Trụ đỡ “ngân-chứng-bảo”

Ngân hàng, CK rồi đến bảo hiểm lần lượt đã trở thành những “đầu kéo” của TTCK trong thời gian qua. Sự bùng nổ của VCB, BID hay SSI, HCM rồi BVH, BMI đã tạo ra những cơ hội và sự hưng phấn cho NĐT. Nhóm CP nào sẽ trở thành “đầu kéo” của TTCK trong thời gian tới đây?

Bộ 3 trụ đỡ

Xu hướng tăng của TTCK trong thời gian qua là dòng tiền tập trung vào từng nhóm CP, thậm chí từng CP để tăng thay vì trải rộng. Vậy nên nếu dòng tiền không tìm thấy được mục tiêu hoặc NĐT chọn sai CP đều có thể gây ra những hệ quả không tốt. Khoảng 2 tháng trước, BVH chỉ mới có giá 3.3, nhưng vào ngày 14-7 vừa qua CP này đã tăng trần lên mức đỉnh của 3 năm là 6.6. BVH vừa là đầu kéo cho nhóm CP bảo hiểm và cũng là tác nhân quan trọng đến điểm số của VN Index.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch 15-7, BVH đã giảm từ 6.6 xuống còn 6.2. BIC cũng là một CP thuộc nhóm bảo hiểm vốn đã tăng rất mạnh trước đó cũng đã giảm khá mạnh, trong khi BMI dù vẫn tăng nhưng không duy trì được mức tăng trần như trong phiên. CP bảo hiểm đã tăng khá mạnh chỉ trong thời gian khoảng 2 tuần gần đây nên việc điều chỉnh là tất yếu.

Chưa cần bàn đến việc nhóm này có tiếp tục tăng hay không, nhưng một quãng nghỉ là cần thiết và bắt buộc để định hình một mặt bằng giá mới cũng như để thị trường tích lũy thêm. Ngoài ngân hàng, CK, bảo hiểm, MSN và VNM cũng góp phần tích cực cho thị trường khi có những phiên tăng mạnh. Nhóm dầu khí cũng thể hiện vai trò của mình trong một số thời điểm dù chưa mạnh như cách đây 1 năm.

Khi TTCK hết “đầu kéo”, khả năng tăng tiếp sẽ phần nào bị ảnh hưởng, dòng tiền sẽ trở nên dè dặt hơn vì chưa chọn được một mã CK nào đáng giải ngân.

VN Index đã tăng khoảng 100 điểm, gần 25% chỉ trong vòng 2 tháng có thể là một sức ép. Ngày hôm qua 15-7, VN Index đã giảm gần 8 điểm xuống sát 630 điểm, là một ngưỡng hỗ trợ khá quan trọng của thị trường.

Trong những lần “vượt chướng ngại vật” vừa qua, VN Index thường có thói quen lùi 1 bước tiến 3 bước, chẳng hạn như tăng sát đến 600 giảm về 590 điểm, rồi lại vượt qua 600 một cách thuyết phục. Trong những lần VN Index vượt 620 rồi 630 điểm cũng có diễn biến tương tự.

Vậy nên, phiên điều chỉnh ngày 15-7 vẫn nhận được những đánh giá tích cực khi 630 điểm được giữ vững và kỳ vọng ngưỡng 640 điểm sẽ tiếp tục được chinh phục. Như vậy, để VN Index tiếp tục tăng, thị trường sẽ phải có động lực, gần nhất nằm ở yếu tố KQKD mà tới thời điểm này vẫn chưa bộc lộ ra nhiều. Các yếu tố hỗ trợ khác như TPP hay mở room đã được phản ánh trong thời gian qua và thực chất sẽ còn là một chặng đường dài để tạo ra những ảnh hưởng rõ nét.

Các CP thuộc nhóm ngân hàng, CK, bảo hiểm hay các blue chip lớn sau một thời gian tăng giá tích cực đã và đang đóng vai trò trụ đỡ cho thị trường, thỉnh thoảng xuất hiện một đợt tăng tích cực, nhưng lại rất ngắn, chủ yếu đóng vai trò “trụ đẩy”. Nhìn chung trong nhóm CP có “số má” hiện nay chỉ còn bất động sản (BĐS) chưa thực sự nổi sóng.

Có thể là “đầu kéo” BĐS

Nếu nhìn vào nhóm CP bảo hiểm, chỉ trong một thời gian ngắn đã tăng như chưa bao giờ được tăng, NĐT hoàn toàn có thể kỳ vọng vào nhóm CP BĐS cũng có những diễn biến tương tự. Thậm chí, so về sự bùng nổ, số lượng, chất lượng hàng hóa nhóm BĐS không hề thua kém một nhóm CP nào khác trên thị trường. Có thể nói CP BĐS tích lũy càng lâu, khi đến thời điểm bùng nổ sẽ tăng càng mạnh. Xét về yếu tố ngành, BĐS đang trong giai đoạn phục hồi.

Và mùa BCTC quý II cũng như bán niên 2015 sẽ là minh chứng rõ nét cho sự phục hồi này. Nhưng cũng có ý kiến tỏ ra e dè khi cho rằng, một nhóm CP BĐS liệu có thể tạo nên sự khác biệt, thậm chí đi ngược với thị trường. So với các nhóm CP khác, dù số lượng của BĐS rất đông đảo nhưng số lượng CP có ảnh hưởng mạnh đến VN Index nói riêng và TTCK lại không nhiều. Vì vậy, khả năng CP BĐS có thể đảo chiều, tác động tích cực đến điểm số của TTCK, qua đó củng cố tâm lý NĐT và hút dòng tiền vẫn còn để ngỏ.

NĐT vẫn còn nhiều cơ hội khi VN-Index chưa chinh phục đỉnh 640. Ảnh: LONG THANH

Đó là còn chưa kể CP BĐS vốn nhận được rất nhiều kỳ vọng từ đầu năm 2015, nhưng đến nay những gì thể hiện lại kém khá xa so với kỳ vọng, điều này sẽ khiến niềm tin của NĐT bị ảnh hưởng. NĐT nào giữ CP BĐS nếu thấy thị trường không thuận lợi có thể bán ra, trong khi bên mua dù thấy rẻ vẫn tỏ ra thận trọng. Vậy nên trong trường hợp TTCK bước vào một đợt điều chỉnh, khả năng bùng nổ của CP BĐS sẽ còn thấp hơn.

Bởi khi thị trường chung không thuận lợi, NĐT sẽ có xu hướng đứng ngoài. Như vậy, điều kiện cần để CP BĐS có thể bùng nổ là TTCK ít nhất phải duy trì được một xu hướng tích cực, trong ngắn hạn có thể giữ vững được mốc 600 điểm. Còn điều kiện đủ, chính là các công ty BĐS sẽ phải công bố BCTC quý II tích cực để tạo ra niềm tin cho NĐT.

Trong một chừng mực nào đó, nếu CP BĐS không thể đóng vai trò đầu kéo cho TTCK trong thời gian sắp tới, nhiều khả năng thị trường sẽ phải có những đợt điều chỉnh để cân bằng cung-cầu, cũng như đưa CP về một mức giá hợp lý hơn.

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo saigondautu.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.