Mặc dù sự cố Vinalines Queen đã xảy ra hơn 1,5 năm (25/12/2011) và cũng đã gần 4 tháng kể từ nhận được hồ sơ khiếu nại đầy đủ của chủ tàu, nhưng đến nay, việc giải quyết bồi thường thân tàu, với tổng số tiền bồi thường 27 triệu USD vẫn chưa được hoàn tất. Sự chậm trễ này do đâu?
Buộc thanh toán phí bồi thường chậm
Theo hợp đồng đã ký ngày 6/9/2011, ABIC bảo hiểm cho chủ tàu là Công ty Vận tải biển Vinalines, đối tượng được bảo hiểm là con tàu Vinalines Queen, có giá trị tham gia bảo hiểm là 27 triệu USD.
Sau khi Vinalines Queen gặp tai nạn, ABIC đã thực hiện các bước theo quy trình giám định bồi thường. Hội đồng bồi thường, trong đó có ABIC, đã thống nhất số tiền bồi thường như sau: cho thân tàu 27 triệu USD, cho P&I 8 triệu đồng, phí giám định 109.000 USD và 12.400 GBP…
Cách đây 2 tuần, Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu ABIC thanh toán ngay số tiền bồi thường cho chủ tàu (hình thức bồi thường bằng tiền) để đảm bảo quyền lợi cho người được bảo hiểm.
Trước đó, ngày 26/3/2013, chủ tàu đã có văn bản yêu cầu ABIC phải thanh toán ngay toàn bộ 27 triệu USD và phải thanh toán lãi suất chậm trả trên số tiền bồi thường theo lãi suất cơ bản hiện hành của Ngân hàng Nhà nước. Sau khi thống nhất với khách hàng về việc hoàn tất thủ tục hồ sơ khiếu nại, ABIC cũng đã 2 lần tạm ứng bồi thường cho chủ tàu với tổng số tiền tạm ứng là 2 triệu USD. Số tiền này cũng đã được các nhà nhận tái bảo hiểm và đồng bảo hiểm xác nhận và đóng góp chi phí tạm ứng bồi thường theo tỷ lệ trách nhiệm trong hợp đồng bảo hiểm.
Tuy nhiên, theo ABIC, phần lãi chậm trả do thanh toán chậm kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ khiếu nại từ chủ tàu (3/1/2013) không được các nhà nhận tái bảo hiểm và đồng bảo hiểm xác nhận trách nhiệm đóng góp. Vì vậy, nhiều khả năng, ABIC phải chịu toàn bộ trách nhiệm về số tiền lãi chậm trả này.
Tuy nhiên, trước mắt, để đáp ứng yêu cầu hoạt động kinh doanh, đảm bảo khả năng thanh toán cho các hợp đồng bảo hiểm khác, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cho biết, ABIC đang lo thu xếp số tiền 25 triệu USD để thanh toán dứt điểm bồi thường cho chủ tàu, quy đổi ra VND theo tỷ giá Ngân hàng Nhà nước 21.230 VND/USD là khoảng 530,75 tỷ đồng.
Đại diện ABIC cho biết, sau khi giải quyết xong phần tiền bồi thường gốc (còn 25 triệu USD), Công ty sẽ tiếp tục thương lượng với các bên là nhà đồng bảo hiểm và tái bảo hiểm để cùng chia sẻ với ABIC về số tiền lãi chậm trả.
Chậm bồi thường, vì sao?
Theo ông Minh, ngay sau khi xảy ra sự cố chìm tàu, công tác phối hợp với chủ tàu và các bên liên quan để thực hiện giám định và điều tra nguyên nhân và mức độ tổn thất đã được thực hiện khá kịp thời. Tuy nhiên, do các nhà đồng bảo hiểm lẫn nhà tái bảo hiểm đều có yếu tố nước ngoài, tàu xảy ra tai nạn vẫn chưa được tìm thấy và giá trị bồi thường quá lớn nên bên bảo hiểm không thể quyết định được sớm việc bồi thường. Song do vụ tai nạn này liên quan đến cả trách nhiệm pháp lý lẫn trách nhiệm tài chính nên nếu không xử lý ngay sẽ ảnh hưởng đến ABIC cũng như các doanh nghiệp liên quan. Vì vậy, ABIC sẽ sớm giải quyết kịp thời để thanh toán bồi thường cho chủ tàu, tránh gây ra tranh chấp với chủ tàu, ảnh hưởng đến uy tín của Công ty.
Theo ghi nhận của ĐTCK, ABIC chỉ tham gia bảo hiểm 0,56% giá trị con tàu, phần còn lại là sự tham gia của các nhà đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm như Bảo Việt, MIC , Vinare…
“ABIC tham gia bảo hiểm không nhiều. Nếu không có các nhà đồng bảo hiểm thì có khi phải bán cả Công ty để bồi thường. ABIC sẽ thanh toán tiền bồi thường cho khách hàng trước, sau đó sẽ thu hồi tiền từ các nhà đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm”, đại diện ABIC cho biết.
Mặc dù vậy, có ý kiến cho rằng, năng lực tài chính cũng như năng lực đối phó với các sự kiện bảo hiểm lớn của các nhà bảo hiểm cũng được xem là nguyên nhân khiến việc bồi thường bị chậm trễ.
Trao đổi với ĐTCK chiều 4/7, đại diện Tổng công ty bảo hiểm PVI cho biết, sau khi tạm ứng lần 1 ngay 4,4 tỷ đồng cho các thuyền viên thì đến nay, PVI đã tạm ứng bồi thường cho 22 thuyền viên mất tích trên tổng số 23 thuyền viên lên tới 90% mức trách nhiệm, tương đương 495.000 USD và sẽ chi trả nốt 10% tiền bồi thường còn lại sau khi có đầy đủ các cơ sở pháp lý cần thiết. |
Tàu Vinalines Queen được định giá trên 29 triệu USD và được bảo hiểm hầu như toàn bộ