Báo ĐTCK vừa đăng tải bài viết “Gần 3.000 tỷ đồng lỗ bảo hiểm vật chất xe ô tô”. Ngay sau khi báo ra, ĐTCK đã nhận được nhiều quan điểm chia sẻ của các thành viên thị trường. Nó cho thấy, có một lỗ hổng trong việc quản lý các số liệu bảo hiểm.
Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã không bóc tách được số liệu bảo hiểm vật chất xe ô tô ra khỏi nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới chung
Phó giám đốc một DN bảo hiểm lớn nhận định, đúng là bảo hiểm vật chất ô tô không lãi, nhưng cũng không ngờ có DN lại thua lỗ nặng đến vậy.
Đại diện Tổng công ty Bảo hiểm PVI thì cho biết, trước đây, do không rõ hết các chỉ tiêu yêu cầu cung cấp của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) nên đã cung cấp số trích lập dự phòng lũy kế của nhiều năm (từ khi thành lập đến 2012) chứ không phải số phát sinh trong từng năm để tính lãi lỗ nghiệp vụ xe cơ giới. Bảo hiểm PVI không bóc tách các khoản dự phòng phí, dự phòng bồi thường, dự phòng dao động lớn, đối với từng nghiệp vụ riêng lẻ bảo hiểm xe cơ giới (trách nhiệm dân sự, vật chất xe…), mà chỉ cung cấp số liệu tổng hợp của cả nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới giai đoạn 2010-2012. Theo đó, doanh thu từ mảng xe cơ giới qua các năm 2010, 2011 và 2012 của đơn vị này lần lượt là 628 tỷ đồng, 573 tỷ đồng và 508 tỷ đồng. Kết quả trong mảng nghiệp vụ này, Bảo hiểm PVI lỗ lần lượt 77,9 tỷ đồng; 7 tỷ đồng và 9,7 tỷ đồng qua các năm 2010, 2011 và 2012.
Hay với Bảo hiểm Bảo Minh, công ty này cho biết, cũng không bóc tách được số liệu bảo hiểm vật chất ô tô. Tuy nhiên, nếu lấy số liệu bảo hiểm tự nguyện thì doanh thu phí bảo hiểm gốc giai đoạn 2010 – 2012 lần lượt như sau: 354 tỷ đồng, 371 tỷ đồng và 301 tỷ đồng. Bảo Minh đang kiểm soát tốt hơn rủi ro, thể hiện bằng việc đã chính thức có lãi từ nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới nói chung vào năm 2012 (lãi 14,9 tỷ đồng) trong khi trước đó, năm 2011 vẫn lỗ 21,5 tỷ đồng hay lãi ở mức thấp hơn, 9,5 tỷ đồng năm 2010.
Cũng cần nhắc lại là, mấy năm qua, thị trường bảo hiểm vật chất ô tô chịu tác động bởi cạnh tranh hạ phí giữa các doanh nghiệp bảo hiểm và chi phí sửa chữa, thay thế phụ tùng ngày càng tăng, làm một số doanh nghiệp thua lỗ về nghiệp vụ này.
Bản thân lãnh đạo các doanh nghiệp bảo hiểm cũng thừa nhận việc trên và nhất trí kiến nghị siết chặt quản lý nghiệp vụ bảo hiểm, chống cạnh tranh không lành mạnh bằng hạ phí, mở rộng điều khoản điều kiện bảo hiểm… Trước tình hình này, Bộ Tài chính cũng đã đề nghị AVI phối hợp với các DN bảo hiểm lựa chọn một số nghiệp vụ bảo hiểm bị lỗ, trước mắt là bảo hiểm vật chất xe cơ giới, để xây dựng quy tắc, điều khoản, điều kiện, biểu phí bảo hiểm đảm bảo an toàn tài chính cho toàn thị trường.
Nói rõ hơn về điều này, chia sẻ với ĐTCK, AVI cho biết, Hiệp hội có chủ trương xây dựng quy tắc điều khoản biểu phí bảo hiểm vật chất xe ô tô đảm bảo an toàn về tài chính để các doanh nghiệp bảo hiểm tham khảo xây dựng quy tắc điều khoản biểu phí riêng của mình trình Bộ Tài chính cho phép thực hiện, chứ không áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm.
Mặc dù vậy, trong quá trình cung cấp số liệu cho AVI, không ít doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có cả doanh nghiệp lớn, cho rằng, việc bóc tách số liệu không dễ. Vậy nên, có trường hợp doanh nghiệp chỉ cung cấp số liệu chung của mảng xe cơ giới, hoặc có lấy số liệu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện để làm số liệu cho mảng bảo hiểm vật chất xe ô tô, trong khi đó, bảo hiểm vật chất xe ô tô chỉ là một mảng trong bảo hiểm xe cơ giới. Chính vì thế, số liệu thống kê dù cho ra kết quả cuối cùng nhưng không phản ánh hết thực tế thị trường.
AVI cho biết, các số liệu được doanh nghiệp cung cấp kể trên chủ yếu chỉ là ước tính để có cơ sở tính phí đảm bảo an toàn về tài chính, chưa được kiểm chứng và thẩm định lại.
Mặc dù vậy, qua sự việc này cũng như nhìn lại lịch sử cung cấp các số liệu bảo hiểm trước đây, có thể thấy, còn không ít băn khoăn về việc thống kê số liệu bảo hiểm. Ngay trong số liệu giữa AVI và Bộ Tài chính cũng từng chênh nhau tới hàng trăm tỷ đồng về doanh số bảo hiểm. Điều này cho thấy một lỗ hổng không nhỏ trong hệ thống phần mềm quản lý số liệu nghiệp vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, nhất là các doanh nghiệp có số chi nhánh, đơn vị thành viên lớn. Thay vì chỉ ngồi trông chờ vào hệ thống giám sát quản lý của cơ quan quản lý, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng cần nâng cao trách nhiệm trong việc cung cấp số liệu.