội dung được đưa ra tại hội thảo bảo hiểm tài sản công, huy động nguồn lực từ thị trường bảo hiểm góp phần bảo vệ tài chính, ngân sách Nhà nước.

Chiều 18/7, tại Huế, Bộ Tài chính đã tổ chức hội thảo bảo hiểm tài sản công, huy động nguồn lực từ thị trường bảo hiểm góp phần bảo vệ tài chính, ngân sách Nhà nước.

Con số công bố tại hội thảo cho thấy, chưa đến 1% số đơn vị quản lý sử dụng tài sản công đã mua bảo hiểm trong thời gian qua, chủ yếu trong đó là những tài sản có giá trị cao như vệ tinh Vinasat, thủy điện Sơn La, Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Hầu hết các tài sản có rủi ro cao trước thiên tai như cầu đường, trường học, trạm y tế đến nay vẫn chưa mua bảo hiểm. Do vậy, khi có rủi ro xảy ra, các công trình này chỉ dựa vào kinh phí của ngân sách để khắc phục, sửa chữa nên vừa chậm, vừa thiếu.

Theo Ngân hàng thế giới, thiệt hại do thiên tai gây ra đối với một số loại tài sản công của Việt Nam trong những năm gần đây ước lên tới gần 11.000 tỷ đồng/năm. Thời gian qua, các thiệt hại này được khắc phục chủ yếu bằng khoản dự phòng của ngân sách với tỷ lệ từ 2 – 5% tổng chi ngân sách hàng năm. Tuy nhiên, mức này chỉ đảm bảo hỗ trợ 30% giá trị thiệt hại và chủ yếu nhằm cứu trợ khẩn cấp, chưa đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động phục vụ người dân.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu các tài sản công tham gia bảo hiểm mọi rủi ro bao gồm cả rủi ro thiên tai thì tổng phí bảo hiểm hàng năm vào khoảng 1.330 tỷ đồng, bằng 15% kinh phí hỗ trợ khắc phục thiên tai hàng năm mà ngân sách đang phải bỏ ra. Khi có thiệt hại xảy ra, các tài sản công sẽ được các doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường, không cần phải sử dụng ngân sách như hiện nay. Do vậy, một kiến nghị đã được đưa ra trong hội thảo là nên có quy định về bảo hiểm bắt buộc đối với các loại tài sản công nhằm đảm bảo tất cả các tài sản này đều được bảo hiểm bảo vệ.

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo vtv.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.