Luật sư Thái Văn Cách cho rằng, nên chủ động khắc phục thiệt hại thiên tai bằng cách dùng quỹ quyên góp, ủng hộ để mua bảo hiểm cho người dân vùng lũ.
Ngay sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai thì cơn bão số 2 năm 2013 đổ bộ vào đất liền. Năm ngoái, cơn bão Sơn Tinh gây thiệt hại khoảng 7.500 tỷ đồng. Nhiều cơn bão, lũ quét, lụt… xảy ra ở Việt Nam đã ghi dấu ấn sâu đậm về mức thiệt hại khổng lồ.
Thiên tai là bất thường, là bất khả kháng, chỉ có thể tránh, thực hiện các hoạt động hữu hiệu để nhằm giảm nhẹ thiên tai, giảm nhẹ mức độ thiệt hại và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Chính vì vậy, tại các phiên thảo luận về Luật Phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai trước khi biểu quyết, nhiều đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh đến vai trò bảo hiểm thiên tai trong việc hỗ trợ khắc phục hậu quả.
Hiện không có sản phẩm bảo hiểm riêng cho thiên tai, mà được “ẩn” trong các sản phẩm khác
Trên thế giới, nhiều nước có chính sách khuyến khích sự phát triển của các chương trình bảo hiểm đối phó với các rủi ro mang tầm quốc gia như bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm nông nghiệp để giảm gánh nặng bù đắp từ ngân sách và đã đạt được những kết quả nhất định.
Ở Việt Nam, chính sách hỗ trợ của Nhà nước sau khi thiên tai xảy ra thường có những tác động bất lợi, vì vậy, chính sách bảo hiểm trước khi thiên tai xảy ra được đánh giá là vừa có tính chủ động, vừa bảo đảm ổn định tài khoá và mang tính công bằng, khi tham gia bảo hiểm sẽ được bồi thường nếu tổn thất xảy ra nằm trong phạm vi bảo hiểm.
Theo tìm hiểu của ĐTCK, hiện các DN bảo hiểm không có sản phẩm riêng cho thiên tai, nhưng rủi ro thiên tai vẫn được bảo hiểm “ẩn” trong các sản phẩm khác như bảo hiểm nông nghiệp: vật nuôi, cây trồng, thủy sản, hoặc trong bảo hiểm tài sản đa phần đều có rủi ro thiên tai. Tất nhiên, ngoài rủi ro tàu thuyền bị chìm đắm, nhà cửa của người dân bị tốc mái, ướt thấm tường do mưa bão, lũ lụt… trong mỗi sản phẩm bảo hiểm, thì phạm vi bảo hiểm, các rủi ro bị loại trừ sẽ khác nhau.
Vấn đề là, đối với rủi ro thiên tai, không phải người dân không muốn mua bảo hiểm, mà đa số người dân ở vùng lũ không mua được, do phí cao so với thu nhập, mức sống của họ, trong khi một số loại tài sản không đáp ứng đủ yêu cầu để DN cấp đơn bảo hiểm. Trong khi đó, với tình trạng tài sản của người dân ở vùng lũ thì khả năng bồi thường là rất lớn, khiến nhiều DN bảo hiểm e ngại, nhất là trong bối cảnh các nhà tái bảo hiểm quốc tế thận trọng với việc nhận tái từ nghiệp vụ bảo hiểm tài sản tại Việt Nam và phí tái có xu hướng tăng lên.
Do đó, Luật đã có quy định, ưu đãi, khuyến khích DN tham gia kinh doanh bảo hiểm thiên tai nhằm tạo lập thị trường bảo hiểm thiên tai, trên cơ sở tính toán cụ thể về hiệu quả kinh tế, các chủ công trình, dự án sẽ mua bảo hiểm thiên tai cho công trình, dự án của mình. Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định) cho rằng, cần có chính sách cụ thể, trực tiếp hơn như bắt buộc các DN, các chủ công trình, dự án… phải mua bảo hiểm thiên tai cho công trình, dự án.
Theo luật sư Thái Văn Cách, để bảo hiểm thiên tai có thể phát triển, trước hết, người dân phải có ý thức tự bảo vệ tài sản, nhưng cũng cần DN bảo hiểm chú ý hơn đến bảo hiểm con người hay tài sản cho người dân vùng lũ. Nhiều trường hợp tài sản không đủ điều kiện để được cấp đơn bảo hiểm, chẳng hạn tường nhà phải là tường dày 20 cm… Với đặc thù của tài sản, hoàn cảnh của người dân vùng lũ, DN bảo hiểm nên có các sản phẩm thích hợp.
“Nhiều nơi, năm nào cũng gặp thiên tai, có hộ dân năm ngoái vừa được cứu trợ năm sau vẫn phải cứu trợ tiếp. Nó cho thấy phong trào quyên góp, ủng hộ hiện nay mang tính thụ động. Chúng ta có thể chủ động khắc phục thiệt hại bằng cách dùng quỹ quyên góp, ủng hộ đó để mua bảo hiểm cho người dân. Khi có một bên đứng ra mua bảo hiểm cho người dân thì DN bảo hiểm cũng dễ triển khai sản phẩm hơn”, luật sư Thái Văn Cách nói.
Về lâu về dài, giải pháp hiệu quả, chủ động nhất vẫn là di dời người dân vùng lũ đến nơi an toàn.