Tại Hội nghị CEO các DN bảo hiểm nhân thọ lần thứ 20 vừa được tổ chức tại TP. HCM, lần đầu tiên, vấn đề tổ chức hoạt động, quản lý nhà nước đối với đội ngũ đại lý và tình trạng mồi chài, lôi kéo đại lý giữa các DN đã được đưa vào chương trình nghị sự.
Hàng năm, lượng đại lý tuyển dụng mới đều tăng, nhưng số đại lý nói lời từ biệt với nghề cũng rất lớn
Câu chuyện câu kéo đại lý và tổng đại lý đã “nóng hơn 100 độ” không chỉ vì được đưa vào bàn thảo tại kỳ họp lần này mà thậm chí ngay trong cuộc họp giữa các CEO ngành nhân thọ trước đó, khi bàn về vấn đề này, đã có những “tiếng bấc, tiếng chì” qua lại giữa đôi bên có liên quan.
Thực ra, trước đó không lâu, thị trường bảo hiểm nhân thọ râm ran câu chuyện một DN đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng về việc đại lý của công ty này đang bị công ty khác lôi kéo về với “chiêu” trả thu nhập cao hơn. DN uất ức vì đối thủ cạnh tranh không chỉ lôi kéo lẻ tẻ vài đại lý có kinh nghiệm, mà chơi bài “hoa thơm đánh cả cụm”, tập trung nhổ sạch đại lý, chân rết của mình trong cả một địa bàn.
Nhưng kể ra cũng khó cho cơ quan chức năng khi đứng ra giải quyết sự vụ này, vì chỉ trước đó một thời gian ngắn, chính DN đang ấm ức mang đơn đi kiện này lại nổi đình, nổi đám trên thị trường bởi các chiêu câu kéo đại lý và văn phòng tổng đại lý của các công ty bảo hiểm khác. Khi đó, DN bị mất đại lý cũng đã trao đổi với các cơ quan chức năng và câu trả lời nhận được đại ý là: các DN lớn trên thị trường thì nên tự biết hành xử. Chính vì vậy, câu chuyện câu kéo đại lý lẫn nhau của các công ty bảo hiểm đã ra ngoài tầm với của các cơ quan quản lý và đơn vị mất người có lẽ cũng phải ngậm ngùi mà học kỹ câu thành ngữ “mất bò mới lo làm chuồng”.
Trở lại câu chuyện tuyển dụng đào tạo đại lý/đội ngũ kinh doanh. Thực tế, sau hơn 10 năm thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam phát triển, đây là vấn đề chưa bao giờ hết tính thời sự, bởi thị trường luôn luôn thiếu đại lý hành nghề chuyên nghiệp. Báo cáo của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, tính đến hết quý I/2013, tổng số lượng đại lý có mặt trên thị trường là 215.532 người, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Các DN có số lượng đại lý cao nhất là Prudential 117.341 người, Bảo Việt Nhân thọ 30.244 người và Dai-ichi life Việt Nam là 16.413 người…
Dù lượng đại lý tuyển dụng hàng năm đều tăng, nhưng số đại lý nói lời từ biệt với nghề sau một thời gian nhập cuộc cũng rất lớn, nên dù công tác tuyển dụng vẫn thường xuyên, liên tục, nhưng đại lý thiếu vẫn hoàn thiếu. Câu chuyện “xưa như trái đất” mà người trong nghề vẫn truyền tai nhau là: cách tuyển dụng và đào tạo nhanh nhất là lấy người của công ty khác. Dù các DN bảo hiểm đều hiểu cách tuyển dụng này gắn với rủi ro phát triển không bền vững và cũng có những DN ngưng tuyển dụng theo cách này từ lâu, nhưng tình trạng “ăn xổi” trên lưng nhau vẫn là câu chuyện phổ biến, gây nhức nhối trên thị trường bảo hiểm nhân thọ.
Còn nhớ, hơn một năm trước đây, khi việc chiêu dụ đại lý/văn phòng tổng đại lý nóng hơn bao giờ hết với nhiều bức xức, thị phi giữa bên “đi mua” và “bị mua”, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã phải vào cuộc với yêu cầu các bên liên quan và cả không liên quan (những DN không tham gia “cuộc chiến” này) cam kết tuân theo một quy tắc ứng xử chung. Những quy tắc này được đưa ra sau cuộc họp CEO các DN bảo hiểm nhân thọ lần thứ 19. Trong đó, có quy định đầy đủ, cụ thể cũng như cập nhật các vấn đề mới nảy sinh được các DN đưa ra khi đó với mong muốn đưa thị trường trở lại quỹ đạo bình thường và các DN cạnh tranh lành mạnh theo đúng nguyên tắc đạo đức của ngành… Khi đó, dù không quá kỳ vọng, nhưng các DN đều ký cam kết với hy vọng thị trường sẽ lành mạnh hơn. Thế nhưng, sau khi bản cam kết này được ký chưa ráo mực, thị trường vẫn xảy ra câu chuyện mua các đại lý xuất sắc, rồi mua bảo hiểm được tặng cả chỉ vàng… Và đầu năm nay là việc một vài DN làm đơn kiện cáo lẫn nhau vẫn về vấn đề chiêu dụ đại lý.
Nói thế để thấy câu chuyện cạnh tranh, tuyển dụng hay nói trắng ra là mua đại lý của nhau không chỉ còn là câu chuyện của riêng mỗi DN. Khi vài đơn vị riêng rẽ không thể tự ngồi lại giải quyết với nhau và vấn nạn ngày càng tích tụ thì sự vào cuộc của cơ quan quản lý với vai trò trọng tài là rất quan trọng. Bởi rõ ràng, khi họ không thể “tự hành xử” thì cần có một nguyên tắc hành xử với những chế tài cụ thể cho những DN nào vi phạm luật chơi chung.