Theo ông Saman Bandara, Phó tổng giám đốc Ernst & Young (E&Y) phụ trách Khối dịch vụ tài chính ngân hàng, mặc dù có hệ thống kiểm soát nội bộ (KSNB) nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần được các DN bảo hiểm cải thiện.
PTI đã áp dụng tiêu chuẩn ISO vào quy trình quản lý nghiệp vụ của DN
Pháp luật về kinh doanh bảo hiểm quy định, các DN bảo hiểm phải xây dựng, ban hành quy trình nghiệp vụ và tổ chức kiểm tra, KSNB. Thực tế, nhiều nhà bảo hiểm như Bảo Việt, Bảo Minh, PJICO, BIC… đều đã xây dựng, ban hành quy trình nghiệp vụ và tổ chức kiểm tra, KSNB. Chẳng hạn, tại PTI, nhà bảo hiểm này đã xây dựng hệ thống các quy trình quản lý, quy trình nghiệp vụ theo tiêu chuẩn ISO, phân cấp rõ ràng để từng cấp quản lý kiểm soát, sử dụng phần mềm quản lý, tăng cường đào tạo chuyên môn nghiệp vụ và tổ chức kiểm tra định kỳ cũng như đột xuất.
Tuy nhiên, theo ông Saman Bandara, mặc dù có hệ thống KSNB nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần được các DN bảo hiểm cải thiện. Ví dụ, khảo sát của E&Y tại 16 công ty bảo hiểm được công bố hồi đầu năm cho thấy, hầu hết công ty đều có văn bản quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của từng vị trí trong công ty, nhưng còn chung chung và không có cơ chế thực thi, theo dõi. Nhiều công ty có bộ phận thực hiện chức năng quản trị rủi ro, KSNB, kiểm toán nội bộ nhưng thiếu sự độc lập, vẫn báo cáo lên ban điều hành, dẫn đến các báo cáo còn hạn chế trong việc đảm bảo tính khách quan, trung thực. Không có công ty nào có hệ thống cảnh báo sớm để nhận diện các rủi ro mới hoặc theo dõi các thay đổi rủi ro và báo cáo khi kiểm soát thất bại. Các DN cũng không có danh mục rủi ro để đảm bảo không có rủi ro nào bị bỏ sót trong quá trình xây dựng hệ thống KSNB.
“Cải thiện hệ thống KSNB, thiết lập các chốt KSNB ở mọi hoạt động kinh doanh và thực hiện đầy đủ, hiệu quả sẽ giúp DN giảm thiểu rủi ro, gian lận, hoạt động suôn sẻ, giảm thiểu những bất ngờ đến từ môi trường bên trong và bên ngoài, giúp DN đạt mục tiêu lợi nhuận”, ông Saman Bandara nói.
Vậy làm sao giới chủ đánh giá được hiệu quả của hệ thống KSNB, cũng như đánh giá mức độ được thực thi của hệ thống này? Đó là vai trò của kiểm toán nội bộ. Trong hệ thống KSNB, đối tượng chịu trách nhiệm chính là các bộ phận tiến hành hoạt động kinh doanh. Đây là các bộ phận chấp nhận rủi ro, do đó, họ phải là người thiết kế các chốt kiểm soát, chịu trách nhiệm thực hiện, tiến hành các chốt đã được thiết kế đó một cách đúng đắn để đảm bảo hệ thống hoạt động hiệu quả. Trách nhiệm KSNB thuộc về tất cả mọi người, mọi bộ phận tiến hành kinh doanh. Kiểm toán nội bộ có trách nhiệm kiểm tra và cung cấp đánh giá độc lập về hệ thống KSNB đã có hay chưa, nếu đã có thì các chốt kiểm soát có được thiết kế đầy đủ tương ứng với các rủi ro? Kiểm toán nội bộ cũng đánh giá các chốt kiểm soát đã hoạt động đúng đắn, chặt chẽ hay chưa.
Thực tế, có trường hợp, trách nhiệm thiết kế và thực hiện KSNB lại được trao cho bộ phận kiểm toán nội bộ. Đây là việc “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, rất nguy hiểm, nó không đảm bảo tính khách quan, khiến cho ý nghĩa của kiểm toán nội bộ hầu như không còn.
Để hệ thống KSNB trong các DN bảo hiểm hoạt động thực chất và hiệu quả hơn, theo ông Saman Bandara, các cơ quan quản lý có thể đưa ra khung KSNB và khuyến nghị DN áp dụng, đồng thời hướng dẫn chi tiết về việc thực hiện khung này. Cần có quy định về đánh giá hiệu quả của hệ thống KSNB, chẳng hạn yêu cầu giám đốc điều hành phải có báo cáo đánh giá hiệu quả của hệ thống KSNB, từ đó thúc đẩy các nhà điều hành phải có biện pháp cải thiện, nâng cao hiệu quả hệ thống. Các cơ quan quản lý có thể yêu cầu báo cáo đó phải được kiểm toán độc lập tiến hành kiểm toán, như vậy sẽ tăng thêm một cấp giám sát, đảm bảo tính trách nhiệm của khối điều hành tăng lên.
Kiểm soát nội bộ là gì?
Hệ thống kiểm soát nội bộ thực chất là các hoạt động, biện pháp, kế hoạch, quan điểm, nội quy chính sách và nỗ lực của mọi thành viên trong tổ chức để đảm bảo cho tổ chức đó hoạt động hiệu quả và đạt được mục tiêu đặt ra một cách hợp lý. Hệ thống này không đo đếm kết quả dựa trên các con số tăng trưởng, mà chỉ giám sát nhân viên, chính sách, hệ thống, phòng ban của công ty đang vận hành ra sao; nếu giữ nguyên cách làm đó thì có khả năng hoàn thành kế hoạch hay không. Ngoài ra, thiết lập được một hệ thống kiểm soát nội bộ hữu hiệu sẽ hạn chế đến mức thấp nhất việc thất thoát tài sản của công ty. |