Prudential và trách nhiệm thực sự của một công ty bảo hiểm?

Mới đây, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh ra cáo trạng truy tố Bùi Thị Thu Hằng và các đồng phạm trong vụ siêu lừa chấn động tỉnh Quảng Ninh từ năm 2011. Cáo trạng hoàn toàn không đề cập đến quyền lợi của các bị hại, ai là người phải chịu trách nhiệm bồi thường? Prudential là pháp nhân có nghĩa vụ và trách nhiệm liên đới trong vụ án này.

Trả lại quyền lợi cho đất mỏ

Đơn kêu cứu của ông Hà Văn Tiến và nhiều người khác cho biết do tin tưởng vào thương hiệu bảo hiểm Prudential, kỳ vọng nhầm vào những chiêu lừa của đại lý Bùi Thị Thu Hằng, họ tham gia mua các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ (BHNT) của Prudential khiến nhiều gia đình đang quay cuồng đứng trước nguy cơ bị đẩy ra đường. Họ cũng bày tỏ nỗi thất vọng, bức xúc và cho rằng cáo trạng của Viện kiểm sát tỉnh Quảng Ninh đưa ra thiếu khách quan, truy tố chưa đúng người, đúng tội, để lọt tội phạm. Đặc biệt theo đơn của ông Hà Văn Tiến, cáo trạng của Viện kiểm sát tỉnh Quảng Ninh chưa hề đề cập đến trách nhiệm của chính bản thân Công ty (Cty) Prudential và quyền lợi của các bị hại cũng không hề được cáo trạng nhắc tới. Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã trả lại cáo trạng để công an tỉnh điều tra lại.

Theo cáo trạng, ngày 20-8-2009, Bùi Thị Thu Hằng làm đại lý cho Cty TNHH BHNT Prudential Việt Nam (có hợp đồng ký với ông Nguyễn Khắc Thành Đạt, Giám đốc phụ trách kinh doanh), với mã số đại lý 60203737 (DR1-Z67-D12-QN1). Quá trình thực hiện hợp đồng, đến tháng 4-2010, Hằng nảy sinh ý đồ làm giả các bộ hợp đồng BHNT và chứng từ hồ sơ liên quan, để lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng. Từ tháng 4-2010 đến tháng 9-2011, Bùi Thị Thu Hằng đã giả mạo là Giám đốc văn phòng phát triển kinh doanh khu vực Quảng Ninh, thuê nhà làm trụ sở, cấu kết với một số đối tượng hành nghề cắt tóc, trang điểm của Nguyễn Văn Hùng (chồng Hằng) giả mạo là đại lý; thống nhất sử dụng chiêu bài tiếp thị người dân mua lại hợp đồng BHNT của các khách hàng mua trước, nhưng hủy ngang để duy trì tiếp hợp đồng này, khi hết hạn hợp đồng (thời hạn từ 25 ngày đến 90 ngày) sẽ được hưởng toàn bộ giá trị hợp đồng và nhận lãi suất “khủng” 50 – 53%. Ngoài ra, khách hàng bỏ ra 100 triệu đồng mua gói bảo hiểm hưu trí, mỗi tháng sẽ được “nhận lương”, chuyển vào tài khoản cá nhân 4 – 5,5 triệu đồng, hết thời hạn 20 – 30 năm sẽ được thanh toán tiền gốc. Đến lúc bị bắt, có 59 người trở thành nạn nhân của Hằng, với tổng số tiền bị lừa lên tới trên 231,625 tỷ đồng.

alt

Trần Thị Kim Lan làm việc với người bị hại

Ngó lơ trách nhiệm của Prudential

Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh hoàn toàn không nhắc đến quyền lợi của bị hại. Số tiền các bị hại bị lừa đã được xác định cụ thể, rõ ràng. Đây là phần án dân sự trong vụ án hình sự. Căn cứ theo Điều 28, Bộ luật Tố tụng hình sự thì phần án dân sự này đủ điều kiện đưa ra xét xử cùng với vụ án hình sự. Việc cáo trạng bỏ lọt quyền lợi của bị hại cũng như trách nhiệm liên đới của Cty Prudential cần phải được xem xét một cách nghiêm túc?! Lẽ nào quyền lợi của các bị hại cũng như trách nhiệm của Cty Prudential phải tách ra xét xử ở một vụ án khác, phiên tòa khác? Vì lí do gì?

Cũng theo cáo trạng, Cty Prudential đã giao nộp gần 1,5 tỷ đồng cho cơ quan điều tra. Đây là số tiền có nguồn gốc do Bùi Thị Thu Hằng trích từ tiền chiếm đoạt được của khách hàng nộp về Cty Prudential để lập “Hồ sơ thường”. Rõ ràng, số tiền mà Hằng lừa đảo có nộp về Cty Prudential.

Bùi Thị Thu Hằng là đại lý ủy quyền của Cty Prudential, Hằng vi phạm hợp đồng Đại lý với Prudential. Theo điều 88, Luật Kinh doanh Bảo hiểm thì Prudential phải là người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các bị hại đối với các hợp đồng được thực hiện trong thời gian Hằng đang là đại lý của Prudential

Một cơ sở pháp lý khác, theo điều 618, Bộ luật Dân sự thì Prudential với đầy đủ tư cách pháp nhân, phải bồi thường thiệt hại do người của mình (Bùi Thị Thu Hằng) gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Luật sư Chu Đông, Văn phòng Luật sư Chu Đông, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội – cho ý kiến: “Trong thời gian Bùi Thị Thu Hằng đang là đại lý của Cty Prudential thì Prudential phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các bị hại. Sau đó, Prudential có Đơn phản tố yêu cầu Bùi Thị Thu Hằng phải bồi hoàn số tiền mà mình đã bồi thường cho bị hại. Muốn được giải quyết ngay trong vụ án này, phía Cty Prudential phải có đơn yêu cầu”.

Đề nghị Cty BHNT Prudential phải chấn chỉnh lại quy trình tuyển dụng, đào tạo và quản lý đại lý của mình sao cho chặt chẽ và có hiệu quả.

Tiếp tay cho lừa đảo?

Chưa dừng lại ở đó, đơn của các bị hại còn tố cáo việc ông Đặng Minh Cường, Phó Giám đốc phát triển kinh doanh miền Bắc và bà Trần Thị Kim Lan, trưởng chi nhánh Cty bảo hiểm Prudential Quảng Ninh thiếu trách nhiệm với khách hàng của mình, có dấu hiệu đồng phạm, tiếp tay cho Hằng lừa đảo. Cụ thể: việc Hằng lấy danh nghĩa Cty Prudential tổ chức Lễ tri ân khách hàng 2 lần tại Quảng Ninh vào cuối năm 2010 và đầu 2011 đều có sự tham gia của ông Đặng Minh Cường và bà Trần Thị Kim Lan. Các bị hại cho biết, bà Lan từng thừa nhận có biết đến hoạt động mờ ám của Hằng. Thêm vào đó, cuối năm 2010, chị Nguyễn Thu Hiền ở phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, là đại lý của Prudential tại Quảng Ninh phát hiện ra những dấu hiệu sai phạm của đại lý Bùi Thị Thu Hằng. Chị Hiền gọi điện phản ánh với ông Đặng Minh Cường, Phó Giám đốc phát triển kinh doanh miền Bắc (tại Hà Nội) và bà Trần Thị Kim Lan, trưởng chi nhánh Cty bảo hiểm Prudential Quảng Ninh. Thế nhưng, sự việc không được quan tâm xử lý.

Tiếp đó, ngày 18-1-2011, bà Lê Thị Bé ở phường Hồng Hải, TP Hạ Long mang hợp đồng đến văn phòng đại diện của Prudential Quảng Ninh để đáo hạn. Phát hiện hợp đồng giả, Bà Lan đã lập biên bản thu giữ hợp đồng tại đây. Thế nhưng, thay vì việc thông báo rộng rãi đến khách hàng hành vi lừa đảo của Hằng, Prudential Việt Nam thiếu trách nhiệm, chọn giải pháp im, tạo điều kiện cho Hằng tiếp tục hành vi lừa đảo. Sự việc kéo dài đến ngày 15-6-2011, Prudential mới có đơn trình báo sự việc sang công an. Đến ngày 11-7-2011, Cty Prudential mới chấm dứt hợp đồng đại lý với Bùi Thị Thu Hằng. Sau khi chấm dứt hợp đồng đại lý với Hằng, Prudential tiếp tục im lặng. Thậm chí, thông tin này không được công bố trên website của Prudential. Tới 16-9-2011, đơn tố cáo việc Hằng lừa đảo mới được Cty gửi đến cơ quan công an.

Prudential che giấu vụ việc trước công luận, trước khách hàng vì mục đích giữ gìn thương hiệu? Giữ gìn thương hiệu theo cách của Prudential có phải là việc làm đúng đắn hay chỉ thêm mất lòng tin từ phía khách hàng, khi Prudential không kịp thời bảo vệ quyền lợi của khách hàng, cũng như giữ gìn thương hiệu của chính mình.

Bảo Loan

Bảo Hiểm Bảo Việt

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.