ác doanh nghiệp, đại lý bảo hiểm chạy đua giành thị phần, thị trường bảo hiểm xe máy trở nên bát nháo…
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe mô tô là loại hình bảo hiểm bắt buộc. Thời gian gần đây, lực lượng cảnh sát giao thông đẩy mạnh việc kiểm tra, xử phạt những người vi phạt luật giao thông và coi việc không có giấy chứng nhận bảo hiểm này là lỗi vi phạm. Vì vậy dẫn đến người dân xô đi mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe mô tô khiến các doanh nghiệp, đại lý bảo hiểm chạy đua giành thị phần, thị trường bảo hiểm xe máy trở nên bát nháo.
Lập lờ đánh lận con đen
Chỉ tính trên một quãng đường Nguyễn Thị Minh Khai, từ ngã tư Cách mạng Tháng Tám đến Trương Định đã có tới 3 điểm bán bảo hiểm xe máy ở lề đường. Nhìn chung, các điểm bán đều không có bàn ghế, chỉ có một tấm băng- rôn dựng ven đường với dòng chữ màu trắng nổi bật trên nền đỏ: Bảo hiểm xe máy: 20.000đ/năm.
Một cô gái trẻ, tự giới thiệu là Hiền, sinh viên nghỉ hè đi làm thêm-đứng bán bảo hiểm ở gần ngã tư Điện Biên Phủ- Trần Quốc Thảo – đưa ra một xấp Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe mô tô, xe máy để mời chúng tôi mua với giá 66.000 đ/chiếc. Khi chúng tôi thắc mắc sao quảng cáo trên băng-rôn chỉ 20.000đ, cô gái cười xòa: 20.000đ/năm là Bảo hiểm tai nạn cho người ngồi trên xe, còn bảo hiểm xe không có giá đó đâu chị ơi.
Như vậy, để lôi kéo người mua, những điểm bán bảo hiểm xe máy lề đường đã lập lờ đánh lận con đen giữa 2 loại hình bảo hiểm có tính chất hoàn toàn khác nhau, một bên là tự nguyện, một bên là bắt buộc. Nếu khách mua loại bảo hiểm bắt buộc thì mới được bán kèm bảo hiểm tự nguyện 20.000 đồng.
Quan sát tại một điểm bán trong vòng gần 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi nhận thấy có khoảng 5 khách ghé mua. Phần lớn người bán và người mua chỉ trao đổi vài câu ngắn gọn, người mua không hề được tư vấn về quyền lợi và nghĩa vụ của người tham gia bảo hiểm cũng như cách thức để được Bảo hiểm thanh toán tiền bồi thường khi có sự cố xảy ra.
Anh Vũ Tiến Cường, một người dân ngụ ở quận 1- thành phố Hồ Chí Minh vừa mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy ở lề đường Nguyễn Thị Minh Khai cho biết: “Mua bảo hiểm là để đối phó với công an, và khi đăng ký xe máy, bị bắt buộc mua luôn. Khi người ta bị, bên bảo hiểm phải làm thủ tục cho nhanh, sợ nhất là lâu và nhiêu khê. Với lại số tiền thu về cũng không đáng, thường là chỉ một phần mấy so với số tiền bỏ ra sửa xe”.
Tâm lý mua để đối phó của anh Cường cũng là tâm lý chung của nhiều người. Trên thực tế, nếu người tham gia giao thông chấp hành đúng luật lệ thì cảnh sát giao thông không dừng xe để kiểm tra Giấy chứng nhận bảo hiểm. Chỉ khi nào người lái xe vi phạm và không xuất trình được giấy tờ hợp lệ, trong đó có Giấy chứng nhận bảo hiểm mới bị xử phạt như 1 lỗi kèm theo với mức phạt 100.000 đồng cho một lần vi phạm.
Mới chỉ có giải pháp tình thế
Sự hiểu biết không đầy đủ của người mua bảo hiểm xe máy, một phần là do các công ty bảo hiểm chỉ mải lo chạy theo doanh thu mà xem nhẹ khâu tuyên truyền về quyền và lợi ích của khách hàng. Mặt khác, những điều khoản bắt buộc để được thanh toán thì không phải ai và lúc nào cũng đáp ứng được.
Lý giải về hiện tượng bảo hiểm tràn xuống lề đường, chị Phạm Thị Thu Hòa- phó Phòng Bảo hiểm xe cơ giới thuộc Công ty Bảo hiểm Pjico Bến Thành ( TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Thời gian qua, công an ra quân phạt nên người dân đổ xô đi mua. Các đại lý cũng nghĩ đến việc làm thế nào để bán được nhiều thẻ, không bán rải rác như trước đây. Bán được nhiều thì doanh thu vẫn tốt hơn”.
Trước hiện tượng bảo hiểm xe máy được bán tràn lan ở vỉa hè, vừa gây mất mỹ quan đô thị vừa khiến người dân có cái nhìn thiếu thiện cảm về một loại hình bảo hiểm vốn mang tính nhân văn, Tổng công ty Bảo hiểm Petrolimex-doanh nghiệp hiện có thị phần lớn nhất trong lĩnh vực bảo hiểm xe máy ở TP. Hồ Chí Minh đã thành lập Ban kiểm tra nhằm lập lại trật tự của việc bán lẻ thẻ bảo hiểm, tiến hành xử phạt những trường hợp vi phạm như khuyến mãi, giảm giá…
Tuy nhiên, việc làm nay cũng chỉ là giải pháp tình thế. Ông Hà Thanh Nam- Trưởng ban kiểm tra Bảo hiểm xe cơ giới của Pjico TP. Hồ Chí Minh cho rằng: “Dựng băng rôn, khuyến mãi, không tư vấn khách hàng… là thiếu chuyên nghiệp. Từ tháng 4 tới tháng 6, Pjico đã triển khai quyết liệt, sau này rầm rộ lên các hãng Bảo hiểm khác. Lúc đó, thị trường đã bát nháo, Cục giám sát bảo hiểm cũng đã vào cuộc nhắc nhở”.
Để việc mua bảo hiểm trở về đúng với mục đích tốt đẹp ban đầu là bảo vệ quyền và lợi ích của người tham gia giao thông, đồng thời đảm bảo chủ phương tiện phải có trách nhiệm đối với việc điều khiển xe của chính mình, các doanh nghiệp bảo hiểm cần nhanh chóng có biện pháp chấm dứt những hình thức bán bảo hiểm có tính lừa mị người tiêu dùng; đồng thời xem xét cải tiến quy trình giám định, bồi thường theo hướng nhanh chóng, thuận tiện hơn để củng cố niềm tin của những người tham gia bảo hiểm. Mặt khác, người dân khi có nhu cầu mua bảo hiểm cũng nên tìm đến các đại lý chính thức để được hướng dẫn và tư vấn đầy đủ, tránh hậu quả tiền mất tật mang ./.
Theo Hồng Thủy/VOV- TP HCM
Bảo Hiểm Bảo Việt